Trang Army Recognition, dẫn Thời báo Israel (The Times of Israel) cho biết, tên lửa đạn đạo do lực lượng Houthi (phong trào Ansar Allah phóng từ miền Tây Yemen.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), sử dụng hệ thống phòng không tiên tiến nhất Mũi tên 3 (Arraow -3) do công ty Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel “Israel Aerospace Industries” (IAI) phối hợp với Mỹ chế tạo, đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo thù địch trên bầu trời Eilat, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam Israel. Thành công này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển năng lực phòng không - phòng thủ tên lửa của Israel.
Tên lửa đạn đạo được cho là do lực lượng vũ trang Houthi hoạt động ở Tây Yemen phóng vào Israel. Đây không phải lần đầu tiên lực lượng Houthi tấn công vào quốc gia này. Theo truyền thông Israel, Houthi đã nhiều lần phóng các máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa hành trình tấn công vào hướng Israel, các chiến hạm của Mỹ và phương Tây trên Biển Đỏ.
Tình huống này cho thấy sự phát triển mở rộng trong ý đồ chiến lược của lực lượng nổi dậy Yemen, tăng cường tấn công bằng các loại vũ khí hạng nặng vào lãnh thổ Israel như một động thái thể hiện cam kết ủng hộ mạnh mẽ người Palestine.
Tên lửa đánh chặn Arrow 3, còn được gọi là Hetz 3 theo tiếng Do Thái là tên lửa phòng không siêu thanh chống tên lửa đạn đạo ngoài bầu khí quyển do Israel và Mỹ đồng tài trợ, phát triển và sản xuất.
Chương trình tên lửa đánh chặn Arrow do Công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và công ty Mỹ Boeing đồng thực hiện dưới quyền giám sát của cơ quan quản lý " Homa " thuộc Bộ Quốc phòng Israel và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa MDA của Mỹ. Tên lửa được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ngoài bầu khí quyển, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo IAI, tên lửa có tầm bay đến 2.400 km.
Tháng 6/2009, IAI trong một thông báo cho biết, Arrow-3, sản phẩm công nghệ được cấp bằng sáng chế là tên lửa mang đầu đạn đánh chặn 2 giai đoạn, có cấu trúc tương tự như Arrow-2, nhưng sử dụng công nghệ hit-to-kill do Boeing phát triển.
Không giống các tên lửa đánh chặn khác, sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng hoặc khí, tên lửa đánh chặn mới của Israel được lắp đặt động cơ tên lửa thông thường, trang bị vòi phun vectơ lực đẩy. Đầu đạn đánh chặn được trang bị bộ khí tài tìm kiếm trên nền tảng trục xoay 360o (gimbaled), cho phép bao phủ vùng bán cầu phía trước.
Sử dụng góc đo hướng phát hiện mục tiêu, bộ điều hướng sẽ chuyển hướng đầu đạn thẳng hàng với đường bay của mục tiêu để thực hiện cú va chạm tiêu diệt. Khả năng chuyển hướng linh hoạt của đầu đạn làm giảm nhu cầu về sự phối hợp nhiều hệ thống radar phát hiện và theo dõi, dẫn đường cho đầu đạn đánh chặn, có tỷ lệ thành công thấp.
Tên lửa Arrow-3 đánh chặn tên lửa đạn đạo trên độ cao đến 100 km và có thể được phóng từ chiến hạm. Arrow-3 có tốc độ nhanh hơn, kích thước nhỏ hơn và trọng lượng chỉ bằng một nửa của Arrow-2.
Một khẩu đội tên lửa phòng không Arrow-3 có khả năng đánh chặn 5 tên lửa đạn đạo trong vòng 30 giây. Arrow-3 được phóng vào khu vực không gian dự kiến trước khi xác định chính xác quỹ đạo của tên lửa đạn đạo. Khi mục tiêu và đường bay của tên lửa đạn đạo được xác định, Arrow -3 sử dụng động cơ vòi phun vectơ lực đẩy điều chỉnh hướng tấn công, thu hẹp khoảng cách và phá hủy mục tiêu bằng va chạm trực tiếp “hit to kill”.
Giáo sư Yitzhak Ben Yisrael, chủ tịch Cơ quan Vũ trụ Israel lưu ý, Arrow-3 có thể được sử dụng như vũ khí chống vệ tinh. Với loại tên lửa này, Israel trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng phá hủy các vệ tinh đối phương trên quỹ đạo.
Tên lửa đánh chặn Arrow 3 là một phần của Hệ thống vũ khí Arrow (AWS), hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật và chiến lược đã thực hiện các hoạt động đánh chặn thành công trong thực tế chiến đấu lần đầu tiên trên thế giới.
Được trang bị các tên lửa đánh chặn tiên tiến Arrow-2 và Arrow-3 có hiệu suất chiến đấu cao, các hệ thống phòng không mô-đun Arrow đang hoạt động để nhanh chóng phát hiện, theo dõi, đánh chặn và tiêu diệt những tên lửa đạn đạo trong giai đoạn bay ngoài bầu khí quyển với nhiều loại đầu đạn khác nhau và phòng thủ tên lửa trong một không gian rộng lớn, bảo vệ các vị trí chiến lược và trung tâm dân cư ở Israel.
Tháng 11/2023, Bộ Quốc phòng Israel công bố thỏa thuận cuối cùng về việc bán hệ thống phòng không Arrow 3 cho Đức. Thỏa thuận này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc phòng quốc tế mà còn cho thấy độ tin cậy cao vào công nghệ tiên tiến của hệ thống Arrow 3, có khả năng chống những mối đe dọa mang tính chiến lược. Theo hợp đồng, Israel sẽ chuyển giao hệ thống phòng không Arrow-3 cho Đức vào năm 2025, thể hiện cam kết của cả hai nước trong việc tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh những thách thức an ninh toàn cầu ngày càng gia tăng.
Theo Army Recognition