Kalibr phóng từ Kilo, Gepard: Việt Nam thêm lựa chọn ở Biển Đông

Trong tháng 10 và 11 /2015, các tàu chiến mặt nước Buyan thuộc hạm đội Caspian Nga đã hai lần phóng tên lửa hành trình Kalibr-NK qua lãnh thổ Iran và Iraq vào 11 mục tiêu của IS trên đất Syria. Sau đó, đến lượt tàu ngầm Rostov on Don thuộc lớp Kilo phóng Kalibr từ Địa Trung Hải đánh mục tiêu IS...
Tàu ngầm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr đánh mục tiêu khủng bố tại Syria
Tàu ngầm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr đánh mục tiêu khủng bố tại Syria

Ngày 5-6/10, 4 tàu chiến mặt nước của Phân hạm đội Caspian đã phóng 26 tên lửa hành trình Kalibr-NK từ biển Caspie bay qua lãnh thổ Iran và Iraq vào 11 mục tiêu của IS trên đất Syria và tiêu diệt toàn bộ số mục tiêu này. Trong tháng 11/2015, hạm đội Caspian tiếp tục phát động đòn đánh tên lửa Kalibr thứ hai vào các mục tiêu khủng bố Syria.

Khi phương Tây chưa hết kinh ngạc, Nga lại khiến thế giới choáng váng với việc tàu ngầm Kilo tấn công mục tiêu IS bằng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu ngầm. The Independent Anh thừa nhận trên thế giới mới chỉ có 3 nước có khả năng này là Mỹ, Anh và giờ là Nga.

Các tên lửa hành trình tầm xa của hệ thống Kalibr-NK thoát thai từ từ tên lửa của hệ thống Granat, một trong những vũ khí bí mật nhất của Liên Xô. Chỉ có tính năng của biến thể xuất khẩu của tên lửa được công bố chính thức. Theo các nguồn công khai, tên lửa 3М-14 Kalibr có tầm bắn 350 km đối với mục tiêu trên biển và gần 1.500 km đối với mục tiêu mặt đất, còn khi mang đầu đạn hạt nhân, chúng có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm 2.600 km.

Kalibr bắt đầu được phát triển trong những năm 1980. Trong thập kỷ 1990, khi Mỹ phóng tay sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk mà không ai làm gì được thì Nga ngừng phát triển loại tên lửa này. Từ chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 đến nay, Mỹ gần như độc quyền dùng tên lửa hành trình tấn công vào nhiều nước như Iraq, Nam Tư, Afghanistan, Sudan, Yemen, Libya. Mãi đến thập kỷ trước, Nga đã nối lại phát triển tên lửa hành trình này và Kalibr được phóng lần đầu từ tàu tên lửa Dagestan vào mùa xuân năm 2012.

Loạt phóng từ biển Caspian đã kết thúc sự độc bá của Mỹ về tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa.Tên lửa Kalibr đượt thiết kế là loại vũ khí tấn công chính xác và có thể bay theo  một quỹ đạo phức tạp lên tới 15 lần đổi hướng bay trên hành trình. Chẳng hạn, nếu như tàu địch ở phía bên kia đảo, các tên lửa sẽ bay vòng qua đảo để tấn công tàu mục tiêu.

Kalibr được cho là có hai loại (mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường). Hải quân Nga luôn nhấn mạnh rằng cần có các tên lửa hạt nhân chống hạm để cân bằng với ưu thế vượt trội của Mỹ. Một số chuyên gia phương Tây cho rằng tên lửa Kalibr SLCM xứng đáng được chú ý hơn. Chúng rất thích hợp với mục tiêu giảm phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân được tuyên bố trong Học thuyết quân sự Nga năm 2000 và đã được tái xác nhận trong các Học thuyết mới năm 2010 và 2014.

Giá trị của các đòn đánh bằng vũ khí hành trình chính xác tầm xa đã được minh chứng rộng rãi bởi hàng loạt các cuộc chiến do Mỹ thực hiện kể từ năm 1991. Không như các vũ khí hạt nhân, các tên lửa hành trình tầm xa thông thường rất hữu dụng và nếu cần thiết có thể là vũ khí răn đe đáng tin cậy đối với địch thủ tiềm tàng.

