Hướng tới phát triển bền vững: Xu thế truyền thông mới của doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hướng đến phát triển bền vững là một xu thế truyền thông marketing được doanh nghiệp quan tâm thực hiện trong 5 năm tới, theo kết quả nghiên cứu nền của dự án “Win – Win for Vietnam”.
Đâu là xu thế Truyền thông - Marketing mới?
Đâu là xu thế Truyền thông - Marketing mới?

Ngày 9/7, tại Hội thảo trực tuyến khởi động dự án “Win - Win for Viet Nam”, một kết quả nghiên cứu với nhiều phát hiện thú vị và đặc biệt ý nghĩa tới truyền thông – marketing của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 – 2025 đã được công bố.

Theo đó, việc quản lý và thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đang được chuyển đổi dần theo hướng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) mà Việt Nam đang theo đuổi.

Cụ thể, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp đã chính thức lồng ghép nội dung về bền vững và các tác động môi trường – xã hội vào chiến lược phát triển kinh doanh của mình.

Nguyên nhân là do, khách hàng hiện nay không chỉ nhìn vào giá thành sản phẩm mà còn quan tâm đến chất lượng cũng như định vị và giá trị đạo đức của thương hiệu đó.

Chính vì vậy, những quảng cáo truyền thống đã không còn hiệu quả như trước. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp phải tìm ra một hướng đi mới trong việc quảng cáo, tiếp thị hình ảnh và định vị thương hiệu sản phẩm. CSV chính là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

CSV (Creating Shared Value) - Tạo giá trị chung là mô hình kinh doanh đồng thời tạo ra giá trị xã hội và giá trị kinh tế một cách bền vững với cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Một mô hình CSV bền vững là sự dung hòa giữa tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp với những vấn đề, thách thức của xã hội để tìm ra chiến lược hoạt động dài hạn phù hợp.

Nhưng thực tế, hiện nay, các hoạt động CSV phần lớn đang được thực hiện dưới hình thức từ thiện, tùy vào tình hình và chưa có sự hợp tác, kết nối, lan tỏa và theo xu hướng bền vững.

Trong khi đó, các tổ chức xã hội là những đối tác có kỹ năng chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về các vấn đề cấp bách của xã hội. Vì vậy, để thực hiện CSV, các doanh nghiệp cần xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức xã hội (TCXH).

Mặc dù, doanh nghiệp và TCXH có sự khác biệt về lợi ích, cách tiếp cận, năng lực truyền thông,.. nhưng theo kết quả nghiên cứu trên, hầu hết các doanh nghiệp và TCXH đều đã sẵn sàng hợp tác hướng đến lợi ích chung cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, hai bên bắt đầu có những tiếng nói chung trong các mục tiêu PTBV ưu tiên sắp tới. Cụ thể, các mục tiêu: Biến đổi khí hậu (SDG13), Giáo dục có chất lượng (SDG4), Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc (SDG3), và Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững (SDG8) là 4 mục tiêu PTBV được các Doanh nghiệp và TCXH ưu tiên thực hiện trong 5 năm tới.

Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và TCXH, Dự án “Win - Win for Viet Nam” đã được Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (Viện RED) và tổ chức PRO NGO (tổ chức NGO Đức) triển khai thực hiện với sự tài trợ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Dự án sẽ dành khoảng 30% nguồn lực cho việc nghiên cứu – truyền thông thúc đẩy hoạt động CSR/CSV của doanh nghiệp hướng đến Phát triển bền vững, và 70% là để xây dựng CSVhub – một cơ chế kết nối doanh nghiệp với cộng đồng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và giới truyền thông để tối ưu hóa hiệu quả các dự án phát triển.

Trong 3 năm triển khai thực hiện sắp tới, dự án sẽ có các hoạt động với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp và TCXH bao gồm các chương trình tập huấn; Hội thảo chuyên đề; hỗ trợ xây dựng, gây quỹ thực hiện cho các dự án phát triển và xuyên suốt là các hoạt động truyền thông thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và nhận thức chung về CSV.

CSVhub được kỳ vọng sẽ xóa bỏ “ranh giới” giữa doanh nghiệp và TCXH, trở thành nơi đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác, tạo ra các giá trị chung, hướng đến lợi ích chung cho cộng đồng và vì một Việt Nam phát triển bền vững./.