Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc điểm lại, vài năm gần đây diễn ra khá nhiều lễ kỷ niệm các cuộc chiến tranh, ví dụ 120 năm Chiến tranh Giáp Ngọ, 110 năm Chiến tranh Nga – Nhật, 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ và 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, 70 năm Trung Quốc kháng chiến chống Nhật thắng lợi...
Những cuộc chiến tranh này hầu hết đã thực hiện được công cuộc dịch chuyển quyền lực giữa các nước lớn. Hiện nay, cùng với sự phát triển của Trung Quốc, các nước phương Tây cũng phổ biến cho rằng, Trung Quốc lớn mạnh ắt sẽ gây ra chiến tranh trên phạm vi lớn, vòng dịch chuyển quyền lực mới giữa các nước lớn ắt sẽ phải thực hiện thông qua chiến tranh. Phải chăng sự dịch chuyển này chỉ có con đường này? Trung Quốc được lựa chọn những không gian chiến lược nào?
Hoàn Cầu gợi ý, có chiều cách lựa chọn để chuyển giao quyền lực
Các nước phương Tây cho rằng, nước lớn buộc phải thông qua các cuộc chiến tranh trên quy mô lớn để dịch chuyển quyền lực. Trên thực tế, có nhiều con đường để các nước lớn thực hiện điều này, chiến tranh không phải là lựa chọn duy nhất.
Phát động chiến tranh toàn diện dịch chuyển quyền lực
Trong lịch sử, đa số các cuộc dịch chuyển quyền lực giữa các nước lớn đều được thực hiện qua các cuộc chiến tranh toàn diện. Đây là mô hình phổ biến nhất, trực tiếp nhất.
Hoàn Cầu lấy ví dụ, thời Xuân Thu, nước Tề đánh bại nước Trịnh và trở thành bá chú, nước Việt đánh bại nước Ngô, nắm quyền thống trị. Trong lịch sử cận đại, nước Anh đánh bại Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và trở thành bá chủ thế giới.
Chiến tranh cục bộ dịch chuyển quyền lực
Chiến trường của chiến tranh cục bộ có thể là vùng đất tiếp giao giữa lãnh thổ hai nước, cũng có thể nằm trên lãnh thổ một nước, hoặc nằm trên lãnh thổ của nước thứ ba. Nếu giành được chiến thắng trong chiến tranh cục bộ, đôi lúc cũng thực hiện được sự chuyển giao quyền lực giữa các nước lớn.
Hoàn Cầu lại dẫn minh chứng thời Xuân Thu, nước Tấn và nước Sở dịch chuyển quyền lực thông qua cuộc chiến Thành Bộc năm 633 trước CN. Năm 1904 -1905, thông qua chiến tranh Nga – Nhật, Nhật Bản và Nga đã tiến hành chuyển giao quyền lực tại khu vực Đông Bắc Á. Sau khi chiến tranh kết thúc, thế lực Nga rút về lãnh thổ nước Nga, Nhật Bản giành chiến thắng và nắm quyền chủ đạo tại Đông Bắc Á.
Dịch chuyển quyền lực qua xung đội quân sự gián tiếp
Xung đột quân sự gián tiếp có nhiều điểm tương đồng với chiến tranh ủy nhiệm. Hai bên đều là người được ủy nhiệm, hoặc một bên trực tiếp tham chiến, bên kia là phía được ủy nhiệm. Sự thắng bại của bên được ủy nhiệm cũng phản ánh được thực lực mạnh yếu của nước lớn, ảnh hưởng đến sự yếu mạnh trong quyền lực của nước lớn trong khu vực.
Mô hình này khá phổ biến, ví dụ, trong cuộc khủng hoảng ở Syriaa, lực lượng vũ trang chính phủ đứng đầu là tổng thống Bashar Hafez al-Assad và phe đối lập, ở một mức độ nào đó cũng đại diện cho cuộc giao tranh về quyền lực giữa hai nước lớn là Mỹ và Nga.
Sử dụng vũ lực nhưng không xảy ra xung đột quân sự
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa cho rằng, có rất nhiều trường hợp sử dụng vũ lực nhưng không xảy ra xung đột quân sự, vú dụ uy hiếp quân sự, ngăn chặn chiến lược, chạy đua vũ trang... Sở dĩ sử dụng mà không xảy ra xung đột quân sự, nguyên nhân khá phức tạp.
