Giá trị của đồng nhân dân tệ, là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn, đứng đầu là Mỹ, với cáo buộc Trung Quốc đã giữ giá đồng nội tệ ở mức thấp không đúng với thực tế để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các nhà xuất khẩu nước này.
Trong báo cáo tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ vẫn đánh giá đồng nhân dân tệ bị định giá thấp đáng kể và trong tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew vẫn nhắc lại quan điểm này, hối thúc Trung Quốc có những tiến triển lớn hơn trong những cải cách tỷ giá.
Trung Quốc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ giá trị đồng nhân dân tệ do lo ngại dòng tiền chảy vào và ra bất ngờ có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và làm giảm sự kiểm soát về tài chính. Tuy nhiên, nước này vẫn đang muốn nâng cao vai trò của đồng tiền này trong hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có việc đưa đồng tiền này vào rổ các đồng tiền nằm trong "quyền rút vốn đặc biệt" của IMF.
Đồng nhân dân tệ là một trong những đồng tiền ổn định nhất trên thị trường tiền tệ toàn cầu, với biên độ dao động hàng ngày bị khống chế và đã mất gần hai năm ở mức 6,82 NDT/USD cho đến tháng 5/2010. Đồng tiền này đã tăng giá lên mức 6,0406 NDT/USD vào tháng 1/2014, nhưng sau đó đã giảm trở lại.
Với nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, đồng tiền của nước này đã giảm xuống mức 6,2747 NDT/USD vào đầu năm nay, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012 và kể từ đó đã tăng 1%.
Tuy nhiên, trên cơ sở thương mại và điều chỉnh theo lạm phát, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã tăng 10% trong sáu tháng qua.
Dù vậy, IMF cho rằng thặng dư thương mại vẫn cao cho thấy Trung Quốc cần có những cải cách hướng tới một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, một đòi hỏi căn bản với một nền kinh tế lớn như của nước này.
Theo Vietnam Plus