Hơn 3.000 nhà đầu tư “sập bẫy” sàn vàng HGI ra sao?

Sau khi sàn vàng HGI bị triệt phá, hàng nghìn nhà đầu tư lo lắng mất ăn, mất ngủ khi có nguy cơ bị mất trắng số tiền gửi vào công ty. Tại sao HGI có thể huy động được 270 tỷ từ các nhà đầu tư một cách dễ dàng như vậy?           
Nhiều nhà đầu tư lo sợ người nhà biết chuyện (tối 15/1).
Nhiều nhà đầu tư lo sợ người nhà biết chuyện (tối 15/1).

3.037 con người cùng chung một nỗi lo

Sáng 16/1, chúng tôi (PV) đến trụ sở của Công ty HGI tại địa chỉ 172 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Tại đây, nhân viên bảo vệ tòa nhà cho biết, được lệnh của cấp trên không cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên của công ty lên tầng 3 và 4 nơi cư ngụ của Công ty HGI. Hiện cơ quan Công an đã niêm phong nơi này để tiến hành điều tra.

Trước đó, vào tối 15/1, gần 100 nhà đầu tư là nạn nhân của Công ty HGI đã có buổi họp đầu tiên sau khi lãnh đạo của Công ty HGI bị cơ quan Công an bắt giữ. Tại buổi họp, các nhà đầu tư đều có chung tâm trạng bồn chồn, lo lắng không biết tiền của họ bây giờ ở đâu? liệu cơ quan Công an có thu hồi được tiền để trả cho họ hay không?

Một số nạn nhân đến cơ quan Công an trình báo.
Một số nạn nhân đến cơ quan Công an trình báo.

Anh Nguyễn Mạnh L, nhà đầu tư tâm sự, tháng 4/2013, anh L ký hợp đồng ủy thác cho sàn HGI vay 500 triệu đồng. Ban đầu, sàn trả lãi và gốc rất đầy đủ nhưng bắt đầu từ tháng 8/2014, sàn bắt đầu gặp khó khăn, nhiều lần nhà đầu tư lên xin rút tiền nhưng đều bị từ chối. “Nhân viên của công ty đưa ra nhiều lí do như tiền chưa về, nào là Quốc hội đang họp để không thanh toán. Họ liên tục viết giấy hẹn nhưng đều không thực hiện đúng”, anh L cho biết thêm.

Để có tiền gửi vào Công ty HGI, nhiều nhà đầu tư còn đi vay khắp nơi, giờ có nguy cơ trở thành con nợ vì đồng vốn bị mất trắng. Gương mặt thất thần, ông Vũ Tiến T (56 tuổi, quận Hoàn Kiếm) có mặt tại trụ sở Công an cho biết, ngay khi hay tin HGI và các thành viên trong Hội đồng quản trị công ty này bị bắt đưa về trụ sở để lấy lời khai, nhiều khách hàng như ông lo lắng về khoản tiền đầu tư. Bản thân ông T làm nghề tự do. Đầu năm 2014, nghe bạn bè của con thông tin Công ty HGI nhận tiền gửi, lãi suất cao và an toàn nên ông T đã mang số tiền hơn 1 tỷ đồng gửi vào đây.

Theo ông T, khi mang tiền đến công ty, hợp đồng hai bên được lập là ủy thác đầu tư. Ông T gửi tiền qua tài khoản để chuyển cho Công ty HGI. “Số tiền đó không phải của riêng chúng tôi mà còn do nhiều bạn bè cùng góp”, ông T thở dài. Thời gian đầu, ông T được công ty trả lãi suất đầy đủ. Đến tháng 9-2014, Công ty HGI bắt đầu không trả lãi. Ông T và nhiều khách hàng khác có lần được công ty gọi đến và nói thẳng không còn khả năng thanh toán. Trước nguy cơ bị mất trắng tiền, trở thành con nợ của bạn bè, ông T đã làm đơn tố cáo tới cơ quan Công an, mong lấy lại số tiền đã uỷ thác.

