Hung thần Iskander có thể “san phẳng” đảo nhân tạo phi pháp

VietTimes -- Trong thời gian gần đây, những suy đoán về khả năng Việt Nam có thể sở hữu tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander gây sóng gió trên truyền thông Việt. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam có cần Iskander hay không nếu xét trên góc độ chiến lược và yêu cầu ngăn chặn chiến tranh?
Hung thần Iskander có thể “san phẳng” đảo nhân tạo phi pháp

Cuộc can thiệp của Nga vào Syria nhằm ủng hộ chính quyền tổng thống Al Assad đã mang lại kết quả bất ngờ cho nền công nghiệp quốc phòng Nga với những đơn đặt hàng và sự quan tâm vượt gấp nhiều lần chiến phí. Khách hàng thế giới hướng đến tiêm kích đa nhiệm Su-35, máy bay ném bom chiến trường Su-34, hệ thống tên lửa phòng không S-400, trực thăng chiến đấu tấn công Ka-52 và Mi-28, xe tăng T-90 các phiên bản nâng cấp cải tiến và thậm chí cả xe tăng T-72.

Nhưng có một làn sóng ngầm đang sôi động trở lại khi có thông tin Nga đã triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo tầm gần Iskander ở Syria. Các thông tin trên mạng xã hội cont.ws cho rằng nhiều nước đang hâm nóng lại sự quan tâm đến dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn vô đối Iskander-E – định danh NATO là SS-26 Stone

Tổ hợp tên lửa tầm gần Iskander ở Syria

Từ năm 2008, Nguồn tin từ trang UPI cho biết: rất nhiều nước, trong đó có cả những nước đồng minh của Mỹ, quan tâm đến việc mua tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander-E.

Theo RIA Novosti, lãnh đạo cao cấp của công ty Rosoboronexport từng tuyên bố rằng Kuwait, Hàn Quốc và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - các đồng minh truyền thống của Mỹ quan tâm đến việc sở hữu tên lửa Iskander,.

"Syria, UAE, Malaysia, Ấn Độ và một số nước khác tỏ ra quan tâm hệ thống tên lửa," đại diện chính thức của hãng Rosoboronexport là ông Nikolai Dimidyuk cho biết. Nga có khả năng xuất khẩu Iskander-E cho Algeria, Kuwait, Singapore, Việt Nam và Hàn Quốc.

Trên các trang truyền thông Việt Nam, có nhiều thông tin bàn luận về vấn đề Việt Nam sẽ mua Iskander hay không? Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau.

Xét trên góc độ kỹ chiến thuật:  Iskander sở hữu các tính năng sau:

Tầm bắn: - Tối đa: 280 - Tối thiểu: 50

Bán kính xác suất trúng đích (m): - Tự dẫn quán tính: 30-70 - Kèm với đầu dò quang học: 5-7

Trọng lượng đạn tên lửa sẵn sàng chiến đấu (kg): 3.800

Trọng lượng đầu đạn (kg): 480

Số tên lửa trên mỗi xe phóng (quả): 1 hoặc có thể 2

Khung gầm: xe việt dã bánh hơi Thời gian triển khai (phút): - Từ vị trí bắn: 4 - Từ sau chặng hành quân: 16

Dải nhiệt độ hoạt động (oC): ±50

Giá bán ước tính: - Tổ hợp hoàn chỉnh: 30.000.000 USD - Đạn tên lửa: 5.000.000 USD. Một khẩu đội tên lửa Iskander hoàn chỉnh sẽ có 6 xe phóng đạn, 24 tên lửa và các xe chỉ huy, điều hành tác chiến và phục vụ.

Những đặc tính quan trọng nhất của Iskander là khả năng cơ động triển khai nhanh, hệ thống hỏa lực phân tán. Tên lửa đạn đạo 9М723 sử dụng nhiên liệu rắn, có tốc độ bay hành trình siêu âm  2100 m/s, quỹ đạo tên lửa hành trình thay đổi hướng, trần bay 50 km, có khả năng dẫn đường quán tính, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS/GLONASS với hệ thống quang học tự dẫn DSMAC giai đoạn cuối nhằm nâng cao độ chính xác và gần như không thể đánh chặn.

Iskander là vũ khí lý tưởng để sử dụng trong các cuộc tấn công phủ đầu phá hủy  các loại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo công nghệ cao, chẳng hạn như Patriot của quân đội Mỹ và Arrow của Israel. Ngoài ra tên lửa có thể giáng đòn tấn công bất ngờ vào các cơ sở hạ tầng quân sự như sân bay, công trình ngầm vững chắc, hải cảng quân sự . các trung tâm tình báo trinh sát, kiểm soát và điều hành tác chiến và thậm chí các phương tiện vận tải trên biển, trên bộ. Có 10 phương án đầu đạn khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến của loại tên lửa tấn công nguy hiểm này.