Kalibr có khả năng trang bị trên rất nhiều các loại phương tiện mang. Chúng sẽ được triển khai trên các tàu ngầm Projec 885 Yasen SSN; các tàu ngầm diesel lớp Varshanvyanka; có kế hoạch trang bị trên các tàu ngầm Shchuka B của Hạm đội Biển Bắc. Một số loại tàu mặt nước như các tàu săn ngầm Project 1155 cũng sẽ được trang bị tên lửa này và các tàu hộ vệ tương lai Project 11356 cũng vậy. Các tàu thuộc Hạm đội Caspian đã phóng thử Kalibr vô số lần từ các chiến hạm khác nhau.

Đáng nói là cả hai loại phương tiện mang (tàu tên lửa Dagestan và tàu ngầm Kilo) đã phóng tên lửa hành trình Kalibr cũng có họ hàng với hai loại vũ khí chủ lực của Hải quân Việt Nam với một số khác biệt - Kilo của Việt Nam là Projekt 636.1 được trang bị hệ thống đa năng Club-S với tên lửa đối đất 3M-14E tầm bắn 300 km, Kilo của Nga là Projekt 636.3 mang Kalibr (3M-14) tầm bắn đến 2.600 km; còn frigate tên lửa Gepard 3.9 (Projekt 11661E) của Việt Nam chỉ có hệ thống Uran-E bắn tên lửa đối hạm Kh-35E, trong khi tàu tên lửa Dagestan lớp Gepard (Projekt 11661K) được trang bị hệ thống tên lửa đa năng Kalibr-NK có cả tên lửa tấn công mặt đất 3M-14.

Tàu tên lửa nhỏ lớp Buyan phóng tên lửa Kalibr
Tàu tên lửa nhỏ lớp Buyan phóng tên lửa Kalibr

Được biết, Nga vẫn đang tiếp tục cải thiện và nâng cấp gia đình tên lửa Kalibr với hệ thống phóng mới.  Các nhà thiết kế Nga đang gấp rút hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống với 4 tên lửa Kalibr vào một container tàu biển tiêu chuẩn, có thể được các tàu thương mại thông thường chuyên chở hàng trăm chiếc qua lại trên các đại dương.

Điều đó có nghĩa bất cứ con tàu nào chở container tiêu chuẩn đều có thể mang các tên lửa hành trình tầm xa có khả năng đánh chìm tàu bè hoặc tấn công các mục tiêu trên đất liền. Tương tự, bất kỳ vùng bờ biển nào của Nga có vẻ không được bảo vệ đều có thể  đột ngột xuất hiện các tên lửa chống hạm được bố trí kín đáo trong các container.

Sự phổ biến của Kalibr trên và dưới mặt biển, trên cả tàu mặt nước từ lớn đến nhỏ lẫn tàu ngầm thông thường đến nguyên tử, một xu hướng trang bị nổi bật của hải quân Nga hiện nay, và không loại trừ là cả ở các nước khác sẽ là nỗi kinh hoàng của hải quân các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc.

Với màn ra mắt ấn tượng của Kalibr ở Syria, một số ý kiến đã nhắc tới việc các tàu Gepard 3.9 mà Việt Nam đã trang bị và sẽ mua thêm có nên trang bị hệ thống tên lửa Club phóng thẳng đứng tương tự hay không. Một điều hoàn toàn khả thi vì chiến hạm lớp Buyan Nga dùng để phóng Kalibr có lượng giãn nước chưa bằng một nửa so với tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Việt Nam.

Trước đó, truyền thông nước ngoài cho biết Trung Quốc phản đối Nga bán Club-S cho Việt Nam chính là vì ngán sợ khả năng tác chiến đối đất của nó. Nếu Việt Nam có thêm các tên lửa tấn công mặt đất như Club, BrahMos triển khai trên tàu chiến mặt nước, bệ phóng mặt đất và máy bay sẽ giúp củng cố vững chắc đáng kể hệ thống phòng thủ biển, được xem như một phiên bản chống tiếp cận của Việt Nam ở Biển Đông.