Israel, Bahrain bình thường hóa quan hệ: Thêm một đòn giáng với người Palestine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bahrain là nước tiếp theo tiếp bước UAE chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Israel, một phần trong chiến dịch hòa bình Trung Đông của Nhà Trắng. Tuy nhiên, động thái này bị xem như đòn giáng với người Palestine.
Tiếp bước UAE, Bahrain nhất trí nối lại quan hệ đầy đủ với Israel (Ảnh: Newsweek)
Tiếp bước UAE, Bahrain nhất trí nối lại quan hệ đầy đủ với Israel (Ảnh: Newsweek)

Trong một tuyên bố chung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên Twitter hôm 11/9 vừa qua, lãnh đạo của các nước Mỹ, Bahrain và Israel nói rằng họ nhất trí “thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Israel và Vương quốc Bahrain”.

“Đây là một bước đột phá lịch sử hướng tới hòa bình Trung Đông” – tuyên bố nói thêm – “Mở ra các cuộc đối thoại trực tiếp và quan hệ giữa hai nền kinh tế - xã hội năng động này sẽ tiếp tục đóng góp cho sự biến đổi tích cực của Trung Đông và tăng ổn định an ninh, thịnh vượng trong khu vực”.

Tổng thống Trump cũng nhắc lại tuyên bố trên trong một đoạn tweet sau đó.

“Một bước đột phá lịch sử khác trong ngày hôm nay! Hai người bạn vĩ đại của chúng ta là Israel và Vương quốc Bahrain nhất trí thỏa thuận hòa bình – quốc gia Arab thứ hai kiến tạo hòa bình với Israel trong 30 ngày!” – ông Trump viết.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi đây là “một kỷ nguyên mới của hòa bình”, nhân phát biểu kỳ niệm sự kiện ngày 11/9/2001.

“Chỉ chưa đầy một tháng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng ta đã có thêm một thỏa thuận lịch sử khác, lần này là giữa Israel và Vương quốc Bahrain” – ông nói.

Trong một tuyên bố được đưa ra bởi Bộ Ngoại giao Bahrain, cả Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều “thể hiện sự trân trọng đối với Tổng thống Mỹ vì cam kết của ông trong việc đạt được hòa bình và sự tập trung của ông đối phó với những thách thức chung cùng với đề xuất thực tế, độc nhất mà ông đưa ra nhằm mang mọi người xích lại gần nhau”.

Ông Netanyahu cũng cảm ơn ông Trump trong một đoạn video: “Chúng tôi đã làm việc về vấn đề này suốt nhiều năm, nhưng chúng tôi sẽ không thể đến được thời khắc lịch sử này mà không có sự lãnh đọa quyết liệt của Tổng thống Trump và đội ngũ của ông ấy, và tôi muốn cảm ơn họ, thay mặt người dân Israel”.

Ông nói rằng ông mong chờ được gặp ông Trump, cùng với đại diện của các nước Bahrain và UAE tại buổi lễ ký kết sắp tới tại Nhà Trắng.

Tổng thống Trump tuyên bố về thỏa thuận mới giữa Bahrain và Israel tại Nhà Trắng (Ảnh: ABC News)
Tổng thống Trump tuyên bố về thỏa thuận mới giữa Bahrain và Israel tại Nhà Trắng (Ảnh: ABC News)

Động thái trên xuất hiện chỉ chưa đầy một tháng sau khi UAE trở thành nước Arab thứ ba thiết lập quan hệ với Israel, sau Ai Cập vào năm 1979 và Jordan vào năm 1994. Mauritania thiết lập quan hệ vào năm 1999 nhưng lại cắt đứt sau đó một thập kỷ trong lúc xảy ra cuộc chiến Israel ở Dải Gaza, vùng lãnh thổ người Palestine được dẫn dắt bởi phong trào Hồi giáo Hamas.

Người Palestine từ lâu đã khẩn nài các nước Arab không thiết lập quan hệ với Israel cho đến khi có một nghị quyết với cuộc xung đột kéo dài của họ bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ, sau sự thành lập nhà nước Israel năm 1948. Liên đoàn Arab, tuy nhiên, quyết định không lên án quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel của UAE – một động thái mà Abu Dhabi nói là sẽ giúp ngăn chặn việc Israel xáp nhập thêm các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Palestine chỉ trích động thái này, gọi nó là hành động “phản bội” đối với thành phố thiêng Jerusalem – mà cả Israel và người Palestine tuyên bố là thủ đô của họ bất chấp thực tế là Israel đã chiếm đóng nó hoàn toàn kể từ sau cuộc chiến năm 1967 với các nước Arab.

Như hành động trước đó của UAE, động thái mới của Bahrain được chính phủ người Palestine coi như “hàn động phản bội Jerusalem”.

“Chúng tôi hy vọng rằng các nước Arab khác sẽ không lao vào bình thường hóa quan hệ với Israel” – ông Saeb Erekat, người đứng đầu Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), nói – “Việc bình thường hóa này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tương lai của Palestine, bởi nó khuyến khích Israel kéo dài việc chiếm đóng Palestine thay vì chấm dứt nó”.

Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer bất đồng với quan điểm này. “Trong lúc vòng tròn hòa bình mở rộng tới các nước khác trong thế giới Arab và Hồi giáo, hy vọng rằng điều đó sẽ bắt đầu thay đổi và các lực lượng có tính xây dựng hơn trong xã hội Palestine sẽ trỗi dậy”; ông nói.

Trước đó, Bahrain – nước có phần đông người dân là người Hồi giáo dòng Sunni – từng cáo buộc địch thủ không đội trời chung của Israel, Iran, vì cố gắng xây dựng các lực lượng ủy thác trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi’ite của họ.

Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo dòng Shi’ite, cùng mạng lưới đang mở rộng các lực lượng đối tác của họ, trong đó có nhiều lực lượng dân quân mạnh mẽ khắp khu vực Trung Đông, ngày càng thu hút sự quan tâm cũng như quan ngại của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), khiến các nước này bớt để ý hơn tới sự thù địch lịch sử với Israel. Chính quyền Trump bởi vậy đã tận dụng điều này để thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước Arab.