Hàn Quốc-Nhật Bản: Rạn nứt nhưng khó tan vỡ

VietTimes -- Trong bối cảnh căng thẳng giữa Tokyo và Seoul gia tăng trong những tháng gần đây, người dân xứ Hàn đã thể hiện rõ sự phẫn nộ của mình: Bia Nhật ế ẩm, người tiêu dùng tẩy chay nhãn hiệu Uniqlo, bộ phim hoạt hình Nhật có tên "Butt Detective" công chiếu ở Hàn Quốc bị người xem quay lưng...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Getty)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Getty)

Như kế hoạch, trong hôm thứ Tư tuần này, Nhật Bản đã chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi một "danh sách trắng" gồm các quốc gia được ưu tiên trong lĩnh vực thương mại.

Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn những quy định mới và sự tẩy chay của người tiêu dùng mới có thể khiến 2 đồng minh của Mỹ rời bỏ nhau, ít nhất là khi nói về vấn đề thương mại. Hai quốc gia này vốn đã quấn chặt lấy nhau suốt nhiều thập kỷ qua nhờ vào mối quan hệ thương mại giờ có tổng giá trị lên tới 85 tỷ USD mỗi năm. Nhật Bản còn là nhà cung cấp chính các nguyên liệu thô và trang thiết bị quan trọng cho ngành chế tạo máy móc công nghệ cao của Hàn Quốc.

Trừ khi mối liên kết đó thay đổi - có thể mất rất nhiều năm - thì hai nước vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải gắn chặt với nhau. Mọi nỗ lực nhằm phá vỡ quan hệ thương mại đó "đều là thảm họa" - Rory Green, chuyên gia kinh tế chuyên về Hàn Quốc và Trung Quốc tại hãng phân tích TS Lombard, trụ sở ở London (Anh), nhận định.

"Đó là điều mà họ phải biết rằng sẽ phải mất rất nhiều năm để thực hiện, dần dần từ bỏ các chuỗi cung ứng vốn đã gắn chặt với nhau" - ông Green nhận định - "Và đó là một tiến trình sẽ diễn ra một cách đau đớn".

Ví dụ, một công ty có tên Sejin Tech ở Hàn Quốc chuyên lắp ráp các loại máy móc phức tạp để đóng gói thực phẩm từ hơn 1.300 bộ phận khác nhau. Nhiều bộ phận được sản xuất tại Hàn Quốc, nhưng phần còn lại chỉ có thể được nhập từ các công ty Nhật Bản.

Các động thái mới đây của Nhật Bản "đã làm chúng tôi tỉnh giấc và tạo nên động lực để chúng tôi, các công ty Hàn Quốc, nhận ra rằng chúng tôi đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ công nghiệp của Nhật Bản" - Lee Gahp-hyun, Giám đốc điều hành của Sejin Tech, nói.

"Có lẽ, các nhà sản xuất Hàn Quốc, trong đó có cả công ty của tôi, nên nỗ lực hơn để tự chế tạo ra các sản phẩm thay thế cho thiết bị nhập khẩu từ Nhật" - ông Lee nói thêm - "Nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, không được chuẩn bị cho các tình huống như bất đồng chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản".

Quan hệ Nhật-Hàn thậm chí còn có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài khu vực châu Á. Giới chức Mỹ cần Nhật Bản và Hàn Quốc hòa thuận để đối phó với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Tuần trước, Hàn Quốc nói rằng họ sẽ hủy một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản, bất chấp chính quyền Trump ra sức can ngăn.

Giới doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt lo ngại về quy định thủ tục nhập khẩu mà Nhật Bản mới áp đặt (Ảnh: Getty)
Giới doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt lo ngại về quy định thủ tục nhập khẩu mà Nhật Bản mới áp đặt (Ảnh: Getty)

Nhiều người ở Hàn Quốc bắt đầu đánh giá xem họ đang phụ thuộc như thế nào vào Nhật Bản.

Nhưng sự nhận thức đó bắt đầu chìm dần vào tháng trước, khi mà Nhật tuyên bố sẽ thắt chặt hoạt động xuất khẩu 3 loại hóa chất quan trọng trong chế tạo chip máy tính và màn hình TV sang Hàn Quốc. Phía Nhật chỉ ra quan ngại của mình về việc các hãng nhập khẩu Hàn Quốc đã chuyển các sản phẩm này cho các bên không được phép, có khả năng sử dụng vì mục đích quân sự, tuy nhiên không đưa ra bằng chứng.

Seoul coi động thái này như mòn đòn tấn công, mà động cơ là từ bất đồng giữa hai nước liên quan tới thời kỳ Đế quốc Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên trước và trong Thế chiến II. Một trong số 3 loại hóa chất trên - Photoresist - đóng vai trò tối quan trọng trong việc chế tạo các sản phẩm hàng đầu của Samsung Electronics, nhà sản xuất chip và thiết bị điện tử hàng đầu của Hàn Quốc, cùng nhiều công ty khác. Nhật Bản đóng góp tới 90% tổng nguồn cung các hóa chất này trên toàn thế giới. Giờ đây, việc cấp phép nhập khẩu các hóa chất trên phải mất tới 3 tháng, điều này làm dấy lên lo ngại về tầm ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Seoul "hiểu rằng nếu hàng nhập khẩu từ Nhật Bản bị chặn, họ sẽ không thể chế tạo được các bộ bán dẫn" - Yuichi Takayasu, Giá sư chuyên ngành kinh tế tại ĐH Daito Bunka, nhật Bản, nhận định - "Chỉ riêng việc nhằm vào gót chân Achilles này cũng đã là một mối đe dọa lớn đối với Hàn Quốc".

