Hơn 10 ngàn người ở 40 quốc gia tham gia kiện Trung Quốc đòi bồi thường

VietTimes -- Sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị chỉ trích ở khắp nơi. Các công ty luật ở Mỹ và Israel gần đây đã khởi xướng các vụ kiện quốc tế chống lại Trung Quốc, đòi bồi thường thiệt hại.
Ngày càng có thêm nhiều người tham gia kiện Trung Quốc che giấu dịch bệnh, đòi bồi thường (Ảnh: DF).
Ngày càng có thêm nhiều người tham gia kiện Trung Quốc che giấu dịch bệnh, đòi bồi thường (Ảnh: DF).

Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 20/4, công ty luật Berman Law Group của Mỹ tháng trước đã phát động vụ kiện tập thể ở bang Florida. Luật sư Jeremy Alters, người hoạch địch và dẫn dắt vụ kiện, đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc che giấu dịch bệnh dẫn đến đại dịch bùng phát, gây nên tổn thất về sinh mạng và tài sản yêu cầu bồi thường những thiệt hại liên quan. Ông cũng chỉ ra rằng cho dù Trung Quốc từ chối chịu xét xử ở Hoa Kỳ, tòa án Hoa Kỳ vẫn có thể ra phán quyết tịch thu tài sản của Trung Quốc tại Mỹ.

Cho đến nay, đã có hơn 10.000 người từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới tham gia vào vụ kiện tập thể này. Bà Lorraine Caggiano, một trong những nguyên đơn đến từ New York, nói rằng cùng với bà, đã có tổng cộng 10 người thân trong gia đình bị nhiễm bệnh và hai người trong số họ đã chết vì dịch bệnh COVID-19.

Luật sư Jeremy Alters, người khởi xướng vụ kiện tập thể có hơn 10 ngàn người ở 40 quốc gia tham gia chống Trung Quốc (Ảnh: ladbible.com).
Luật sư Jeremy Alters, người khởi xướng vụ kiện tập thể có hơn 10 ngàn người ở 40 quốc gia tham gia chống Trung Quốc (Ảnh: ladbible.com).

Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh trước đó đã đưa ra một báo cáo, nói rằng Trung Quốc cần bồi thường 3,2 ngàn tỷ bảng Anh (khoảng 31 nghìn tỷ đô la Hồng Kông) cho các nước G7 do hành vi che giấu dịch bệnh.

Ngoài ra, công ty luật Shurat Hadin của Israel trong tháng này cũng đã đại diện cho một nhóm nhân viên y tế, cáo buộc Trung Quốc tích trữ vật tư y tế. Luật sư đại diện, ông Lettner cho biết ông sẽ đệ đơn kiện tại Hoa Kỳ với cáo buộc Trung Quốc che giấu tình hình, sơ suất để dịch bệnh lây lan, hành xử tồi tệ và cảnh báo Trung Quốc không được sử dụng chủ quyền như một lý do để lẩn tránh tố tụng. Luật sư nhân quyền người Anh Robertson đã kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra nguồn gốc của dịch bệnh, nói rằng nếu Trung Quốc từ chối giải thích đầu đuôi vụ việc, họ sẽ phải đối mặt với áp lực quốc tế và trừng phạt kinh tế.

Ngoài ra, trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ngày 19/4 đã lên tiếng yêu cầu thành lập một cơ chế độc lập để điều tra việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc.

Theo trang tin Hoa ngữ quốc tế Đa Chiều ngày 20/4, bà Payne đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Insiders của hãng truyền thông ABC vào ngày 19/4 rằng niềm tin của bà với Trung Quốc chắc chắn là lâu dài, nhưng bà quan tâm hơn đến tính minh bạch của thông tin dịch bệnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne yêu cầu thành lập một cơ chế độc lập để điều tra việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
Bộ trưởng Ngoại giao  Australia Marise Payne yêu cầu thành lập một cơ chế độc lập để điều tra việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Bà nói muốn có một cuộc xem xét đánh giá độc lập, có tính quốc tế về dịch bệnh; điều tra nguồn gốc và cách xử lý bệnh dịch. Bà nói: “Tôi cho rằng tiến hành trong bối cảnh của những vấn đề này, mấu chốt là sự minh bạch”.

Bà Payne nói: “Sự khẳng định về sự minh bạch của Trung Quốc phải đến từ tất cả các quốc gia quan trọng trên thế giới, sẽ là một phần của bất kỳ cuộc điều tra nào được tiến hành”.

Bà Marise Payne nói: “Các vấn đề xung quanh virus Corona mới cần phải được xem xét đánh giá độc lập và tôi nghĩ chúng ta làm như vậy là rất quan trọng. Trên thực tế, Australia nhất định sẽ kiên trì điều này”.

Khi Payne được hỏi liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có nên tham gia vào việc xem xét đánh giá này hay không, bà Marise Payne nói: “Không nên... Như thế nó khiến tôi cảm thấy giống như ta tự kiểm tra mình”.