Hiểm họa chờ Trung Quốc khi Trung Nam Hải lại muốn 'đại nhảy vọt'

Năm 2014 có lẽ sẽ là một năm đáng chú ý nhất với Trung Quốc, khi nó là điểm mốc đánh dấu cho việc nước này chính thức chấm dứt khoảng thời gian phát triển với tốc độ chóng mặt, 
Trung Quốc muốn đại nhảy vọt
Trung Quốc muốn đại nhảy vọt

khi lần đầu tiên sau ba mươi năm luôn có tốc độ tăng trưởng trên hai con số, Trung Quốc chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng là 7,5%. Dự đoán là nhiều hiểm họa chờ đón Trung Quốc nếu như Trung Nam Hải lại muốn "đại nhảy vọt".

Ông Tập và ông Lý
Ông Tập và ông Lý

Cơn bão phát triển kinh tế ở Trung Quốc đã qua đi, nhưng khi mà IMF đưa ra dự báo tăng trưởng của nước này trong năm 2015, nó đang khiến người Trung Quốc phải giật mình hơn nữa. Người Trung Quốc đang lờ mờ nhận thấy rằng, họ đang dần đi vào ngõ cụt nếu cứ cắm đầu chạy theo thành tích như hiện tại.

Chỉ ít ngày sau khi Bắc Kinh công bố chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014 đạt 7,5%, đạt yêu cầu mà chính phủ nước này đã đề ra, quỹ tiền tệ quốc tế đã dội một gáo nước lạnh vào sự thỏa mãn và hài lòng của người Trung Quốc. IMF đã đưa ra dự báo chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2015 chỉ đạt mức 6,8%, thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng trên 7% mà các nhà lãnh đạo nước này đưa ra khi nhận định về kinh tế Trung Quốc trong năm 2015.

Khoảng cách từ 7,5% trong năm 2014 xuống chỉ còn 6,8% trong năm 2015 theo dự báo của IMF đang thực sự chỉ ra nhiều vấn đề của kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Vấn đề nghiêm trọng nhất với Trung Quốc hiện nay, là nạn chạy theo thành tích. Chỉ số tăng trưởng vẫn là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế ở đất nước đông dân nhất thế giới này, dù ở các nước phát triển nó chỉ còn là một chỉ số phụ. Việc quá coi trọng thành tích, với biểu hiện cụ thể ở chỉ số tăng trưởng, được coi là một hệ quả vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông với các chiến dịch đại nhảy vọt về kinh tế. 

Bị ảnh hưởng bởi việc chạy theo thành tích này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn có xu hướng nâng chỉ số này lên thật đẹp, và luôn cao hơn so với khả năng thực của nền kinh tế. Và khi mà tình hình có vẻ như không được như mong muốn, thì các biện pháp ngắn hạn để nâng chỉ số tăng trưởng luôn được áp dụng.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc gần như sẽ không thể đạt được tốc độ tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 nếu như không áp dụng các biện pháp đặc biệt trong những tháng cuối năm. Theo đó, thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là đã đốc thúc các dự án đầu tư đặc biệt với số vốn lớn để cốt đạt được chỉ số tăng trưởng 7,5% mà lãnh đạo Trung Quốc đã đề ra trước đó. 

Việc quá quan tâm đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra đang được IMF đánh giá là khó đánh giá chính xác thực trạng nền kinh tế Trung Quốc, nguy hiểm hơn nữa là nó đang che giấu nhiều những khuyết tật ngầm nguy hiểm trong bộ máy vận hành nền kinh tế.

Việc quá chú trọng đến việc chạy theo thành tích tăng trưởng cũng đang khuyến khích những vấn đề nghiêm trọng trong các chính quyền địa phương. Theo đó, hầu hết các quan chức địa phương luôn có xu hướng khai khống những số liệu thống kê ở địa phương để làm hài lòng cấp trên của họ ở Bắc Kinh. Điều này xảy ra ở hầu khắp các tỉnh thành phố của Trung Quốc, từ Thành Đô cho đến Nam Kinh. 

Trong khi đó những vấn đề nghiêm trọng ở địa phương lại được giấu nhẹm, như nợ công hay ô nhiễm môi trường. Việc các địa phương thiếu minh bạch về số nợ công đang thực sự khiến Bắc Kinh lo ngại, khi mà dự báo nợ công của Trung Quốc đã sắp đạt mốc giới hạn là 60% GDP. Trong một động thái mới nhất, Bắc Kinh đã ra lệnh thanh tra lượng nợ công mà các địa phương nước này đang gánh, với thử nghiệm đầu tiên ở tỉnh Hà Bắc.

Thậm chí, gói 1,1 ngàn tỉ USD mà thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố triển khai trong năm 2015 cũng được cho là động thái chạy theo thành tích, khi nó tập trung cho khoảng 300 dự án cơ sở hạ tầng vốn sẽ nâng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc lên khá nhiều, nhưng lại ít có tác động sâu rộng lên nền kinh tế vốn đang có dấu hiệu chững lại của nước này.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc người Trung Quốc cần nhìn thẳng vào những vấn đề của nền kinh tế thay vì chạy theo thành tích tăng trưởng như họ vẫn làm trong ba mươi năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn mà chỉ số tăng trưởng đã không còn nhiều ý nghĩa, nếu cứ tiếp tục chạy theo thành tích một cách mù quáng, nó sẽ không chỉ khiến kinh tế nước này dậm chân tại chỗ và bỏ phí cơ hội phát triển, mà còn có thể xảy ra nguy cơ kéo nền kinh tế đi thụt lùi do thiếu sự cân đối cần thiết giữa các bộ phận của nền kinh tế.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)