Họa sĩ Hà Hùng Dũng vừa cho biết một cơ sở bán áo dài có tên là Áo dài Hoàng (địa chỉ tại nhà đầu tiên trong ngõ 33 Hàng Bún, Hà Nội) đã ngang nhiên vi phạm bản quyền, lấy nhiều tranh sáng tác của họa sĩ vẽ lại lên áo dài, bán công khai trên thị trường Hà Nội từ khá lâu nay.
Trên trang mạng xã hội của cơ sở Áo dài Hoàng đăng tải các hình ảnh cơ sở này đã bán nhiều áo có in tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng. Khách hàng mặc Áo dài Hoàng có in tranh Hà Hùng Dũng đi Tràng An (Ninh Bình), đi dã ngoại, du xuân… gửi hình về cho cửa hàng đăng lên để quảng cáo thêm.
Đương nhiên, nếu biết đó là áo sao chép trái phép, ngang nhiên xâm phạm bản quyền tranh sáng tác của họa sĩ, hẳn người tiêu dùng sẽ chẳng vui vẻ gì mặc những chiếc áo vi phạm đạo đức làm nghề, lại còn góp phần quảng bá cho cửa hàng thêm bán chạy.
Khi người đại diện cho họa sĩ Hà Hùng Dũng liên lạc đến cơ sở này, đại diện cho cơ sở Áo dài Hoàng vẫn khẳng định là các mẫu áo đều do họ tự thiết kế trên máy tính.
Mặc dù luôn quảng cáo là “Dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam” và “thiết kế độc quyền” nhưng cơ sở Áo dài Hoàng lại đi sao chép trái phép tác phẩm của họa sĩ về làm “của riêng”?
Cơ sở Áo dài Hoàng ở 33 Hàng Bún ngang nhiên quảng cáo các mẫu áo có tranh vi phạm bản quyền
|
Tranh gốc do họa sĩ Hà Hùng Dũng cung cấp, đã bị sao chép đưa lên chiếc áo của Áo dài Hoàng
|
Áo dài Hoàng đã vẽ lại tranh của Hà Hùng Dũng mà không hề xin phép
|
Hôm nay, khi phóng viên VietTimes liên lạc tới ông Phạm Huy Hoàng – chủ cơ sở Áo dài Hoàng, ban đầu ông Phạm Huy Hoàng chối, không nhận là đã vi phạm bản quyền, và cũng nói: “chưa thấy họa sĩ Hà Hùng Dũng liên lạc gì”.
Sau khi trao đổi, được nhắc nhở rằng trên fanpage của cửa hàng có ghi lại những trao đổi giữa hai bên, đã nói rõ về sự vi phạm bản quyền nói trên chứ không phải họa sĩ chưa liên lạc, ông Phạm Huy Hoàng trả lời: “Thực ra là cũng có đọc được phản ứng của họa sĩ Hà Hùng Dũng trên trang fan page của Áo dài Hoàng, nhưng không rõ các tranh này đã được đăng ký bản quyền chưa”.
“Ông chủ” của Áo dài Hoàng nói: “Trong quá trình thiết kế, tôi thấy các hình ảnh này trên các trang ảnh nên lấy về dùng thôi”.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các điều khoản bảo vệ bản quyền theo Công ước Berne, họa sĩ luôn luôn được bảo hộ bản quyền kể từ lúc ý tưởng được thể hiện ra thành tác phẩm vật chất.
Đứng trước vấn nạn xâm phạm bản quyền tràn lan trong thời buổi kỹ thuật số, khi họa sĩ chỉ cần mang tranh ra triển lãm, là rất nhiều người tới xem triển lãm có thể chụp hình lưu lại trong điện thoại của chính họ hoặc đưa lên nhiều trang khác nhau, hoặc thậm chí đối tượng vi phạm chỉ cần down hình ảnh bức tranh trong các bài báo, rồi chép lại lên áo, họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết nếu cần thiết thì anh có thể kiện để đưa vấn đề ra ánh sáng.
Một bức tranh khác của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị sao chép trái phép đưa lên Áo dài Hoàng
|
Bức tranh gốc của họa sĩ Hà Hùng Dũng đã bị sao chép đưa lên chiếc áo này
|
Họa sĩ Hà Hùng Dũng từng triển lãm hàng chục lần tại Hà Nội và TP.HCM, cho nên các nguy cơ bị sao chép trái phép tác phẩm là rất cao. Năm 2019 vừa rồi, Hà Hùng Dũng cũng là họa sĩ bị một đơn vị thi công khách sạn Pao Sa Pa vi phạm bản quyền 15 bức tranh, chép lên tường tại khách sạn này. Phát hiện ra sai phạm nói trên, chủ khách sạn đã xin lỗi và cho xóa hết các tác phẩm vi phạm bản quyền.
Sau khi trao đổi với phóng viên VietTimes, ông Phạm Huy Hoàng đã thừa nhận việc lấy hình ảnh tranh vẽ của họa sĩ Hà Hùng Dũng về “làm của mình” như thế là sai phạm. Ông này hứa sẽ gỡ các hình ảnh trên fan page của Áo dài Hoàng và liên lạc tới xin lỗi họa sĩ Hà Hùng Dũng.
Tuy nhiên, ngoại trừ lời xin lỗi suông, “ông chủ” của Áo dài Hoàng không trả lời khi được hỏi: “Lấy hình ảnh của họa sĩ về kinh doanh lâu như thế, giờ mới chịu thừa nhận sai phạm thì ngoài xin lỗi ra, có ý định đền bù gì không?”
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu