Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (đảng SPD) ủng hộ việc thành lập quân đội chung của EU, song cho rằng đề xuất của Chủ tịch EC Juncker cần nhiều thời gian để thực hiện và phải được tiếp tục bàn thảo trong nội bộ EU. Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố quân đội chung của EU "đã và đang tồn tại" và nhấn mạnh thêm rằng Pháp là nước phải chịu gánh nặng lớn nhất trong việc triển khai các hoạt động quân sự của EU ở nước ngoài, nhất là ở Mali và khu vực Sahel. Các nước EU khác cần phải chia sẻ nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Italy (IAI) Gianni Bonvicini cho rằng, nếu EU muốn hướng tới việc thành lập quân đội chung thì trước hết cần phải đẩy mạnh triển khai "Hiệp ước Lisbon". Ông Bonvicini cũng nhấn mạnh NATO không phải là một trở ngại đối với việc EU tăng cường hợp tác quốc phòng, bởi thực tế cho thấy Mỹ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với các nước EU. Tuy nhiên, hiện EU đang thiếu cơ sở thực tế để thành lập quân đội chung do không đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
Serbia ủng hộ đề xuất thành lập quân đội chung EU nhưng cho rằng điều này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai. Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Martin Stronic ký tuyên bố "đề xuất này không có gì bất ngờ", điểm mới ở đây là ông Juncker đưa ra trong bối cảnh EU đang phải đối phó với các thách thức từ phía Nga.
Theo ông Stronicky, Serbia cho rằng NATO là lực lượng chính trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng thủ chung châu Âu và đánh bại các thế lực hiếu chiến. Hiện ở Serbia vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Một số chính trị gia ủng hộ, số khác thì tỏ ra nghi ngờ và nhấn mạnh nhiệm vụ chính trong việc bảo vệ EU là của NATO.
Nghị sỹ Marek Zenisek, thành viên đảng TOP9 cho rằng sáng kiến của Chủ tịch Juncker không nên lặp lại hình mẫu của NATO mặc dù nhiều nước EU cũng là thành viên của NATO. Thay vào đó, các nước châu Âu cần tăng cường triển khai quan điểm phòng thủ chung hiện nay.
Đề xuất thành lập quân đội chung không thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận Slovakia. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Martina Balleková tuyên bố do không nắm được chi tiết về đề xuất nên vẫn chưa phải là thời điểm để thể hiện quan điểm về vấn đề này. Tuy nhiên, Slovakia muốn tập trung vào việc củng cố Chính sách an ninh và quốc phòng chung của Liên minh châu Âu (CSDP) phù hợp với các quyết định của Hội đồng châu Âu tháng 12/2013.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ba Lan tỏ ra không tin tưởng cũng như không ủng hộ đề xuất thành lập quân đội chung EU. Ba Lan lo ngại rằng hành động này có thể gây ra sự chia rẽ trong EU trong việc đối phó với các thách thức từ phía Nga.
Warsaw cho rằng việc thành lập quân đội chung EU là "không thể và không cần thiết" và không nên làm giảm sự gắn kết trong NATO tại thời điểm lịch sử này. Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Ba Lan Stanislaw Koziej thì cho rằng đề xuất trên thiếu tính hiện thực trong bối cảnh chính trị hiện nay.
Một lực lượng quân đội chung phải chịu sự giám sát của công dân các nước EU. Điều này chỉ đạt được khi có một châu Âu đoàn kết, thống nhất, một "hợp chủng quốc châu Âu". Trong bối cảnh hiện nay, khó có thể làm được điều này. Hơn nữa, không nước thành viên EU nào muốn san sẻ quyền kiểm soát đối với quân đội của nước mình, do đó việc đề xuất lập quân đội chung hiện chỉ là "lý thuyết". Tuy nhiên, Ba Lan ủng hộ việc tăng cường năng lực phòng thủ của Liên minh châu Âu trong khuôn khổ NATO cũng như năng lực phòng thủ của từng quốc gia thành viên.
Giáo sư Valentin Naumescu, Đại học Babes-Bolyai (Romania) cho rằng, đề xuất của Chủ tịch EC Juncker cho thấy sự yếu kém trong chính sách đối ngoại của EU, sự bảo thủ của lãnh đạo Liên minh trong việc tìm kiếm cơ chế phòng thủ chung thay vì phụ thuộc vào NATO.
Theo: Báo Tin Tức