Vấn đề đặt ra là lực lượng phòng thủ bờ biển Việt Nam có nhiều loại tên lửa chiến dịch chiến thuật khác nhau, có tầm bắn khác nhau. Đơn cử như tên lửa đạn đạo SCUD A/B, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Club – S, tổ hợp tên lửa chống tàu Bastion,  tên lửa hành trình chống tàu thế hệ cũ hơn  Redut P-35 (SSC-1B Shaddock , một số nguồn tin chưa chính thức cho biết Việt Nam còn sở hữu tên lửa Hwasong-6 ( Scud-C ) có nguồn gốc từ Triều Tiên.

Tất cả các loại vũ khí này đều có khả năng chống tàu và tấn công mặt đất, có tầm bắn từ 300 km đến 500 km, thậm chí có nguồn tin cho rằng Scud –C có khả năng vươn tới 700 km. Nếu xét từ góc độ uy lực, tầm bắn và thậm chí độ chính xác cao thì vấn đề Việt Nam với Iskander rõ ràng là vấn đề gây tranh cãi.

Việt Nam và Trung Quốc có những chiến lược hải dương khác nhau trên Biển Đông. Quan điểm chiến lược hải dương của Việt Nam trước hết nhằm tập trung bảo vệ chủ quyền Biển Đông, học thuyết hải dương của Trung Quốc nhằm vươn tới khái niệm “chuỗi ngọc trai”  “Một vành đai một con đường” với tư duy chiến lược “ Phòng thủ ngoài khơi xa” mà tư tưởng xuyên suốt của chiến lược này là đẩy ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi Biển Đông hòng thống trị vùng nước có có giá trị thương mại hàng nghìn tỷ mỗi năm và giàu tài nguyên, khoáng sản này.

Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là bảo vệ các đảo quản lý và chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất nước. Mục tiêu mà Trung Quốc muốn đạt tới là khống chế toàn bộ vùng nước trong đường 9 đoạn phi pháp mà Bắc Kinh khăng khăng bảo vệ bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế.

Từ quan điểm trên có thể hiểu rõ ý nghĩa câu nhận xét của tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris về “Vạn Lý Trường thành cát” trên biển Đông. Trên quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh ồ ạt bồi đắp các đảo chìm, trong đó có hai đảo đã hoàn thiện là đảo Đá Chữ Thập hầu như đã hoàn thành sân bay, hệ thống phòng thủ đường không và chống tàu, hải cảng quân sự; đảo Gạc Ma đã có các công trình quân sự và hải cảng, khu nhà nghỉ, các đảo còn lại như Đá Châu Viên, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Đá Rubi đều có các công trình xây dựng có mục đích quân sự, trong đó Đá Vành Khăn có sân bay quân sự hiện đại tiếp theo.

Các đảo chìm mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm trái phép

Tại quần đảo Hoàng Sa chiếm bằng vũ lực của Việt Nam năm 1974, trên đảo Phú Lâm đã hình thành các công trình quân sự hiện đại, quân cảng và sân bay, cho phép cất hạ cánh các loại máy bay quân sự hiện đại nhất của Trung Quốc và hệ thống phòng không hiện đại HQ-9.

Tổng quan cho thấy, trận tuyến biển Đông của Trung Quốc bao gồm các tiền đồn là các nhóm đảo chìm, quần đảo Hoàng Sa với đảo Phú Lâm mà Bắc Kinh cưỡng chiếm tạo thành 1 tam giác chiến lược mà sân bay đảo Phú Lâm trở thành sân bay trung chuyển của các máy bay tác chiến trên Biển Đông trong điều kiện xung đột trên tiền đồn.

Đúng như nhận xét của tướng Mỹ: Trong điều kiện hòa bình, các đảo đó có nhiệm vụ khống chế vùng trời, vùng nước Biển Đông, buộc tàu sân bay Mỹ phải có chiến lược đối phó với  tên lửa đạn đạo DF – 21 và tầm chiến đấu của các máy bay tiêm kích Trung Quốc.  Trong tình huống xảy ra xung đột khu vực, nếu là Philippines với sự tham gia của Mỹ, các đảo tiền tiêu trên quần đảo Trường Sa rõ ràng sẽ là thê đội thứ nhất với sự hỗ trợ của của thê đội hai trên đảo Phú Lâm và tên lửa đạn đạo đẩy lùi cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ ra ngoài eo biển Malacca. Do không có lực lượng tên lửa phòng thủ bờ biển và hệ thống phòng không hiện đại ở Philiphines, không quân Trung Quốc sẽ khống chế bầu trời.

