Nếu không sửa theo thời hạn quy định thì không được thu phí.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Ninh Bình được đưa vào khai thác từ tháng 9/2013, tỷ lệ hư hỏng khi chưa khắc phục là 30,4% còn đoạn qua địa phận TP. Thanh Hoá - Hà Tĩnh, tỷ lệ hằn lún chiếm 3,46%.
Riêng thời gian qua do thời tiết nắng nóng kéo dài ở khu vực miền Bắc và miền Trung (nhiệt độ trên mặt đường nhựa có thời điểm đo được trên 70 độ C) nên một số đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ Ninh Bình - Quảng Bình đã xuất hiện trở lại hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, có chiều dài từ 0,35 - 8,86 km. Một số đoạn tuyến như tuyến tránh Kỳ Anh có hiện tượng xô dồn cục bộ.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hư hỏng trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, chủ yếu do việc tổ chức thi công và quản lý chất lượng nội bộ của chủ đầu tư, nhà thầu chưa tốt. Phần lớn các vị trí hư hỏng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn chưa thực hiện đúng các chỉ đạo của Bộ GTVT về công tác thiết kế, thi công và kiểm soát chất lượng các lớp bê tông nhựa...
Đặc biệt, có dự án đã không tuân thủ quy định của Bộ GTVT khi chỉ tiến hành thử nghiệm, thiết kế cấp phối bê tông nhựa cho một mỏ vật liệu nhưng khi thi công đại trà lại dùng vật liệu ở nhiều mỏ cung cấp khác nhau, có thành phần hạt và tỷ lệ hạt dẹt hoàn toàn khác với loại vật liệu đã được thí nghiệm, dẫn đến chất lượng bê tông nhựa không đảm bảo ổn định.
Cùng với đó, nhà thầu tổ chức thi công lớp trên lu lèn chưa được chú trọng gây hiện tượng dồn lớp bê tông nhựa khi đưa vào khai thác. Công tác tổ chức đảm bảo giao thông và cho phép thông xe trong quá trình rải các lớp bê tông nhựa quá sớm. Công tác kiểm định, phúc tra của tư vấn kiểm định ở dự án được thực hiện từ rất sớm, thực hiện độc lập nhưng không kịp thời đưa ra các cảnh báo để điều chỉnh cho các đơn vị trong quá trình thi công…
Để khắc phục tổng thể và triệt để hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, Tổ đặc nhiệm kiến nghị trước mắt, Bộ GTVT cần yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát yếu tố đầu vào, thí nghiệm, thi công, đảm bảo giao thông sau khi rải bê tông nhựa.
Ngoài ra, Tổ đặc nhiệm cũng kiến nghị Bộ cho phép sử dụng nhựa đường Poyme để sản xuất bê tông nhựa thi công sửa chữa các vị trí hư hỏng do hằn lún.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, chủ đầu tư, nhà thầu làm hỏng thì phải tự bỏ tiền ra khắc phục. Những chỗ hằn lún sâu trên 2,5cm phải sửa chữa ngay, việc này sẽ có những đơn vị chuyên môn sâu đánh giá và giám sát. Nếu không sửa theo thời hạn quy định thì không được thu phí, chỗ nào đang thu phí sẽ cho dừng. Ngoài ra, Bộ sẽ tăng thời gian bảo hành đường lên bốn năm thay vì hai năm như trước đây
Theo TBTC