Khó 'khai tử' nhà xuất bản nằm chờ... chết

Đã từ lâu, nhiều nhà xuất bản lâm vào cảnh không tự nuôi nổi mình, sống thoi thóp nằm chờ chết, nhưng khó hiểu là vẫn được duy trì với cả vỏ rỗng ruột.
Phía dưới NXB Văn hóa - Thông tin là cửa hàng cà phê, bán cơm văn phòng - Ảnh: Ngọc Thắng
Phía dưới NXB Văn hóa - Thông tin là cửa hàng cà phê, bán cơm văn phòng - Ảnh: Ngọc Thắng

Thuê quán phở làm trụ sở

Hơn 60 nhà xuất bản (NXB) được cấp giấy phép hoạt động, nhưng chỉ một vài NXB hoạt động hiệu quả, số còn lại sống lay lắt, thậm chí có NXB chỉ chờ ngày... đóng cửa. Trong hội nghị giao ban cơ quan chủ quản NXB vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành không giấu những câu chuyện bi hài của ngành mình: có NXB không có nổi chức danh giám đốc, tổng biên tập, có NXB chỉ đủ vốn làm 5 - 10 đầu sách, có NXB phải đi thuê trụ sở, thậm chí thuê lại từ quán phở, quán bánh đúc... Nhiều cơ quan chủ quản đã bỏ mặc NXB tự tung tự tác, sống dở chết dở.

Vị lãnh đạo của ngành xuất bản không quên nhắc đến thảm cảnh của NXB Văn hóa - Thông tin. Từ nhiều năm nay, NXB này không có đủ tiền trả lương cho nhân viên, đành cho nghỉ việc ở nhà, chỉ có mỗi giám đốc đến ngồi trực để... bán giấy phép. Thế nên, không khó hiểu khi những cuốn sách bị coi là “thảm họa” của ngành xuất bản vẫn được đưa ra ngoài thị trường một cách đàng hoàng với giấy phép của NXB này. Chỉ riêng trong năm ngoái, cơ quan quản lý đã xử lý vi phạm từ đình chỉ phát hành cho đến thu hồi 60 cuốn sách gắn mác NXB Văn hóa - Thông tin.

Thảm cảnh “không tự nuôi nổi mình” dẫn đến chuyện dễ dàng bán giấy phép như NXB Văn hóa - Thông tin không phải là hy hữu. Đó là nguyên nhân lớn dẫn tới hậu quả là hàng loạt thảm họa xuất bản xuất hiện trên thị trường. Chỉ trong vòng một năm, dư luận đã bức xúc với nhiều cuốn sách có nội dung sai lệch, nhảm nhí, phản cảm như cuốn Chuyện cổ tích loài chim và muông thú (có nội dung người lớn), Hỏi nhanh đáp trí (câu hỏi và hình ảnh minh họa bạo lực, nhảm nhí), Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 (in hình diễn viên hài mặc quần nhỏ trên bìa sách), Những vị tướng lừng danh trong lịch sử(hình ảnh các danh nhân được minh họa như các nhân vật trong trò chơi điện tử, phim hoạt hình, phim chưởng), Từ điển tiếng Việt của tác giả Vũ Chất (cuốn từ điển với cách giải thích ngô nghê, sai lệch)... Năm ngoái, Cục Xuất bản, in và phát hành đã phải xử lý tới 358 vụ việc, trong đó có 129 vụ liên quan đến xuất bản phẩm vi phạm về nội dung.

Sách lậu, sách bị thu hồi vẫn được bán tràn lan 

Không thể xóa sổ ?

Dù tình trạng nhiều NXB sống lay lắt, chỉ biết dựa hơi vào việc bán giấy phép đã kéo dài trong suốt nhiều năm, nhưng đáng nói là đến giờ những NXB như vậy vẫn chưa bị khai tử. Năm ngoái, Cục Xuất bản, in và phát hành đã phải đề xuất với Bộ Thông tin - Truyền thông gửi văn bản đề nghị Hội Xuất bản VN và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch là cơ quản chủ quản của NXB Văn hóa - Thông tin và NXB Thời đại tạm dừng hoạt động của hai NXB này, để kiện toàn lại hoạt động. Có lẽ đây là lần đầu tiên, có NXB bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Mới đây NXB Lao động - Xã hội liên tiếp bị phát hiện xuất bản hai cuốn sách là Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 in hình bìa diễn viên hài mặc quần nhỏ, vai đeo hai cái chảo, và Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 in hình bìa cán cân công lý, một bên để đồng hồ, một bên để các tập tiền. Cũng như nhiều NXB khác, lỗi của NXB này là chỉ lo bán giấy phép cho đối tác liên kết rồi để mặc. “Chúng tôi muốn đình chỉ luôn hoạt động của NXB này nhưng chưa biết làm cách nào”, một vị lãnh đạo cơ quan quản lý ngành xuất bản khi đó đã nói. Theo vị này, với những lỗi của NXB, cơ quan quản lý chỉ có thể xử lý hành chính.

Tuy nhiên, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành vừa cho biết, trong năm nay, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào nhiệm vụ cấp đổi giấy phép cho các NXB. Theo luật Xuất bản và Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xuất bản, các NXB không đủ tiêu chuẩn sẽ đứng trước nguy cơ không được cấp giấy phép. Quy định được áp dụng muộn màng, nhưng dù sao có còn hơn không!

Theo Thanh niên