2 vị cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc bấy giờ đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ để đạt được một lệnh ngừng bắn mà chỉ vài giờ trước đó ông Trump còn nói là không phải trách nhiệm của nước Mỹ. Suốt vài ngày qua, Nhà Trắng đã đối diện với làn sóng phẫn nộ đến từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa vì quyết định rút binh sĩ khỏi Đông Bắc Syria. Họ đều cáo buộc ông Trump “phản bội” đồng minh.
Rất nhiều quan chức chính quyền cho rằng họ không có kỳ vọng gì nhiều vào kết quả cuộc đàm phán, một số thậm chí còn nói họ không hiểu tại sao phái đoàn của Mỹ lại được cử tới thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy nên khi Phó Tổng thống Mỹ xuất hiện sau các cuộc họp và đàm phán kéo dài 9 giờ đồng để tuyên bố đạt được lệnh ngừng bắn, nhiều người còn tỏ rõ sự hoài nghi.
“Ngày hôm nay, chúng tôi đã thỏa thuận về lệnh ngừng bắn ở Syria” – Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố trong cuộc họp báo diễn ra lúc nửa đêm ngày 17/10, trong lúc Ngoại trưởng Mike Pompeo đứng bên cạnh.
Ông Pence nói rằng sẽ có một khoảng dừng 5 ngày đối với các chiến dịch quân sự ở Syria, trong thời gian đó Mỹ sẽ rút lực lượng binh sĩ thuộc tổ chức YPG mà người Kurd dẫn đầu khỏi các khu vực chịu ảnh hưởng trong “vùng an toàn” mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Ông Pence nói rằng ông đã cử tới Ankara để “ngăn chặn tình trạng bạo lực”, và ông đã đạt được mục tiêu đó.
Nhưng khi chi tiết của thỏa thuận được công bố, nhiều câu hỏi mới lại dấy lên về việc Mỹ có thực sự thắng lợi trong các vòng đàm phán? Ngay sau bài phát biểu của ông Pence, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng phái đoàn hai nước không hề đạt thỏa thuận ngừng bắn, mà chỉ là một khoảng thời gian tạm ngừng chiến dịch. Một quan chức cấp cao của chính quyền Ankara sau đó lại cố gắng sửa chữa mâu thuẫn trong các phát ngôn mà hai bên đưa ra, tuyên bố rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với cụm từ “ngừng bắn” không có nghĩa rằng hai bên không chấp nhận ngừng bắn.
Thỏa thuận “ngừng bắn”
Phó Tổng thống Mik Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Politico)
|
Rất nhiều người nghi ngờ việc Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đưa ra một cam kết.
“Thỏa thuận này không khác gì việc Mỹ hợp thức hóa hành động mà Thổ Nhĩ Kỳ đã làm và cho phép họ sáp nhập một phần của Syria, cùng lúc xua đuổi cộng đồng người Kurd” – một quan chức hiểu biết về chiến dịch ở Syria nói với CNN – “Đây chính là thứ mà Ankara mong muốn và thứ mà Tổng thống Mỹ đã bật đèn xanh cho họ làm. Tôi nghĩ người Thổ chấp nhận thỏa thuận này một phần là bởi người Kurd đã tăng cường lực lượng phản kháng nên Ankara không thể tiến sâu hơn về phía Nam. Nếu chúng ta không áp đặt lệnh trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắng lớn”.
Ít lâu sau cuộc họp báo của ông Pence, các cố vấn của ông Trump công bố hình ảnh một tập tài liệu có tiêu đề: “Tuyên bố chung Mỹ - Thổ về vấn đề Đông Bắc Syria”.
Tài liệu này không hề sử dụng cụm từ “lệnh ngừng bắn” mà phần lớn chỉ nhắc tới những yêu sách của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Robert O’Brien, đã tới Ankara trước đó một ngày cùng với đặc phái viên Mỹ về vấn đề Syria. Hai quan chức này đã bỏ ra nhiều giờ để soạn thảo dự thảo thỏa thuận với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó tham gia vào cú điện đàm 4 bên với ông Pence và ông Pompeo ngay trong sáng hôm sau để cân nhắc về dự thảo. Các điều khoản trong dự thảo được hoàn tất trong hôm 17/10.
Nhưng các đòn trừng phạt bổ sung cũng được Mỹ đem ra cân nhắc. Trong những ngày qua, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ hủy diệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu như họ có bước đi sai lầm, và trong bức thư mà ông Trump gửi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông cũng cảnh báo rằng “Đừng cố làm người cứng rắn, đừng làm kẻ ngốc!”.
Nội dung bức thư này không ai dám đề cập tới trong suốt 9 giờ đồng hồ đàm phán ở Ankara. Để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch tấn công, ông Pence nói rằng ông Trump đã đồng ý không áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với họ. Ông cũng cam kết rằng ngay khi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn có hiệu lực, Mỹ sẽ gỡ bỏ hết các đòn trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Lệnh ngừng bắn sẽ tồn tại trong bao lâu cũng là điểm mấu chốt của các vòng đàm phán này. Ông Pence và ông Erdogan đã bỏ ra phần lớn thời gian đàm phán để bàn về điều đó. Cuối cùng, hai bên đưa ra quyết định sẽ ngừng bắn trong 120 giờ đồng hồ - khoảng thời gian mà phía Mỹ cho là lý tưởng để các chiến binh người Kurd rút hết khỏi khu vực bị ảnh hưởng và tránh được khả năng bị tàn sát.
