Có tình trạng "tay không bắt giặc" trong quá trình triển khai dự án BT. |
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa chỉ ra những kẽ hở pháp luật dẫn đến trục lợi trong chuyển nhượng các dự án hiện nay đang diễn ra.
Theo đó, Khoản 3 Điều 5 Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị" đã quy định "Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất", đã dẫn đến thực tế là hầu hết các dự án đầu tư xây dựng bất động sản trên nền cơ sở sản xuất ô nhiễm và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị đều thông qua hình thức chỉ định nhà đầu tư, không lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu giá đất, hoặc đấu thầu rộng rãi.
Hay việc chỉ định nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) không thông qua đấu thầu, đấu giá rộng rãi đã dẫn đến thực tế là hầu hết các hợp đồng BT, bao gồm quỹ đất thanh toán đối ứng hầu hết đều do nhà đầu tư đề xuất và việc lựa chọn nhà đầu tư đều thông qua hình thức chỉ định thầu;
Nhà đầu tư nước ngoài nhận công trình xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bằng hình thức hợp đồng BT và được thanh toán đối ứng bằng các quỹ đất. Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện dự án mà chuyển nhượng lại các khu đất này cho nhà đầu tư khác để hưởng lợi.
Có những dự án chỉnh trang, tái thiết đô thị, Nhà nước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng rất vất vả rồi giao lại cho nhà đầu tư theo hình thức chỉ định. Có trường hợp nhà đầu tư thực hiện xong dự án rồi chuyển nhượng; có trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện xong dự án nhưng đã chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác để hưởng lợ.
Theo HoREA, sở dĩ có việc chuyển nhượng dự án có sử dụng đất nhằm mục đích trục lợi là do có sơ hở, lỏng lẻo trong các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho một số người trục lợi từ chính sách, dễ dàng được chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; được chỉ định nhà thầu BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng ở các vị trí đắc địa mà không qua đấu thầu rộng rãi, công khai, dẫn đến tình trạng "tay không bắt giặc", chuyển nhượng dự án, bán thầu, chuyển nhượng quỹ đất được thanh toán để trục lợi.
Do vậy, giải pháp hiệu quả nhất để kiểm soát việc chuyển nhượng dự án có sử dụng đất nhằm mục đích trục lợi là phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, nhà thầu công trình BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng,.
Cụ thể, kiến nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu thầu rộng rãi trong nước, đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất, các công trình xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức hợp đồng BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng.
Chỉ thực hiện phương thức chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng khi đáp ứng điều kiện quy định trường hợp chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Và cần bổ sung chế định "Đấu thầu dự án có sử dụng đất" vào Luật Đất đai.
Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đây là văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu để thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do chưa có Nghị định này nên đã tạo ra khoảng trống pháp luật kể từ ngày 01/01/2018 đến nay.