Ví dụ, thế giới có nhiều nước lớn, nếu để xảy ra chiến tranh sẽ dẫn tới cục diện khó thể kiểm soát, hoặc cái giá phải trả cho xung đột quân sự là quá lớn, cộng đồng quốc tế lên án gắt gao nếu để xảy ra chiến tranh... Ví dụ điển hình nhất là Chiến tranh lạnh Mỹ - Nga.
Trong Chiến tranh lạnh lạnh, Mỹ và Liên Xô thường xuyên điều binh khiển tướng, nhiều lần gây ra khủng hoảng quân sự, nhưng không phát triển đến cấp độ xung đột quân sự. Sau khi Liên Xô giải thể vào năm 1991, Chiến tranh lạnh kết thúc, hầu hết quyền lực quốc tế dịch chuyển vào tay nước Mỹ.
Đấu trí trong các sự vụ quốc tế để chuyển giao quyền lực
Tại các vòng đấu trí về các sự vụ quốc tế quan trọng, thể hiện được sự yếu mạnh về thực lực của các nước lớn, từ đó có thể dịch chuyển quyền lực ở một khu vực nào đó.
Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, thông qua thái độ cứng rắng, Mỹ đã ép Anh, Pháp thừa nhận quyền lực quốc tế của phương Tây đã được dịch chuyển vào tay nước Mỹ. Hoặc như trong cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014, biểu hiện của Mỹ yếu hơn Nga, quyền lực của nước Nga được tăng cường một phần, ít nhất đã chuyển giao quyền lực tại bán đảo Krim.
Dịch chuyển qua cạnh tranh hòa bình
Cạnh tranh hòa bình tương tự với việc Trung Quốc đề ra mục tiêu phát triển hòa bình, nhằm tiến hành cạnh tranh giữa các nước lớn trong bối cảnh hòa bình. Trong quá trình này, đấu tranh chính trị, va chạm về kinh tế, đấu trí về ngoại giao, đánh lạc hướng về mặt chiến lược... đều có thể xảy ra, tuy nhiên nền tảng chung là cạnh tranh hòa bình, không phát triển đến mức xung đột quân sự.
Cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít ví dụ về dịch chuyền quyền lực thông qua biện pháp hòa bình. Như sự dịch chuyển quyền lực giữa Anh, Pháp, Đức sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, ngoài Mỹ, miếng bánh quyền lực của Anh tại Tây Âu là lớn nhất; thực lực của Pháp đã tiêu hao gần hết, miếng bánh quyền lực khá bé; Đức là nước thua cuộc trong chiến tranh, miếng bánh quyền lực của Đức tại Tây Âu lại càng nhỏ hơn.
Sau mấy thập kỷ cạnh tranh, cơ cấu quyền lực giữa Anh, Pháp, Đức đã có sự thay đổi rõ nét, miếng bánh quyền lực lớn nhất ở Tây Âu đã dịch chuyển vào tay nước Đức. Dĩ nhiên, sự dịch chuyển quyền lực của Anh, Pháp, Đức tại Tây Âu là một sự biến đổi cục bộ, có mở rộng ra phạm vi toàn cầu hay không thì cần phân tích ở bước sâu hơn.
Quá độ tự nhiên dịch chuyển quyền lực
Quá độ tự nhiên là một trạng thái lý thưởng, các nước lớn phát triển tự do, không có sự đối đầu rõ nét để dịch chuyển quyền lực. Phương thức này khá phức tạp, ít nhất có 4 tình huống sau:
Một là, cộng đồng quốc tế phát triển mạnh mẽ, các nước lớn có môi trường phát triển tự do, cùng với sự lớn mạnh về thực lực cả quốc gia mới nổi, thực hiện dịch chuyển quyền lực.
Hai là nhiều nước lớn cân bằng về sức mạnh, đều không dám hành động tùy tiện, các nước tự do phát triển, dần dần dịch chuyển quyền lực theo sự lớn mạnh và suy yếu của thực lực quốc gia.
Thứ ba, quốc gia bá quyền thất bại trong cuộc chiến tranh hoặc cạnh tranh với các nước lớn khác, thực lực của nước mới nổi ngày càng lớn mạnh, thực hiện dịch chuyển quyền lực;
Thứ tư, quốc gia bá quyền xảy ra sự kiện ngoài ý muốn, sức mạnh suy yếu nghiêm trọng, như quốc gia bá quyền xảy ra nội chiến, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, chia rẽ...., các nước lớn sẽ dịch chuyển quyền lực.