Giới chức Mỹ đã liên tục giữ liên lạc với các thành viên của YPG trong suốt quá trình đàm phán hôm thứ Năm vừa qua, để tham vấn về các vấn đề hậu cần như YPG sẽ lui quân về đâu và yêu cầu họ ngừng nã pháo tầm xa vào phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặt đối mặt
Sau cuộc họp kín, ông Pence và Erdogan không trả lời câu hỏi nào của báo giới (Ảnh: The National)
|
Cuộc họp đầu tiên giữa ông Pence và ông Erdogan ban đầu được dự đoán là diễn ra chỉ trong vòng có 10 phút. Trước vòng họp này, ông Pence tỏ ra khá căng thẳng, bởi theo như lời kể của một cố vấn đi kèm: “Ông ấy hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc họp này”.
Môi bên tham gia cuộc họp thường mang theo một phiên dịch viên, nhưng thay vì mang theo bất cứ một phiên dịch viên nào vượt 7.000 dặm tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông Pence bước vào phòng cùng với đặc phái viên Mỹ về vấn đề Syria, Jim Jeffrey. Ông Jeffrey từng là cựu Đại sứ ở Thổ Nhĩ Kỳ và một quan chức cho rằng ông Pence lựa chọn nhân vật này thay cho phiên dịch viên là bởi ông Erdogan đi cùng cố vấn an ninh quốc gia của ông, người rất thông thạo tiếng Anh.
Cuộc họp này từ chỗ được dự đoán chỉ diễn ra trong 10 phút đã kéo dài tới tận 80 phút, bởi ông Pence ra sức thuyết phục giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, Phó Tổng thống Pence đã nhận thấy một khoảnh khắc quyết định trong cuộc họp này, khi mà ông Erdogan gặng hỏi rằng phải mất bao lâu để di chuyển YPG ra khỏi vùng chiến sự. Đối với ông Pence, đây chính là tín hiệu cho thấy Ankara cởi mở với một lệnh ngừng bắn.
Cuộc họp này được tổ chức tránh xa khỏi tầm mắt của báo giới. Trong lúc vòng đàm phán kéo dài suốt nhiều giờ liền, các phóng viên đi cùng đoàn ông Pence và ông Pompeo được mời vào một căn phòng bên trong phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để… ngồi uống trà và cà phê.
Sau khi cuộc họp kết thúc, các phóng viên lao nhanh lên căn phòng lớn nơi mà ông Pence, Erdogan cùng nhiều quan chức phái đoàn hai nước đang ngồi xung quanh một chiếc bàn gỗ. Họ liên tục đưa ra các câu hỏi, nhưng không có ai đưa ra câu trả lời.
Trong cuộc họp kín thứ hai giữa phái đoàn hai nước, có một khoảnh khắc mà ông Pence phải ngập ngừng. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra con số binh sĩ nước họ bị thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Phó Tổng thống Pence tỏ ra đồng cảm và kể rằng con trai ông, Michael Pence, cũng từng phục vụ trong quân ngũ, đồng thời bày tỏ sự thương tiếc tới những công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và cả gia đình họ.
Nhưng không ai rõ, liệu có ai để tâm tới con số người Kurd thiệt mạng trong cuộc họp đó hay không.
Phản ứng từ giới lập pháp Cộng hòa
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham từng chỉ trích kịch liệt quyết định rút quân của ông Trump (Ảnh: Getty)
|
Một trong số những người chỉ trích thậm tệ nhất quyết định rút binh của Tổng thống Trump khỏi miền Bắc Syria lại chính là đồng minh thân cận nhất của ông. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cáo buộc ông Trump đẩy an ninh quốc gia vào chỗ rủi ro và nói rằng tay ông Trump sẽ “nhuốm máu” nếu như phiến quân IS trỗi dậy.
Sau khi Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố lệnh ngừng bắn, ông Graham cũng thể hiện chút ít hy vọng nhưng nói rằng ông vẫn không nắm được chi tiết thỏa thuận này. Vị thượng nghị sĩ nói rằng ông sẽ tiếp tục tìm kiếm người ủng hộ mình trong việc thúc đẩy dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, gây sức ép với người Thổ cho đến khi họ ký một thỏa thuận cuối cùng.
Một số thành viên đảng Cộng hòa khác từng chỉ trích ông Trump giờ cũng không quá tin vào thỏa thuận ngừng bắn này.
“Tôi hy vọng rằng thỏa thuận sẽ được tôn trọng, nhưng nằm ở trung tâm của vấn đề vẫn là một câu hỏi rằng tại sao những điều khoản và sự đảm bảo đó không được đàm phán từ trước khi Tổng thống ra quyết định rút quân?” – Thượng nghị sĩ Mitt Romney nói.
Trong lúc đang trên chuyến bay trở lại Washington, Phó Tổng thống Pence đã gọi điện cho một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ và Cộng hòa để thông báo về diễn biến các cuộc đàm phán. Một quan chức nói rằng có khả năng ông Pence đã gọi điện cho các vị Chủ tịch của các Ủy ban hữu quan trong Quốc hội.
Theo CNN
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu