Đó là diễn biến của thị trường kim loại quý trong mấy ngày vừa qua. Điều gì đang diễn ra trên thị trường vàng? Vì sao người dân đổ xô đi mua để rồi lỗ nặng? Làm thế nào để tránh giá vàng ảo... là những vấn đề mà PV chuyên mục Trò chuyện chủ nhật đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.
Ai đang “làm giá” thị trường vàng?
PV: Thưa ông, vì sao giá vàng lại “chao đảo” như mấy ngày vừa qua?
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Giá vàng tăng, trước tiên là do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Những biến động chính trị, kinh tế như kết quả cuộc bỏ phiếu người dân Anh đồng thuận rời khỏi EU. Kéo theo đó, dữ liệu Trung Quốc yếu kém và bất ổn đang diễn ra “hậu Brexit” đã gây ra một làn sóng đầu tư vào tài sản an toàn mới.
Quan ngại rủi ro bao trùm thị trường sau khi Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo về rủi ro kinh tế của “Brexit”, cũng như tin tức về một sự suy giảm trong đơn đặt hàng nhà máy ở Hoa Kỳ, và các báo cáo về sản xuất, cùng hoạt động ngành dịch vụ khá trái chiều ở châu Á và châu Âu. Một lực đẩy nữa dành cho vàng là đồng USD giảm nhẹ và chứng khoán châu Á suy yếu… đã khiến giá vàng thế giới tăng cao, nên giá vàng trong nước cũng tăng theo.
PV: Nhưng thị trường trong nước lại tăng “vượt mặt” giá thế giới, bằng chứng là chênh lệch giá vàng nội - ngoại thời điểm cao nhất đã lên tới 3 triệu đồng/lượng, đảo ngược hoàn toàn xu thế “âm” trước đó, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Đúng vậy, thị trường vàng vừa trải qua những ngày diễn biến bất thường. Giá tăng chóng mặt và người dân đổ xô đi mua vào. Số liệu tính toán của tôi, hiện cả nước có khoảng 300 điểm giao dịch vàng miếng. Trung bình lúc cao điểm, mỗi cửa hàng bán ra khoảng 150-200 lượng, tổng cộng khoảng 50.000 lượng, tương đương với 2.000 tỷ đồng được người dân “đổ” vào vàng.
PV: Vấn đề là, giá vàng tăng quá nóng, vượt giá trị thực và nhanh chóng đảo chiều gây thiệt hại cho người dân. Câu hỏi đặt ra là liệu có hay không hiện tượng đầu cơ, “tay to” làm giá?
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Diễn biến trong mấy ngày vừa qua, theo tôi làm giá thì khả năng ít, vì các DN sợ biến động thị trường, nên chính họ cũng không dám đầu cơ, còn việc đồn thổi giá lên, nếu có chăng thì có một vài DN nào đó đủ tầm tích lũy khoảng vài ba nghìn lượng mới dám thổi giá, nhưng con số này rất ít. Nhìn lại trước đây, năm 2004, khi thị trường có sự phân hóa mạnh, SJC cũng như Agribank là hai DN chiếm thị phần lớn, nên giá cả cũng được các DN này chi phối nhiều.
Tuy nhiên sau khi NHNN siết lại việc kinh doanh vàng miếng, thị trường đã “chia lại” thị phần, hầu hết các DN có tiềm lực tương đương nhau. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, thị trường vàng tương đối trầm lắng, việc mua bán không mấy sôi động, các DN không dám “ôm” quá nhiều vàng. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu vàng cũng bị siết chặt hơn, nên khả năng có 1 DN “tay to” làm giá trên thị trường trong mấy ngày gần đây theo tôi là không có. Tuy nhiên, phải nói thẳng rằng, bất kỳ thị trường nào, hàng hóa nào, đã có đầu tư thì tất yếu sẽ có đầu cơ, chỉ là đầu cơ nhiều hay ít, mạnh hay yếu và tùy từng thời điểm để sự đầu cơ này thể hiện mà thôi.
Riêng với thị trường vàng trong mấy ngày gần đây, giá lên chủ yếu là do người dân nhảy vào vàng theo hiện tượng bầy đàn. Hiện tượng này đã diễn ra hàng chục năm trước, đã có nhiều bài học đắt giá cho việc mua bán theo đám đông. Trong vài năm trở lại đây, tưởng là đã “yên”, ai dè lại tiếp tục dậy sóng. Người dân quên bài học cũ quá nhanh, nên họ phải gánh hậu quả là đương nhiên. Thay vì phải phân tích kỹ, thì họ lại theo nhau đổ xô đi mua vào khiến giá vàng cứ thế tăng vùn vụt.
PV: Mua là việc của người dân, nhưng đẩy giá lên cao lại là do các DN…
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Bản thân các DN, khi đẩy giá lên cao, họ thừa biết giá đó là vô lý, nhưng nếu không đẩy giá lên, chính DN sẽ chết. Để tránh rủi ro, họ phải dự phòng là đương nhiên. Như tôi đã nói ở trên, do thị trường trầm lắng, do việc nhập khẩu vàng bị siết chặt, nên họ không dám ôm nhiều vàng. Đùng một cái, khách ầm ầm kéo đến, dĩ nhiên DN rơi vào tình trạng cầu vượt cung, họ sẽ tự đẩy giá lên cao để kiếm lời.
