Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 15/12, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết hôm thứ Ba (14) rằng, có tổng cộng 1.379 người trưởng thành chưa tiêm phòng COVID-19 đã tham gia cuộc thử nghiệm. Những người này được chia thành hai nhóm: một nhóm dùng giả dược và nhóm kia dùng thuốc viên Paxlovid. Sau quá trình nghiên cứu theo dõi kéo dài 1 tháng, chỉ có 5 người dùng Paxlovid phải nhập viện và không có ai tử vong. Ngược lại, 44 người trong số những người được dùng giả dược đã phải nhập viện và 9 người trong số họ đã chết.
Kết quả cho thấy rằng những người lớn có nguy cơ cao được thử nghiệm dùng Paxlovid sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh đã giảm tỷ lệ nhập viện 89% sau 3 ngày đầu uống thuốc và 88% trong 5 ngày. Phương án điều trị khi dùng thuốc Paxlovid là uống 30 lần trong 5 ngày.
Biến thể Omicron hiện đã lan ra 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Ảnh: Getty). |
Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer, nói rằng thử nghiệm nói trên đã khẳng định thêm rằng thuốc uống chống coronavirus của Pfizer có thể cứu sống nhiều người hơn nếu được cho phép hoặc phê duyệt; ngoài ra, Paxlovid cũng có hiệu quả đối với biến thể Omicron. Ông tin rằng thuốc uống Paxlovid có thể là công cụ then chốt để dập tắt đại dịch.
Mikael Dolsten, Giám đốc khoa học của Pfizer, nói rằng ông hy vọng Paxlovid sẽ sớm được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và các cơ quan quản lý khác cho phép sử dụng cho các nhóm người có nguy cơ cao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó nói rằng ông cảm thấy đã được cổ vũ bởi những dữ liệu mới nhất mà Pfizer công bố, đồng thời cung cấp một công cụ mạnh mẽ khác cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Ông nói tiếp, chỉ cần được các ngành liên quan xác nhận rằng thuốc uống có thể được đưa vào sử dụng, chính phủ cũng đã đặt hàng đủ số lượng để cung cấp điều trị cho 10 triệu người.
Liên quan đến đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm Thứ Ba 14/12 đã tổ chức một cuộc họp báo thường kỳ về dịch bệnh tại Geneva, Thụy Sĩ. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom thông báo trên thế giới đã có 77 quốc gia và khu vực xuất hiện các ca lây nhiễm biến chủng mới Omicron Ông nói tiếp, tốc độ lây truyền của Omicron nhanh chưa từng thấy trong các chủng virus đột biến trước đây; người ta cũng dự đoán rằng dịch bệnh sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vài tuần tới.
Ông Tedros Adhanom cảnh báo tại cuộc họp báo rằng Omicron đã thực sự xuất hiện ở đại đa số các quốc gia và khu vực, chỉ có điều nó vẫn chưa được y tế địa phương phát hiện. Ông tiếp tục rằng thế giới bên ngoài ban đầu đánh giá thấp tác hại của Omicron; cho dù người nhiễm biến chủng virus này có các triệu chứng nhẹ, nhưng nếu gây ra một số lượng lớn các ca bệnh nó vẫn sẽ khiến hệ thống y tế ở nhiều nơi quá tải.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom: nếu chỉ dựa vào vaccine thì không thể đối phó với Omicron được...(Ảnh: Đông Phương). |
Theo ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành các chương trình y tế khẩn cấp của WHO, biến chủng Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh và đã gây ra một số lượng lớn ca bệnh ở nhiều quốc gia và khu vực. Dự kiến trong vài tuần tới dịch bệnh sẽ đạt đến đỉnh điểm. Ngoài ra, WHO hiện đang thu thập các bằng chứng thực nghiệm có liên quan để tìm hiểu hiệu quả của vaccine chống lại chủng Omicron.
Ông Tedros Adhanom cho biết hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia. Hiện có 41 quốc gia và khu vực đã chưa tiêm được vaccine cho 10% dân số và 98 quốc gia và khu vực tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 40%. Ông kêu gọi chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vaccine, nếu không dịch bệnh sẽ vẫn tiếp diễn. Hiện nay, nếu chỉ dựa vào vaccine thì không thể đối phó với Omicron được. Ông kêu gọi dân chúng đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác.
Căn cứ theo dữ liệu thử nghiệm hiện nay, biến chủng Omicron đã làm giảm đáng kể khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer/BioNTech và AstraZeneca, nhưng tiêm vaccine vẫn có thể ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng. Pfizer chỉ ra rằng việc tiêm mũi tăng cường (thứ 3) có thể chống lại sự xâm nhập của biến thể Omicron một cách đáng kể.