Bám sát toàn diện để chuyển giao quyền lực
Bám sát toàn diện có điểm tương đồng với “chiến lược đi nhờ”, dùng để chỉ quốc gia mới nổi trả giá bằng việc giảm thiểu sự tự do trong hành động, hợp tác toàn diện với nước bá quyền, trở thành quan hệ đồng minh mật thiết nhằm giành được sự ủng hộ và bảo vệ của nước lớn, chờ đợi nước bá quyền suy thoái, thay thế vị trí nước lớn.
Ưu điểm của mô hình này rất rõ ràng: Một là không bị quốc gia bá quyền coi là kẻ thù số 1, giảm thiểu rào cản trong quá trình trỗi dậy; Hai là mối quan hệ mật thiết với quốc gia bá quyền giúp nước mới nổi giành được những thành quả về công nghệ và kinh nghiệm chính trị, thúc đẩy sức mạnh quốc gia phát triển; Ba là có thể được nước bá quyền nâng đỡ, mặc nhận quyền lãnh đạo của quốc gia đó ở một khu vực nào đó.
Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này cũng rất rõ nét, có thể làm tổn hại đến lợi ích then chốt của quốc gia, đe dọa đến sự sinh tồn và độc lập của quốc gia, khiến quốc gia không thể phát triển thực lực. Hơn nữa, khi đối thủ của quốc gia bá quyền bị suy yếu, nước “đi nhờ” quốc gia bá quyền cũng sẽ trở thành đối tượng bị suy yếu.
Do đó, có rất nhiều phương thức để các nước lớn dịch chuyển quyền lực. Điểm khác biệt của các phương thức này là: Nếu giành được thắng lợi trong chiến tranh toàn diện và chiến tranh quyền lực, biên độ dịch chuyển quyền lực sẽ khá lớn; Còn với các phương thức khác, biên độ dịch chuyển quyền lực khá nhỏ.
Do đặc trưng của mỗi thời kỳ lịch sử và sự ảnh hưởng của bối cảnh chiến lược, vòng dịch chuyển quyền lực mới giữa các nước lớn có thể là một quá trình đấu trí lâu dài, và cũng có thể là sự vận dụng hỗn hợp nhiều phương thức.
6 lựa chọn chiến lược của Trung Quốc
Hoàn Cầu cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay, vòng dịch chuyển quyền lực mới giữa các nước lớn đã mở màn, lựa chọn chiến lược là điều hết sức quan trọng đối với Trung Quốc.
1. Không gian lựa chọn chiến lược
Theo Hoàn Cầu, trong 8 phương thức nói trên, rõ ràng có thể loại trừ hai phương thức. Một là phương thức “bám sát toàn diện”. Trong bối cảnh Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược hàng đầu, bám sát toàn diện chỉ là ảo tưởng, buộc phải gạt bỏ. Trong phương diện này, Nga đã từng có bài học xương máu. Hai là cần tránh chiến tranh toàn diện, chiến tranh trên phạm vi lớn. Chiến tranh toàn diện có sự phá hoại nghiêm trọng, không phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đồng thời cũng có tính bất xác định lớn.
Sau khi loại trừ hai phương thức trên, không gian lựa chọn chiến lược của Trung Quốc gồm 6 phương thức còn lại: Chiến tranh cục bộ, xung đột quân sự gián tiếp, sử dụng vũ lực nhưng không xảy ra xung đột quân sự, đấu trí trong sự vụ quốc tế, cạnh tranh hòa bình và quá độ tự nhiên. Trong 6 phương thức này, lựa chọn lý tưởng nhất là quá độ tự nhiên.
Tuy nhiên phương thức quá độ tự nhiên chỉ là một niềm mơ ước, khó tồn tại trong thực tế, về mặt chủ quan khó nắm bắt, do đó lựa chọn lý tưởng nhất của Trung Quốc là cạnh tranh hòa bình, hay gọi là phát triển hòa bình. Đồng thời, cũng tồn tại lựa chọn chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự gián tiếp. Hay nói cách khác, mặc dù Trung Quốc không mong muốn xảy ra chiến tranh toàn diện, nhưng ở mức độ nhất định có thể đối phó với thách thức của chiến tranh cục diện, có thể chấp nhận rủi ro xung đột quân sự gián tiếp.
2.Căn cứ của lựa chọn chiến lược
Hoàn Cầu cho rằng, muốn có không gian lựa chọn chiến lược, muốn có phương thức chuyển giao quyền lực tương đối nhẹ nhàng, buộc phải làm tốt hai việc.