Khó có thể xác định ai là người đẩy giá đầu tiên, nhưng khi 1 DN đẩy giá, các DN khác lập tức đồng loạt đẩy giá lên cao. Việc “canh” nhau này đã khiến thị trường thiết lập một mặt bằng giá mới. Cứ thế, giá sẽ tiếp tục được thổi theo số lượng khách mua vàng. Theo tôi là không có “tay to” làm giá, mà chính người dân đã tự đẩy giá lên, chính người dân đã tạo cơ hội cho DN đầu cơ.
PV: Nhưng thực ra, người dân cũng chỉ vì nóng lòng, sợ vàng lên cao quá nên mới đổ xô đi mua?
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Vì thế, người dân phải có thông tin, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, từ đó phân tích thực tế để có quyết định đúng đắn. Tôi lấy ví dụ sau khi có kết quả Brexit diễn ra, giá vàng bị đẩy lên cao thật, nhưng sau đó đã chững lại, rồi đảo chiều giảm. Điều này có nghĩa rằng giá vàng bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế, chính trị khác, nhưng khi đã lên đến đỉnh, nó sẽ đảo chiều.
Thực tế, giá vàng trong nước “nổi sóng” sau khi giá vàng thế giới đã đi xong chu kỳ của mình. Tại sao người dân không biết phân tích để thấy logic, mà cứ nhắm mắt mua lấy được để chịu thiệt hại, sau 1 đêm mất tới 3 triệu đồng/lượng như thế? Mà theo tôi được biết, người mua ít cũng dăm ba lượng, người mua nhiều có thể nhiều chục cây. Cứ nhân lên, thiệt hại càng nhiều.
Dấu hiệu nào nhận biết thị trường bị “làm giá”?
PV: Ông có nói là mua bán vàng phải lắng nghe ý kiến chuyên gia. Điều này thực sự không dễ, vì trong khi ông nói giá vàng sẽ xuống, thì có những chuyên gia khác lại nhận định sẽ lên tới… 62 triệu đồng/lượng. Người dân biết nghe ai? Ông có thể cho người dân một vài dấu hiệu để biết vàng đang bị làm giá mà tránh xa không?
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Dấu hiệu, theo tôi có nhiều. Ngoài việc nắm bắt thông tin, đánh giá xu hướng vàng, chu kỳ lên xuống của vàng, thì có thể nhìn vào một số dấu hiệu như khi các DN kéo giãn biên độ mua bán vàng lên cực cao, từ 1 triệu trở lên là “có vấn đề”, vì thứ nhất, chính họ đã tự dự phòng rủi ro cho mình, tức là rủi ro đó đã hiện hữu. Thứ hai, khi đẩy biên độ mua bán rộng, rõ ràng DN đang cố tình hạn chế mua vào.
Khi những “chuyên gia vàng”, “con buôn vàng” đã thấy rủi ro, thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường sẽ càng gánh khả năng rủi ro cao hơn. Một dấu hiệu khác, đó là khoảng cách chênh lệch nội ngoại bị nới rộng. Trong một thời gian dài, giá vàng trong nước thậm chí còn thấp hơn giá vàng thế giới hàng trăm nghìn đồng mỗi lượng, bất ngờ, quay đầu tăng lên gần 3 triệu đồng/lượng như vừa rồi thì rõ ràng là “có vấn đề”. Người dân đã không chịu nhìn nhận các dấu hiệu, cứ nhắm mắt mua bừa. Bởi vậy, khi thị trường nóng, cần phải có một cái đầu lạnh.
PV: Thực ra, bắt người dân phải “nóng-lạnh” theo thị trường thì cũng hơi khó. Vậy, cơ quan quản lý giá, hay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở đâu khi thị trường bị làm giá, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Thực ra NHNN cũng đã kịp thời lên tiếng, và sau khi có thông tin này, thị trường đã lập tức đảo chiều đi xuống. Việc NHNN can thiệp vào thị trường không hề khó khăn, và cơ quan này cũng đã khẳng định là sẵn sàng mọi biện pháp can thiệp khi cần thiết. Trước đây, NHNN đã tổ chức đấu thầu để bình ổn thị trường vàng, nhưng khoảng hơn 2 năm trở lại đây, việc đấu thầu đã không còn cần thiết vì thị trường khá bình ổn. Nếu chênh lệch giá nội ngoại duy trì khoảng 2 triệu đồng thì nên đấu thầu, và NHNN có đủ tiềm lực để can thiệp. Chỉ cần tung ra khoảng 20-30 nghìn lượng vàng, thì thị trường sẽ “vào khuôn khổ” ngay.
PV: Nhưng đó chỉ là “chữa”, chứ không phải “phòng”, vì thực tế, người dân đã chịu thiệt vì cơn bão vàng trước đó rồi.
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Đúng vậy, cá nhân tôi nghĩ nên có một Tổng công ty, hoặc một Sở giao dịch vàng quốc gia để can thiệp lúc cần, chứ không phải bị động như lần này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo CAND