Japan Times: Hải cảnh Trung Quốc lấn lướt, Nhật Bản khẩn trương tìm kiếm đối sách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình tranh chấp Trung – Nhật xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng gay gắt. Trước sự lấn lướt của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, phía Nhật khẩn trương tìm cách đối phó.
Sau khi ban hành "Luật Hải cảnh" mới, số lượng tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhiều kỉ lục (Ảnh: Dwnews).
Sau khi ban hành "Luật Hải cảnh" mới, số lượng tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhiều kỉ lục (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 11/3, tờ Japan Times (Thời báo Nhật Bản) xuất bản bằng tiếng Anh đã đăng một bài xã luận nói, Trung Quốc đã ban hành đạo luật vào tháng trước để biến lực lượng Hải cảnh của họ thành lực lượng Hải quân thứ hai về thực chất. Phản ứng của Nhật Bản phải không chỉ là phản đối ngoại giao. Chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga cần phải đối mặt với hành động đe dọa của Bắc Kinh để bảo vệ lợi ích của Nhật Bản, đồng thời nỗ lực thiết lập cơ chế liên lạc và ký kết hiệp nghị để giảm nguy cơ đối đầu và leo thang tình hình.

Japan Times viết, năm 2018, Hải cảnh Trung Quốc được đưa trở lại biên chế thuộc Tổng bộ Cảnh sát Vũ trang và trở thành một đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Hải cảnh Trung Quốc khi đó đã là “lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới”. Năm 2019, Cảnh sát biển Trung Quốc có hơn 130 hạm tàu lượng giãn nước từ 1.000 tấn trở lên, trong đó phần lớn được trang bị trực thăng đổ bộ, vòi rồng (thủy pháo) cao áp và hạm pháo cỡ nòng từ 30 mm đến 76 mm. Ngoài ra còn có hơn 70 tàu tuần tra chiến đấu cao tốc lượng giãn nước trên 500 tấn, hơn 400 tàu tuần tra ven biển và hơn 1.000 tàu tuần tra biển gần và sông nội địa. Phía Mỹ ước tính đến cuối những năm 2020, Hải cảnh Trung Quốc có thể tăng thêm 25 đến 30 tàu tuần tra và tàu tuần tra chiến đấu.

Máy bay của không quân Nhật bay tuần tra vùng trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Kyodo).

Máy bay của không quân Nhật bay tuần tra vùng trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Kyodo).

Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép các tàu Hải cảnh của họ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm cả vũ khí, để ngăn chặn việc lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng trời phía trên “khu vực quyền tài phán” bị xâm phạm. Hải cảnh Trung Quốc nay có quyền cưỡng chế trục xuất tàu nước ngoài ra khỏi các khu vực nêu trên và có quyền phá dỡ các công trình do nước ngoài xây dựng trên các đảo bãi trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền.

Điều này phù hợp với quyền hạn của lực lượng phòng vệ bờ biển của các quốc gia khác. Nhưng điều đáng lo ngại là phạm vi quyền tài phán của Trung Quốc không được xác định rõ ràng. Bắc Kinh rêu rao rằng quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm một vùng nước rộng lớn được bao quanh bởi cái gọi là “đường chín đoạn”; ở biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc gọi đó là quần đảo Điếu Ngư).

Bài báo viết, từ lâu nay, Trung Quốc luôn gây sức ép lên quần đảo Senkaku, lãnh thổ của Nhật Bản. Năm 2020, hơn 1.100 lượt chiếc tàu công vụ Trung Quốc đã đi vào vùng biển lân cận quần đảo Senkaku trong thời gian kỷ lục 333/365 ngày. Hơn nữa, kể từ khi Bắc Kinh thông qua “Luật Hải cảnh” mới đến nay, sự hiện diện của các tàu Hải cảnh Trung Quốc đã tăng lên. Trong tháng 2 năm nay, 14 tàu tuần tra của Hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển Nhật Bản 14 lần, nhiều hơn gấp đôi so với số lượng của tháng 1 năm nay và nhiều nhất trong 4 năm rưỡi qua. Các tàu này đã đeo bám các tàu đánh cá của Nhật Bản và yêu cầu họ rời khỏi vùng biển này.

Hải cảnh Trung Quốc hiện có hơn 130 hạm tàu có lượng giãn nước từ 1.000 tấn trở lên. Trong ảnh: 1 trong 2 hạm tàu có lượng giãn nước 12 ngàn tấn (Ảnh: Sina).

Hải cảnh Trung Quốc hiện có hơn 130 hạm tàu có lượng giãn nước từ 1.000 tấn trở lên. Trong ảnh: 1 trong 2 hạm tàu có lượng giãn nước 12 ngàn tấn (Ảnh: Sina).

Mỗi khi tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng nước của Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đều phản đối thông qua kênh ngoại giao và các quan chức chính quyền Bắc Kinh cũng đều bác bỏ điều đó, rêu rao các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật của tàu công vụ Trung Quốc trong vùng biển quần đảo Senkaku là hợp lý và hợp pháp, và thề sẽ tiếp tục xem đó như các hoạt động thường xuyên. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã phê phán “Luật Hải cảnh” mới của Bắc Kinh là “mập mờ” và có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Điều này là không đủ. Chính phủ Nhật Bản cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp lại hành động phối hợp đầu tiên của Trung Quốc nhằm thách thức chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku; sau đó kiểm soát các diễn biến, chứ không chỉ là tăng cường sự hiện diện của các tàu Cảnh sát biển Nhật Bản trong vùng biển này.

Bài báo viết, đầu tiên, Tokyo phải nâng cao quyền hạn pháp luật của Cảnh sát biển để cho phép các tàu của họ nổ súng bắn cảnh cáo hoặc tấn công những kẻ xâm nhập. Các quy tắc giao chiến cũng phải được sửa đổi để thuyền trưởng biết khi nào và làm thế nào để hành động theo quyền hạn mới này.

Thứ hai, trọng tải lớn của tàu Hải cảnh Trung Quốc đồng nghĩa với việc tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản có thể gặp bất lợi hoặc bị bên kia áp đảo; do đó, họ phải phối hợp với Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) để có những biện pháp bảo đảm an ninh trên biển mới.

Các tàu và máy bay của Cảnh sát biển và Hải quân Nhật diễn tập ngăn chặn tàu đối phương xâm nhập (Ảnh: Kyodo).

Các tàu và máy bay của Cảnh sát biển và Hải quân Nhật diễn tập ngăn chặn tàu đối phương xâm nhập (Ảnh: Kyodo).

Thứ ba, Chính phủ Nhật Bản phải thúc giục cộng đồng quốc tế nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc sửa đổi “Luật Hải cảnh” của Trung Quốc. Thủ tướng Yoshihide Suga đã nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 online mới đây. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích đạo luật này và nhấn mạnh rằng Washington đã đứng vào hàng ngũ của Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Indonesia và các nước khác.

Cuối cùng, Nhật Bản phải đảm bảo đối thoại thực tế với Trung Quốc để Bắc Kinh có thể hiểu được những quan ngại cực độ của Nhật Bản và giúp hai chính phủ cố gắng đảm bảo rằng các lực lượng của họ không rơi vào xung đột. Các hoạt động của lực lượng trên biển của hai nước ngày càng tiếp cận nhau hơn, khả năng xảy ra va chạm hoặc xung đột ngày càng tăng. Cần phải thông qua trao đổi thông tin và quy tắc tiếp xúc để giảm thiểu cơ hội đối đầu và đảm bảo rằng khi xung đột xảy ra, có thể được giải quyết một cách hòa bình.