Trường hợp của bà H gửi 1,9 tỷ đồng vào công ty HGI, số tiền được bà gom từ nhiều người trong gia đình chồng. Hay tin HGI bị đánh sập, bà H lo lắng, giấu gia đình chuyện đầu tư vào đây và số tiền nguy cơ bị mất trắng. Anh Ngô Hồng Q nói: “ Từ khi sàn vàng bị Công an bắt giữ, cả gia đình tôi rất sốc. Toàn bộ số tiền ít ỏi 300 triệu đồng tích cóp, tôi dự tính chỉ gửi 3 tháng, mỗi tháng có thêm đồng ra đồng vào để đóng tiền học cho các con. Rồi dự định mua 1 căn nhà để ở giờ đây đã mất hết”.

Theo cơ quan Công an, các bị hại gửi tiền người ít cũng vài trăm triệu như anh L, anh Q. Nhiều người số tiền tỷ như ông T, bà H và đa số  tiền được các nạn nhân gom góp từ người thân, bạn bè. Thậm chí, nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ, chồng giấu nhau vay mượn anh em họ hàng để cho công ty HGI vay.

Thủ đoạn lôi kéo nhà đầu tư

Thành lập từ tháng 5/2009, sau 5 năm hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, Công ty HGI đã có 3.037 nhà đầu tư tham gia đến từ các nơi như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Lý giải việc tại sao Công ty HGI dễ dàng nhận của các nhà đầu tư 270 tỷ đồng, trao đổi với phóng viên, chiều 16/1, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PC50, Công an TP Hà Nội cho biết, thủ đoạn tinh vi của công ty là đưa ra 3 chiêu thức “chiều lòng người” để thu hút khách hàng tham gia. Theo đó, trong hợp đồng ủy thác đầu tư, sàn HGI quy định mức lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Lợi nhuận được chia là 3 mức như sau: Nếu khách hàng cho vay 3 tháng tỷ suất lợi nhuận là 1,5%/tháng; vay 6 tháng tỷ suất lợi nhuận là 1,8%/tháng; vay 1 năm tỷ suất là 2%/tháng. Tiếp đó, công ty đưa ra chiêu quảng cáo nhà đầu tư sẽ không phải chịu bất cứ rủi ro nào mà vẫn được hưởng lợi nhuận.

Công ty HGI cam kết khách hàng không phải chịu bất cứ rủi ro nào khi giao dịch.
Công ty HGI cam kết khách hàng không phải chịu bất cứ rủi ro nào khi giao dịch.

Nắm bắt được tâm lý dè chừng từ nhà đầu tư, phía Công ty HGI cam kết, muốn rút tiền ra lúc nào cũng được, thậm chí, nếu nhà đầu tư muốn hủy hợp đồng đột ngột, ngay lập tức công ty sẽ hoàn trả tiền như cam kết. Trong 4 tháng đầu, các nhà đầu tư đều đặn được công ty trả lãi rất đầy đủ. Có tiền với lãi suất cao dễ dàng, nhiều nhà đầu tư đã rủ thêm người thân, bạn bè cùng tham gia. Ngoài ra, những nhân viên trong Công ty HGI cũng lôi kéo những người trong gia đình, có người nhà của nhân viên cũng “góp” vào đó số tiền 1,6 tỷ đồng.

Để khuyến khích nhân viên giới thiệu nhà đầu tư, công ty sẽ trích phần trăm và nhân viên được hưởng 0,3% số tiền của nhà đầu tư ủy thác... Bên cạnh đó, việc trang hoàng trụ sở của công ty rất hoành tráng nên các nhà đầu tư tin tưởng. Khi biết bị hại tìm đến cơ quan Công an trình báo, lãnh đạo Công ty HGI còn tìm đủ mọi lí do ngăn cản và hứa hẹn sẽ mang tiền trả cho bị hại. Để tránh trở thành nạn nhân, cơ quan Công an khuyến cáo không nên kinh doanh sàn vàng là những nơi không an toàn và vi phạm pháp luật. Nếu tham gia đầu tư vào công ty nào đấy, bất luận phải tìm hiểu hành lang pháp lý của công ty muốn tham gia.

Theo CAND