Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mạnh cỡ nào? Vì sao Mỹ cung cấp cho Israel?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Khi tình hình ở Trung Đông tiếp tục nóng lên, hôm 13/10, Mỹ tuyên bố cung cấp cho Israel hệ thống phòng thủ THAAD. Vậy hệ thống này mạnh cỡ nào?

Xe phóng THAAD với bệ gồm 8 ống phóng (Ảnh: Sputnik).
Xe phóng THAAD với bệ gồm 8 ống phóng (Ảnh: Sputnik).

THAAD là viết tắt của “Terminal High-Altitude Area Defense” (Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) và là một hệ thống tên lửa đất đối không đánh chặn tiên tiến.

Kết hợp hệ thống radar tiên tiến với thiết bị đánh chặn, đây là hệ thống phòng thủ hiệu quả cao và đã được kiểm chứng trong thực tế chiến đấu, có thể phòng thủ hiệu quả trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và cả tầm xa.

Vào tháng 1/2022, UAE đã sử dụng hệ thống THAAD mà họ mua của Mỹ để đánh chặn thành công các tên lửa do lực lượng vũ trang Houthi phóng.

Hệ thống phòng thủ THAAD có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 150 đến 200 km (93 đến 124 dặm) và tỷ lệ thử nghiệm thành công gần như hoàn hảo.

THAAD duoc cho den Israel.jpg
Hệ thống THAAD được không vận tới Israel (Ảnh: Sina).

Tại sao THAAD có hiệu quả cao như vậy?

Theo thông tin từ “Dự án mối đe dọa tên lửa” của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các mẫu đã sản xuất của hệ thống THAAD chưa bao giờ thất bại trong các cuộc thử nghiệm đánh chặn mục tiêu bay tới.

Hệ thống phòng thủ này có độ chính xác cao nhờ hệ thống radar AN/TPY-2 được sử dụng để cung cấp thông tin về các mục tiêu đang bay tới.

Theo thông tin từ dự án phòng thủ tên lửa, hệ thống radar AN/TPY-2 có thể phát hiện tên lửa theo hai cách. Ở chế độ “hướng về phía trước” (forward-based mode), nó có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 3.000 km (1.865 dặm); ở chế độ “đầu cuối”, nó có thể hướng lên trên để theo dõi các mục tiêu khi chúng lao xuống.

Israel nằm cách kẻ thù lớn nhất của họ là Iran khoảng 1.700 km (1.100 dặm), vì vậy bất kỳ tên lửa nào được phóng đi từ Iran đều nằm trong tầm phủ sóng của hệ thống radar AN/TPY-2 của THAAD.

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất của Mỹ có thể đánh chặn cả mục tiêu trong và ngoài bầu khí quyển. Nó bao phủ một khu vực phòng thủ lớn hơn đáng kể so với hệ thống Patriot.

Cau tao dan.png
Cấu tạo đạn tên lửa của hệ thống THAAD (Ảnh: Wiki).

Tên lửa của hệ thống THAAD dài 6,17 mét, đường kính tối đa 0,37 mét, trọng lượng phóng 900 kg và tốc độ tối đa 2.500 mét/giây, bao gồm thiết bị tăng áp, thiết bị đánh chặn và tấm chắn. Giai đoạn cuối sử dụng dẫn đường hình ảnh hồng ngoại, có thể xác định, khóa và va chạm trực tiếp để tiêu diệt đầu đạn tên lửa đạn đạo.

Thông qua một loạt các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và quản lý chiến đấu, hệ thống THAAD có thể kết nối liên lạc với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Mỹ, bao gồm các hệ thống Aegis thường thấy trên các tàu Hải quân Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được sử dụng để đánh chặn các tên lửa tầm ngắn.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (Congressional Research Service), quân đội Mỹ có 7 hệ thống THAAD, mỗi hệ thống bao gồm 6 bệ phóng gắn trên xe với 8 tên lửa đánh chặn trên mỗi bệ phóng. Nó cũng có một hệ thống radar mạnh mẽ cùng một hệ thống điều khiển hỏa lực và các bộ phận liên lạc.

Mỹ có các hệ thống phòng thủ tên lửa khác số lượng nhiều hơn hệ thống THAAD, nhưng họ quyết định cung cấp THAAD cho Tel Aviv, điều này cho thấy mức độ coi trọng của chính quyền Joe Biden đối với việc đảm bảo an ninh cho Israel.

Thêm một lớp phòng thủ cho Israel

Hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Israel bao gồm ba lớp chủ yếu, đó là hệ thống “Iron Dome” (Vòm sắt), hệ thống “David’s Sling” và hệ thống “Arrow”. Những hệ thống này đóng vai trò to lớn trong việc phòng thủ của Israel trước các cuộc tấn công tên lửa của Hamas, Hezbollah và Iran.

Cùng với những thách thức an ninh mà Israel phải đối mặt ngày càng gia tăng, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 13/10 tuyên bố rằng họ sẽ triển khai hệ thống THAAD tới Israel để tăng cường hệ thống phòng không tổng hợp của Israel.

Phong dan.jpg
Hệ thống THAAD phóng tên lửa (Ảnh: Wiki).

Một hệ thống THAAD thường cần khoảng 95 binh sĩ để vận hành. Tờ Wall Street Journal cho rằng, việc triển khai hệ thống THAAD ở Israel đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ gửi lính mặt đất tới Israel, đánh dấu một bước đi quan trọng khác của Mỹ trong việc trực tiếp bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công của đối thủ. Lầu Năm Góc sẽ đưa lính Mỹ tới Israel để vận hành hệ thống này.

Ông Cedric Leighton, chuyên gia phân tích quân sự của CNN, cựu đại tá Không quân Mỹ, cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Israel có ý nghĩa rất lớn và có thể có tác dụng “đe dọa hiệu quả các cuộc tấn công của kẻ địch”.

Ông Leighton cho biết, một khi THAAD được triển khai, nó sẽ thực sự bổ sung thêm một lớp phòng thủ khác cho các hệ thống phòng không và phòng ngự tên lửa hiện có của Israel.

Ở những nơi khác, việc triển khai THAAD luôn được các đối thủ của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, theo dõi chặt chẽ. Việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết Trung Quốc lo ngại rằng hệ thống radar mạnh mẽ của THAAD có thể được sử dụng để giám sát các hoạt động của Trung Quốc.

Mỹ cũng đã triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD ở đảo Guam để bảo vệ các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trên các đảo Thái Bình Dương khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo có thể có của Trung Quốc và Triều Tiên.

Tờ New York Times ngày 13/10 đưa tin dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói sẽ mất ít nhất một tuần để triển khai hệ thống THAAD và các nhân sự cần thiết liên quan tới Israel.

Harrison Mann, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), cho rằng một khi hệ thống THAAD được triển khai, Israel sẽ tấn công các mục tiêu nhạy cảm của Iran mà không cần lo lắng gì.

Theo Xinhua, DJY