Tam giác chiến lược "Vạn lý Trường thành cát" trên biển Đông

Trong vấn đề xung đột cường độ thấp và “chiến tranh không chủ ý” trên Biển Đông, các đảo tiền tiêu, bao gồm cả đảo Phú Lâm là các bàn đạp tấn công trực tiếp vào các mục tiêu trọng điểm là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Nhưng các đảo nhân tạo này đều nằm trong tầm tấn công của các loại tên lửa Việt Nam, từ Scud đến Redut P-35, tên lửa hành trình Club – S phóng từ tàu ngầm. Thời gian tồn tại của các đảo tiền tiêu sẽ rất ngắn.

 
Hung thần Iskander có thể “san phẳng” đảo nhân tạo phi pháp ảnh 5

Khoảng cách từ đảo Phú Lâm và đảo Đá Chữ Thập không vượt quá 500 km

Ngăn chặn nguy cơ rõ ràng này, điểm then chốt trong hệ thống phòng thủ biển Đông của Trung Quốc chính là đảo Hải Nam, từ các căn cứ quân sự trên đảo, với tiềm lực khổng lồ của hạm đội Nam Hải, các đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, các lực lượng không quân tiêm kích, cường kích mang tên lửa hành trình có thể xuất kích đánh chặn nguy cơ tấn công chuỗi đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Xét từ quan điểm phòng ngự tiến công của Việt Nam, với mục đích gây thiệt hại nặng và ngăn chặn khả năng triển khai ồ ạt lực lượng lớn phong tỏa Biển Đông. Mục tiêu then chốt phải tấn công ngay phút đầu tiên của chiến tranh, với mức gây thiệt hại cao nhất, chính là các căn cứ quân sự đe dọa an ninh và là nơi phát động cuộc tấn công của kẻ địch.

Do căn cứ không quân, hải quân đảo Hải Nam có vị trí chiến lược trên Biển Đông và Thái Bình Dương, điều hành và kiểm soát hoàn toàn hoạt động trên vùng nước này. Bắc Kinh hiểu rất rõ điểm yếu cũng như nguy cơ, do đó hệ thống phòng thủ biển đảo, bao gồm từ chống ngầm, phòng không, phòng thủ tên lửa cũng như các công trình quân sự chắc chắn sẽ ở cấp độ cao nhất.

Khoảng cách từ đảo Hải Nam đến bờ biển Việt Nam, góc chiến lược

Để có thể chọc thủng tuyến phòng không, phòng thủ tên lửa và tiến hành các đòn tấn công nhanh, phá hủy các công trình ngầm có ý nghĩa chiến lược, tấn công các sở chỉ huy C3I kiên cố, hủy hoại sân bay quân sự, đến thời điểm hiện nay, ngoài hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander, chưa có hệ thống tên lửa khác đáp ứng được  yêu cầu chiến dịch chiến thuật cao cấp này.

Sự tổn thương căn cứ quân sự chiến lược trên đảo Hải Nam sẽ làm suy yếu tuyến phòng ngự trên Biển Đông, tạo điều kiện cho cụm tàu sân bay tấn công chủ lực Mỹ tiến sâu vào vùng tấn công hiệu quả của tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay chiến đấu. Hậu quả sẽ thực sự nghiêm trọng.

Trong toàn bộ hệ thống phòng ngự biển đảo, để răn đe và ngăn chặn khả năng tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng, quy mô lớn (chiến tranh dồn nén thời gian), Việt Nam không phải là quốc gia hạt nhân, cần có một vũ khí có khả năng gây tổn thất và hậu quả nặng nề cho đối phương, gây sụp đổ hệ thống phòng thủ chiến lược của đối phương. Tên lửa Iskander chính là công cụ răn đe, ngăn chặn những tư tưởng diều hâu, những ý định sử dụng ưu thế vượt trội về binh lực nhằm chiếm ưu thế trong các tuyên bố bỏ qua mọi luật pháp quốc tế về đòi hỏi chủ quyền ngang ngược dựa trên thế mạnh hiếp yếu.

Đây cũng có thể là những ý đồ chiến lược khi Việt Nam quan tâm đến tổ hợp tên lửa Iskander, tương tự như S-300 hoặc tổ hợp tên lửa chống hạm Bastion.

 TTB