Hàng ngàn người di cư xông vào đường hầm nối Pháp - Anh

Khoảng 800-1.000 người di cư đã liều lĩnh xông vào đường hầm eo biển Manche (Channel Tunnel) nối liền Anh và Pháp để hi vọng sang được đất nước ở đầu bên kia của đường hầm.
Cảnh sát Pháp dùng hơi cay giải tán đám đông những người di cư cố vào đường hầm để qua Anh - Ảnh: AFP
Cảnh sát Pháp dùng hơi cay giải tán đám đông những người di cư cố vào đường hầm để qua Anh - Ảnh: AFP

Các quan chức tại thành phố cảng Calais của Pháp ngày 17-12 cho biết khoảng 800-1.000 người di cư đã liều lĩnh xông vào đường hầm eo biển Manche (Channel Tunnel) nối liền Anh và Pháp để hi vọng sang được đất nước ở đầu bên kia của đường hầm.

Một quan chức địa phương cho biết rằng "chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của 800-1.000 người di cư" gần đường hầm trong khi một nguồn tin cảnh sát nói với AFP rằng số lượng người tìm đường qua đường hầm trong ngày hôm qua là "chưa từng có".

"Khi họ tiếp cận đường hầm, nhiều người di cư cố gắng chặn dòng xe đang lưu thông để họ có thể leo vào trong các xe tải" - một nguồn tin nói với AFP.

Phóng viên hiện trường của AFP cũng nhìn thấy nhiều người leo lên nóc các xe tải đang hướng về Anh.

"Lực lượng an ninh đã được triển khai. Nhiều đồ vật ném về phía họ và họ buộc phải dùng đến hơi cay" - cảnh sát thông báo.

Hiện có khoảng 4.500 người tị nạn chiến tranh và trốn chạy khỏi cảnh đói nghèo ở các quốc gia châu Á, Trung Đông và châu Phi đang sống bất hợp pháp trong khu tị nạn tự lập được gọi là "Jungle" ở Calais.

Đầu tháng này một cậu bé 16 tuổi người Sudan đã bị một xe tải tông trúng trên một đường cao tốc gần đường hầm và trở thành nạn nhân thứ 18 thiệt mạng khi cố gắng đến Anh thông qua Calais kể từ tháng 6 năm nay.

Cảnh sát Pháp đụng độ người di cư gần đường hầm Channel Tunnel - Ảnh: AFP
Cảnh sát Pháp đụng độ người di cư gần đường hầm Channel Tunnel - Ảnh: AFP

Cùng ngày, các lãnh đạo EU cũng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cuối năm nhằm thúc giục các quốc gia thành viên dẹp bỏ mọi bất đồng trong cuộc khủng hoảng di cư và nối lại sự kiểm soát an ninh tại biên giới của 28 nước thành viên.

Đối mặt với dòng thác gần 1 triệu di cư và tị nạn trong năm nay, các quốc gia châu Âu vẫn đang vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất châu lục này kể từ Thế chiến II.

Đức dẫn đầu các cuộc kêu gọi các thành viên châu Âu tiếp nhận người di cư và chia sẻ gánh nặng thêm nữa. Tuy nhiên các quốc gia Đông Âu lại rất miễn cưỡng trong việc tiếp nhận người di cư khi đối mặt với làn sóng chống người nhập cư trong nước.

Theo Tuổi trẻ