Một là tiếp tục nâng cao sức mạnh quốc gia, thúc đẩy nước lớn dịch chuyển quyền lực. Nền tảng để nước lớn dịch chuyển quyền lực là sức mạnh quốc gia. Nếu không nâng cao sức mạnh quốc gia, quyền lực thế giới cũng sẽ dịch chuyển, nhưng sẽ dịch chuyển vào tay nước lớn khác như Nhật Bản, Nga... Do đó, muốn tham gia vào công cuộc dịch chuyển quyền lực thì buộc phải tiếp tục nâng cao sức mạnh quốc gia.
Hai là nâng cao sức mạnh quân sự với biên độ lớn để có đủ năng lực giành chiến thắng trong cuộc đại chiến, đảm bảo cho không gian lựa chọn chiến lược. Trong vấn đề chỉ đạo chiến lược, Trung Quốc muốn đi con đường phát triển hòa bình, muốn đưa ra sự lựa chọn trong 6 lựa chọn đó. Tuy nhiên, chỉ khi có được năng lực của phương thức đầu tiên, hay nói cách khác là có đủ năng lực giành chiến thắng trong chiến tranh, mới có thể có sự lựa chọn khác. Nếu không, bất kỳ con đường và phương thức nào đều sẽ bị đe dọa.
Ngoài ra, nếu sức mạnh quân sự lạc hậu trong thời kỳ dài, không những quyền lực quốc tế sẽ không dịch chuyển sang khu vực này, mà một bộ phận quyền lực đã từng cố gắng nắm bắt vẫn có khả năng rơi vào tay quốc gia khác. Tình huống này từng xuất hiện nhiều lần trong lịch sử cận đại của Trung Quốc, bị quốc gia khác cắt đứt tiến trình trỗi dậy.
Hoàn cầu khẳng định, chỉ khi có đủ năng lực giành thắng lợi trong chiến tranh, có sự chuẩn bị giành chiến thắng trong chiến tranh, mới có thể ngăn ngừa chiến tranh một cách hiệu quả, mới có thể có cơ hội tham gia sâu vào công cuộc dịch chuyển quyền lực của các nước lớn, mới có không gian lựa chọn chiến lược.
3. Không ngừng phát triển lớn mạnh
Bất kỳ quốc gia nào muốn trở thành cường quốc của thế giới, đều phải không ngừng phát triển lớn mạnh. Thông thường, có 4 phương thức để một quốc gia có thể phát triển lớn mạnh.
Một là mở rộng diện tích lãnh thổ. Cách làm này được các nước phương Tây áp dụng rộng rãi trước thế kỷ XIX. Ví dụ, thời gian đầu mới lập nước, diện tích lãnh thổ của nước Mỹ chỉ có 890.000 km vuông, sau một thời gian dài mở rộng, diện tích lãnh thổ lên tới 9.370.000 km vuông. Hoặc như hồi mới thành lập, diện tích của công quốc Moscow chưa đầy 1 triệu km vuông, trong khi thời kỳ cực thịnh, diện tích lãnh thổ của Liên Xô lên tới 22,4 triệu km vuông.
Hai là xâm chiếm thuộc địa. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Anh... đều sở hữu rất nhiều thuộc địa ở nước ngoài.
Ba là mở rộng phạm vi thế lực. Các làm này khá phổ biến trong thế kỷ XIX – XX, Mỹ và Liên Xô đều tích cực mở rộng phạm vi thế lực cho mình.
Bốn là liên kết nhiều quốc gia vào một phạm trù. Hình thức được áp dục là khu vực tự do thương mại, cộng đồng kinh tế, cộng đồng điều hòa sự vụ, cộng đồng chính trị và an ninh, và cả xây dựng cộng đồng mang ý nghĩa siêu quốc gia.
Trong đó, phương thức xây dựng cộng đồng mang ý nghĩa siêu quốc gia khá xa vời, nhưng rất nhiều quốc gia đang khám phá. Ví dụ, Nga đang xây dựng liên minh Âu Á, liên minh Nga – Belarus, Đức đang hợp nhất EU...
Hoàn Cầu tự tin khẳng định, Trung Quốc cũng cần không ngừng phát triển lớn mạnh. Theo xu thế của thời đại, việc mở rộng lãnh thổ, xâm chiếm thực dân không khả thi, phương thức mở rộng phạm vi thế lực cũng khó được chấp nhận. Các làm phù hợp với trào lưu thời đại hơn cả là phương thức thứ tư, tức thông qua hình thức nào đó để gắn kết nhiều quốc gia vào một phạm trù.
