Truyền thông Libya ngày 27/4 cho biết xác chết không đầu của 5 phóng viên kênh truyền hình "Cyrenaica TV" đã được tìm thấy tại một địa điểm gần thành phố al-Beida (An Bây-đa), theo lời khai của một thành viên IS người Ai Cập bị lực lượng an ninh bắt giữ tại cửa khẩu Musaid (Mu-xa-ít) nằm trên biên giới Libya - Ai Cập. Trong số các nạn nhân có 4 người Libya và một quay phim người Ai Cập.
Theo một luật sư có liên hệ với đài truyền hình, tay súng IS nói trên đã thú nhận tham gia vào vụ sát hại 5 nhà báo, vốn bị bắt cóc tại một trạm kiểm soát giả gần thành phố Ajdabiya (Át-gia-bi-a) hôm 5/8/2014 khi đang trên đường trở về nhà sau khi tác nghiệp tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Quốc hội được quốc tế công nhận tại thị trấn miền Đông Tobruk (Tô-brúc). Trong khi đó, một nguồn tin khác cho hay thi thể 5 nhà báo đã được tìm thấy gần thị trấn Derna (Đéc-na), thành trì của các nhóm thánh chiến và Hồi giáo cực đoan. Hiện IS vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vụ việc này.
Bốn năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi (Mô-a-mơ Ca-đa-phi), Libya vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội. Theo một báo cáo của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya công bố hôm 22/4 vừa qua, xung đột đã khiến gần 104.000 gia đình với tổng cộng hơn 557.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tuy nhiên, con số này không bao gồm hàng trăm nghìn người Libya đang tị nạn hoặc bị mắc kẹt tại các nước khác, nhất là tại hai quốc gia láng giềng Tunisia và Ai Cập.
Các tay súng IS đã lợi dụng tình trạng bất ổn và giao tranh giữa các nhóm vũ trang đối địch để tăng cường hiện hiện tại Libya. Trước đó, nhóm thánh chiến Hồi giáo này thừa nhận đã hành hình 21 người Cơ Đốc giáo Ai Cập hồi giữa tháng 2 và 30 người Cơ Đốc giáo Ethiopia hôm 19/4 vừa qua, cũng như tiến hành các vụ tấn công nhằm vào một khách sạn tại Tripoli, các đại sứ quán nước ngoài và các mỏ dầu.
Tin Tức/TTXVN