Hàn Quốc thành công đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa phát triển nội địa Nuri

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Yonhap News ngày 25/5 cho biết, tên lửa không gian Nuri, được thiết kế và chế tạo trong nước của Hàn Quốc lần đầu tiên vận chuyển thành công tổ hợp các vệ tinh cấp thương mại lên quỹ đạo.

Bộ trưởng Khoa học Hàn Quốc trong một tuyên bố với giới truyền thông cho biết, thành công này đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực tham gia vào cuộc chạy đua thăm dò, khai thác không gian vũ trụ với các nước láng giềng châu Á và thế giới.

Hàn Quốc phóng tên lửa không gian Nuri. Video Reuters

“Sau kết quả của lần phóng Nuri thứ hai năm 2022 và thành công lần phóng thứ 3 ngày hôm nay, chúng tôi chính thức xác nhận hiệu suất bay của tên lửa vận tải Nuri, không chỉ xác nhận độ tin cậy của Nuri mà còn khẳng định tiềm năng của Hàn Quốc trong lĩnh vực thực hiện dịch vụ phóng các vệ tinh với những chức năng khác nhau và thực hiện các hoạt động thám hiểm không gian", Bộ trưởng Khoa học Lee Jong-ho cho biết trong một cuộc họp báo ngắn.

Tổng thống Yoon Suk Yeol ca ngợi sự kiện phóng thành công tên lửa không gian Nuri, tuyên bố đây là một "kỳ tích tuyệt vời" đánh dấu việc Hàn Quốc gia nhập Nhóm Bảy cường quốc vũ trụ.

HanQuoctauvutru01.jpg
Tên lửa vũ trụ Nuri do Hàn Quốc chế tạo được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Naro ở quận Goheung, tỉnh Nam Jeolla ngày 25/5/2023. Ảnh Yonhap

Theo Bộ Khoa học, trọng tải chính của Nuri, NEXTSAT-2, vệ tinh nhỏ thế hệ thứ hai của Hàn Quốc đã đến quỹ đạo của nó, nhưng liệu một trong 7 vệ tinh siêu nhỏ trên tàu Nuri có được triển khai bình thường từ tên lửa hay không vẫn chưa rõ ràng. 6 vệ tinh khác đang đi đúng hướng.

Thành công mới nhất của Nuri đã xác minh năng lực của Hàn Quốc trong quy trình vận hành một phương tiện vận tải không gian mang các vệ tinh có tải trọng vào quỹ đạo mục tiêu, củng cố vị thế cường quốc vũ trụ kể từ tên lửa quan sát khoa học đầu tiên được phóng vào năm 1993.

Giáo sư Kwon Se-jin thuộc Khoa kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) cho biết: “Giờ đây, Hàn Quốc đã có tên lửa nội địa và có thể đưa những vệ tinh quốc gia lên quỹ đạo. Chúng tôi có thể sẽ có các khách hàng nước ngoài trong tương lai và vận chuyển vệ tinh của khách hàng lên vũ trụ tương tự như các cường quốc không gian khác như Mỹ".

Sau nhiều lần thất bại trong hơn hai thập kỷ, Hàn Quốc đã khởi động dự án Nuri, hay còn gọi là dự án Phương tiện vận tải phóng Không gian Hàn Quốc-II (KSLV-II), đầu tư gần 2 nghìn tỉ won (1,52 tỉ USD) chế tạo tên lửa ba tầng bằng công nghệ vũ trụ trong nước, từ thiết kế, chế tạo đến thử nghiệm và phóng.

Năm 2021, tên lửa đã bay thành công đến độ cao mục tiêu là 700 km nhưng không thể đưa được một vệ tinh giả vào quỹ đạo do động cơ đẩy tầng ba của tên lửa khởi động sớm hơn dự kiến.

Lần thử thứ hai năm 2022, Nuri đã hoàn thành thành công chuyến bay, triển khai một vệ tinh giả và xác minh hiệu suất trên độ cao mục tiêu 700 km theo kế hoạch.

Kỳ tích này giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới, phát triển thành công phương tiện vận tải lên không gian, có thể mang theo vệ tinh nặng hơn 1 tấn, sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Từ thành công năm 2022, Hàn Quốc tiến thêm một bước tiếp theo, Nuri được giao nhiệm vụ mang 8 vệ tinh thực với các nhiệm vụ tương ứng trong không gian trong chuyến bay thứ 3 của tên lửa vận tải Nuri.

Lee Sang-ryool, chủ tịch Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI), cho biết: “Hai lần phóng trước tập trung vào chương trình phát triển tên lửa trong nước, nhưng lần phóng thứ ba đặt mục đích rõ ràng là mang trọng tải lên quỹ đạo mục tiêu”.

HanQuoctauvutru03.jpg
Quỹ đạo bay của tên lửa vận tải Nuri. Ảnh Yonhap.

Được thiết kế và phát triển bởi KAIST, NEXTSAT-2 nặng 180 kg sẽ thử nghiệm công nghệ radar băng tần X, đo bức xạ không gian trên quỹ đạo bình minh và hoàng hôn trong hai năm tới.

4 vệ tinh siêu nhỏ do Viện Khoa học Vũ trụ và Thiên văn học Hàn Quốc phát triển, có tên mã là SNIPE, nằm bên dưới NEXTSAT-2, sẽ xác xác định những biến đổi không gian và thời gian của các cấu trúc plasma quy mô nhỏ trong tầng điện ly và từ quyển. Dữ liệu từ SNIPE sẽ được chia sẻ với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA).

3 vệ tinh còn lại là JAC của công ty kỹ thuật Hàn Quốc Justek Inc., LUMIR-T1 của công ty vũ trụ địa phương Lumir và KSAT3U của công ty khởi nghiệp Kairospace.

Hàn Quốc tiếp tục kế hoạch tiến hành 3 vụ phóng tên lửa Nuri vào năm 2027 trong khuôn khổ nâng cao hơn nữa những ứng dụng thực tế thương mại của chương trình tên lửa vũ trụ quốc gia.

Đối với dự án nâng cấp chương trình khai thác không gian vũ trụ, Hanwha Aerospace, đơn vị kinh doanh hàng không vũ trụ của tập đoàn hóa chất-tài chính Hanwha Group sẽ dẫn đầu sứ mệnh cùng với KARI trong kế hoạch dài hạn của chính phủ Hàn Quốc nhằm chuyển giao một phần công nghệ vũ trụ cho khu vực tư nhân.

Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu khởi động một dự án không gian riêng biệt mang tên là KSLV-III, phát triển tên lửa thế hệ tiếp theo với tổng giá trị đầu tư 2,1 nghìn tỉ won (1,6 tỉ USD) trong 10 năm tới. Dự án nhằm mục đích phát triển một tên lửa hai tầng sử dụng công nghệ đốt cháy nhiều tầng nhiên liệu, đưa tàu đổ bộ Mặt Trăng do Hàn Quốc sản xuất lên vệ tinh của Trái Đất vào năm 2032.

Sau thành công năm 2022, Hàn Quốc đã công bố lộ trình cho một "nền kinh tế vũ trụ trong tương lai, đưa quốc gia trở thành một cường quốc "kinh tế vũ trụ".

Trong khuôn khổ của kế hoạch này, chính phủ sẽ thành lập một cơ quan hàng không vũ trụ tương tự như NASA, chịu trách nhiệm hoàn toàn về những chương trình vũ trụ và nghiên cứu không gian do nhà nước lãnh đạo.Tổ chức mới dự kiến ​​​​sẽ được thành lập và ra mắt vào cuối năm 2023.

Theo Yonhap