Việc loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng của Nhật Bản cũng nhằm gửi đi một thông điệp hơn là cố ý gây tổn hại kinh tế, theo ông Takayasu. "Nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Hàn Quốc rất ghé bị hạ thấp" - vị Giáo sư nói thêm.

Quy định mới mà Tokyo đưa ra bao phủ gần như tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc chứ không chỉ có thực phẩm, hàng may mặc hay đồ gỗ. Nó nhằm vào một danh sách gồm hơn 1.000 sản phẩm và công nghệ có khả năng được sử dụng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Danh sách này bao gồm các loại hóa chất có thể sử dụng để chế ra độc chất thần kinh hay làm giàu uranium, cùng một loạt các sản phẩm quan trọng với ngành công nghệ Hàn Quốc - từ những công cụ máy móc cho tới sợi carbon - một số trong số này rất khó, nếu không muốn nói là không thể, tìm được nguồn từ các nước khác.

Chính phủ Nhật Bản đã nhấn mạnh rằng họ chỉ sử vận tới uy lực của mình nhằm đảo bảo rằng hàng xuất khẩu của họ không đến nhầm người mà được sử dụng đúng mục đích.

Với phần lớn người tiêu dùng, ảnh hưởng của quyết định trên "sẽ chỉ ở mức độ là tăng thêm chút thủ tục" - Makoto Abe, chuyên gia phân tích thuộc Tổ chức Thương mại nước ngoài Nhật Bản, nói.

Người dân Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản (Ảnh: NYTimes)
Người dân Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản (Ảnh: NYTimes)

Động thái mà Nhật Bản vừa tung ra không khiến giới doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại bằng các hạn chế mà Tokyo đưa ra hồi tháng 7 năm nay - Sanjeev Rana, chuyên gia phân tích công nghệ Hàn Quốc tại công ty môi giới CLSA trụ sở tại Hong Kong, nhận định. Tuy nhiên, khi việc loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng được công bố, nhiều công ty xứ Hàn đã bắt đầu tích trữ các loại hàng hóa thiết yếu.

Một số người tiêu dùng Hàn Quốc đáp trả bằng cách tẩy chay hàng hóa Nhật, đồng thời thiết lập nhiều website chỉ dẫn các sản phẩm thay thế hàng Nhật. Họ nói rằng họ sẽ không ngừng việc làm này.

"Người dân ở mọi độ tuổi đang tham gia vào chiến dịch tẩy chay này" - Sep Kyoung-duk, Giáo sư tại ĐH Sungshin ở Seoul, nói - "Tôi nghĩ rằng, làn sóng này sẽ được ghi vào sách giáo khoa".

Hồi đầu tháng này, Hàn Quốc đã ra phản ứng trước Nhật Bản, tuyên bố rằng họ sẽ loại Nhật khỏi danh sách trắng của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, động thái này chỉ càng khiến người ta thấy rõ sự không cân xứng trong mối quan hệ thương mại hai nước - Lee Cheol-woo, Giám đốc tiếp thị của AMS, một công ty nhỏ ở thành phố Busan của Hàn Quốc, nói. Rất nhiều hàng hóa mà Nhật Bản nhập từ Hàn Quốc có thể dễ dàng tìm nguồn thay thế, ông Lee nói, và công ty của ông đã bắt đầu mất dần khách hàng.

Nhiều khách hàng bắt đầu hỏi ông tại sao người mua Nhật "muốn nhập khẩu từ Hàn Quóc sau khi các lệnh giới hạn mới có hiệu lực" - ông Lee nói - "Khách hàng Nhật có thể thay thế các sản phẩm nhập từ Hàn bằng hàng hóa nhập từ Đài Loan".

Ở trong thời điểm hiện tại, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không mong muốn gánh chịu quá nhiều tổn thất kinh tế. Xuất khẩu của Nhật Bản trên toàn cầu hiện đang suy giảm từ tháng 12 năm ngoái do lượng cầu giảm. Doanh số bán hàng của Hàn Quốc ở nước ngoài cũng giảm mạnh khi mà thị trường smartphone trở nên ảm đạm, khiến nguồn chip của nước này nằm im trong các kho chứa.

Nhiều công ty Hàn Quốc lo sợ về khả năng bị cắt khỏi nguồn cung ứng. Trong khi các công ty lớn vốn giàu kinh nghiệm và nguồn lực để giảm thiểu tác động, các công ty nhỏ hơn thậm chí còn không nắm được các sản phẩm nào sẽ chịu ảnh hưởng.

Dữ liệu mà Bộ Kinh tế Nhật Bản công bố cho thấy trong khoảng thời gian 2007-2011, hơn 96% "hàng xuất khẩu trái phép" là kết quả từ sự thiếu hiểu biết hoặc không tuân thủ quy định. Dưới 4% là do cố ý vi phạm.

Các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội thương mại và phòng thương mại ở Hàn Quốc đang ra sức tư vấn cho các công ty về cách ứng phó với các quy định ngặt nghèo mới, trong đó bao gồm việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho Nhật Bản và tự sản xuất các thiết bị ở trong nước.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản vẫn duy trì hoạt động mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Tại Gumi, một thành phố công nghiệp cách thủ đô Seoul khoảng 150 dặm, một công ty Nhật có tên Toray đã xây dựng nhiều nhà máy chuyên cung cấp nguyên liệu sản xuất pin lithium.

"Hàn Quốc và Nhật Bản luôn gắn chặt vào nhau" - Shim Hyu-jeong, chuyên gia nghiên cứu kinh tế thuộc Phòng Thương mại thành phố Gumi, nói - "Chúng tôi không thể tưởng tượng được viễn cảnh Khu công nghiệp Gumi thiếu vắng các công ty Nhật".