IS chặt đầu 21 người Cơ đốc giáo gốc Ai Cập

Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm qua công bố video dường như cho thấy cảnh chặt đầu tập thể 21 người Ai Cập theo Cơ đốc giáo, trên bờ biển được xác định là gần thủ đô của Libya. 
Các con tin Ai Cập quỳ trên bãi biển trước khi bị phiến quân IS chặt đầu. Ảnh: Aljazeera
Các con tin Ai Cập quỳ trên bãi biển trước khi bị phiến quân IS chặt đầu. Ảnh: Aljazeera

Theo New York Times, đoạn video mở đầu bằng những hình ảnh quay chậm các con tin Cơ đốc giáo thuộc hệ Coptic Ai Cập đi theo hàng một dọc một bãi biển. Tất cả các con tin đều mặc bộ đồ màu vàng da cam. Mỗi người bị một kẻ hành quyết mặc đồ đen, tay cầm dao, dẫn đi. Âm thanh duy nhất là tiếng sóng. Họ bị buộc phải quỳ xuống và từng người một bị chặt đầu.

Đoạn video xuất hiện hôm qua trên trang web ủng hộ IS. Theo Aljazeera, clip tuyên bố vụ hành quyết nhằm trực tiếp vào "Giáo hội Ai Cập thù địch". Một phiến quân nói tiếng Anh cho rằng hành động chặt đầu nhằm trả thù cho "những phụ nữ Hồi giáo bị quân viễn chinh chữ thập theo hệ Coptic ở Ai Cập hành quyết". IS cho biết vụ hành quyết diễn ra gần thủ đô Tripoli của Libya.

Chính phủ Ai Cập và Giáo hội Cơ đốc giáo thuộc hệ Coptic tại Ai Cập đều tuyên bố đoạn video là thực. Hãng thông tấn MENA dẫn lời phát ngôn viên Giáo hội Cơ đốc giáo thuộc hệ Coptic tại Ai Cập xác nhận 21 người theo tôn giáo này bị IS bắt giữ đã chết.

Chính phủ Ai Cập tuyên bố để tang 7 ngày, và Tổng thống Fattah al-Sisi phát biểu trước cả nước tối muộn hôm qua, theo AP. Ai Cập cũng cấm công dân tới Libya.

"Những hành động hèn hạ này sẽ không làm xói mòn quyết tâm của chúng ta", ông Sisi nói. "Ai Cập và cả thế giới đang trong cuộc chiến ác liệt chống những nhóm cực đoan mang ý thức hệ cực đoan và có chung mục đích".

Đây là lần đầu tiên IS công bố một đoạn video chính thức cho thấy cảnh giết chóc bên ngoài lãnh thổ chúng kiểm soát ở Syria và Iraq.

Ít nhất 20 công nhân Ai Cập hồi đầu năm nay bị bắt khỏi thị trấn duyên hải Sirte, miền đông Libya. Phiến quân IS giam giữ họ trong nhiều tuần và doạ giết các con tin. Gia đình các công nhân bị bắt cóc trước đó đã hối thúc Cairo giúp giải cứu họ. Tại tỉnh Minya, phía nam Ai Cập, các thân nhân hét lên và ngất xỉu khi nghe tin về cái chết của những người này.

Bất chấp hiểm nguy, hàng nghìn người Ai Cập đã tới nước láng giềng Libya để tìm việc kể từ cuộc nổi dậy tại quê nhà năm 2011.

Theo: VnExpress