Ví dụ, cùng nhiều quốc gia xây dựng khu vực thương mại tự do, khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương. Điều này còn bao gồm mở rộng nội hàm của tổ chức BRICS thành tổ chức hợp tác của các nước phát triển nhanh. Trên cơ sở này, sẽ thu hút thêm các nước đang phát triển khá mạnh như Đức, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico vào. Ngoài ra, cần tăng cường xây dựng cộng đồng an ninh, xem xét vấn đề cộng đồng chính trị vượt khỏi phạm vi quốc gia.
4. Vận dụng sức mạnh một cách phù hợp
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng cho rằng, vận dụng sức mạnh phù hợp là khâu cần thiết và phương thức quan trọng để nước lớn dịch chuyển quyền lực. Trước hết, vận dụng phù hợp sức mạnh quân sự, thể hiện ý chí và lòng quyết tâm mới có thể giảm thiểu sự thách thức từ bên ngoài. Thứ hai, cần nhận thức sâu sắc đặc trưng hiện thực của cuộc đấu tranh quốc tế, song song với việc biểu đạt nguyện vọng hòa bình, cần biểu đạt phù hợp quyết tâm và năng lực ngăn chặn nước khác xâm phạm chủ quyền. Nếu không, có thể sẽ trở thành đối tượng bị nước lớn xâm phạm. Thứ ba, nếu một thời gian dài không sử dụng sức mạnh, sẽ có quốc gia khác nhảy ra, kiểm nghiệm sức mạnh và ý chí của quốc gia này.
Ví dụ, trước năm 2008, Nga luôn nhẫn nhịn trước Mỹ, kết quả là bị Mỹ o ép nghiêm trọng. Mãi cho đến khi Nga phản công mạnh mẽ ở Gruzia, sự o ép và khiêu khích này mới được giảm bớt. Bắc Kinh cho rằng, khu vực láng giềng của mình cũng đang phải đối mặt với tình huống tương tự, cần vận dụng sức mạnh một cách phù hợp để cải thiện cục diện.
5. Duy trì chiến lược
Trước hết, trong thời kỳ cục diện thế giới có nhiều thay đổi, quốc gia nào nóng vội phá vỡ hiện trạng, quốc gia đó sẽ phải trả giá nặng nề. Ví dụ, thế kỷ XVIII, Napoleon nóng lòng phá vỡ hiện trạng và đã bị đồng minh chống lại Pháp bắt tay vào đối phó.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản và Đức nóng lòng phá vỡ hiện trạng và vấp phải sự tấn công liên hợp của nhiều nước lớn. Tình huống hiện nay cũng như vậy, nhiều nước lớn đều muốn mở rộng sự ảnh hưởng về chiến lược. Quốc gia nào tỏ ra nóng vội, rât dễ bị ngăn chặn nhiều hơn. Thứ hai. Trong quá trình quốc gia bá quyền suy yếu, cần có một số quốc gia làm tiêu hao sức mạnh của quốc gia bá quyền. Quốc gia nào nóng vội phá vỡ hiện trạng, rất có thể trở thànhvật hy sinh làm tiêu hao sức mạnh của nước bá quyền. Do đó, Bắc Kinh cho rằng cần tỉnh táo duy trì chiến lược.
Đương nhiên, công cuộc dịch chuyển quyền lực giữa các nước lớn đã được mở màn, quốc gia phát triển cũng không nên quá chậm. Hầu hết các nước lớn đều đang tiến hành bố cục chiến lược, nếu Trung Quốc quá chậm, sau này sẽ phải đối mặt với rào cản lớn. Ở đây cần nằm chắc biên độ, nhanh quá không tốt, chậm quá cũng không tốt. Do đó, trong vòng dịch chuyển quyền lực mới, cần giữ định lực chiến lược, tránh để rơi vào cục diện hỗn loạn, đồng thời cần chú trọng đến bố cục đấu trí chiến lược của mình.
Hoàn Cầu kết luận một cách hung hăng và hô hào răng, có rất nhiều phương thức để nước lớn dịch chuyển quyền lực, Trung Quốc cần vừa chuẩn bị chiến tranh, vừa phải vượt qua chiến tranh.
Theo QPAN