Đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong giai đoạn mới, Nhật Bản tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với các quốc gia ASEAN, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ.
Sự gia tăng sức mạnh hải dương của Trung Quốc đã thúc đẩy hình thành một liên minh đối trọng của các cường quốc hàng hải châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản cần phải có một chính sách mới, tạo ra một sự thay đổi triệt để từ giới hạn nghiêm ngặt chỉ tiến hành các hoạt động quốc phòng bảo vệ những đảo và lãnh hải của riêng mình sang chính sách thực hiện vai trò an ninh mới trong sứ mệnh hỗ trợ các nước khác trong khu vực.
Nhật Bản trong thời gian qua đã có những bước hướng tới sự thay đổi căn cốt này. Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản (JMSDF) những năm gần đây đã bắt đầu thực hiện sứ mệnh chống cướp biển trên vùng biển ngoài khơi Somalia từ tháng 3. 2009.
Hoạt động an ninh trên vùng biển xa là dấu hiệu đầu tiên cho sự thay đổi trong tư duy về nhiệm vụ then chốt của JMSDF, từ lực lượng phòng vệ địa phương vươn mình trở thành một lực lượng hải quân quốc tế.
Đánh dấu sự thấu hiểu tầm quan trọng của việc tham gia triệt để cùng lực lượng Hải quân Mỹ, hải quân các nước liên minh và đối tác khác trong sứ mệnh đảm bảo an ninh hàng hải cho các tuyến đường biển quốc tế (tuyến đường từ Vịnh Aden kết nối châu Âu và châu Á qua kênh đào Suez là một trong những tuyến đường vận chuyển có giá trị quan trọng hàng đầu thế giới).
Biển Đông, vùng nước có ý nghĩa đặc biệt với Nhật Bản, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Duy trì sự tự do hàng hải trong vùng biển này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho nền kinh tế thế giới.
Mỹ với cam kết an ninh hàng hải toàn cầu, không thể đủ mọi điều kiện để đảm bảo duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông bằng sức của mình, các quốc gia ASEAN cũng chưa có đủ tiềm lực và sự thống nhất cần thiết để gánh vác gánh nặng này. Là cường quốc châu Á, Nhật Bản phải tham gia vào để tương trợ.
Nhưng sự tham gia của một lực lượng lớn hải quân Nhật Bản trong khu vực này, có thể được nhận định như một hành vi chống lại lịch sử. Các quốc gia châu Á vẫn còn ghi nhớ, chủ nghĩa quân phiệt trước đây của Nhật Bản đã gây ra đau khổ thế nào cho các nước ASEAN.
Nhật Bản nỗ lực phục hồi lòng tin thông qua những chính sách nghiêm cẩn theo đuổi con đường hòa bình trong bảy mươi năm qua sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Nhật Bản năm 2016 là hoàn toàn khác với Nhật Bản thời kỳ trước chiến tranh.
Nhật Bản cần làm cho sự khác biệt này trở lên rõ ràng, xóa đi những hình ảnh tiêu cực kéo dài về một chủ nghĩa quân phiệt đã đi vào quá khứ trong cộng đồng quốc tế, bằng việc tham gia đóng góp một cách chủ động nhằm duy trì an ninh hàng hải trong liên minh Mỹ-Nhật Bản.
Trong các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với ASEAN, quan hệ Nhật Bản và Philippines có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì an ninh trên Biển Đông. Malina đã cho phép các chiến hạm của Nhật Bản hoạt động từ căn cứ của Philippines cùng với các đơn vị Lính thủy đánh bộ và Hải quân Mỹ.
Những hoạt động này sẽ tăng cường nỗ lực chung duy trì hòa bình và ổn định Biển Đông, hỗ trợ gia tăng sức mạnh và mở rộng vùng hoạt động của Mỹ đồng thời tăng cường khả năng giám sát, kiểm soát biển của Philippines.
JMSDF có thể thực hiện được những nhiệm vụ gì để đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trên Biển Đông? Hải quân Nhật Bản có thể tập trung vào các nhiệm vụ phi chiến đấu (NCMO) như công tác tình báo, kiểm soát, giám sát và trinh sát, cứu hộ cứu nạn, chống hải tặc và khủng bố, rà phá thủy lôi và trinh sát thủy âm chống ngầm.
Những nhiệm vụ này trong thời bình và ngay cả trong thời chiến có vai trò then chốt cho mọi hoạt động hàng hải trên vùng nước Biển Đông, hỗ trợ Philippines và các thành viên khác của ASEAN .
JMSDF là lực lượng có năng lực kỹ chiến thuật cao và đa năng, có thể thực hiện các nhiệm vụ NCMO cùng với lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ.
Những kỹ năng chiến thuật và năng lực hoạt động liên kết phối hợp đã được xây dựng và phát triển trong nhiều thập kỷ hợp tác đào tạo và đạt cấp độ cao khả năng tương tác giữa lực lượng hải quân hai nước. Thực hiện các nhiệm vụ NCMO nhằm hướng tới năm lợi ích quan trọng đối với Nhật Bản trên Biển Đông.
Thứ nhất, Nhật Bản chủ động đóng vai trò duy trì an ninh với vị thế của một đồng minh Mỹ theo chính sách "Chủ động đóng góp vì hòa bình". Vai trò này sẽ củng cố và tăng cường liên minh an ninh Mỹ - Nhật.
Thứ hai, Nhật Bản có thể thể hiện quan điểm đi tiên phong trong sứ mệnh đảm bảo an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng việc thực hiện các biện pháp duy trì an ninh hòa bình trong các nhiệm vụ NCMO.
Thứ ba, những hoạt động của Nhật Bản mang lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế thông qua các giải pháp phi quân sự duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, không cưỡng chế thay đổi hiện trạng. Những hoạt động này mang lại cho Tokyo niềm tin từ những quốc gia châu Á.
Thứ tư, những hoạt động này cũng mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Trung Quốc và Nhật Bản có cơ hội quý giá để cùng tham gia duy trì hòa bình và ổn định, vượt qua những khác biệt thông qua tham vấn quốc phòng hoặc những hoạt động trên biển theo một quy tắc nào đó dựa trên bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Nhật Bản phối hợp với Mỹ sẽ có được vai trò chủ động hơn trong vị thế trụ cột của hòa bình và an ninh khu vực.
Thứ năm, đây là lợi ích thiết thực với Nhật Bản. JMSDF có thể chứng minh về một mô hình an ninh quốc gia mới, được duy trì bằng khả năng của lực lượng hải quân hiện đại, thực hiện các nhiệm vụ NCMO với nguồn lực quốc gia có giới hạn theo đường lối chính sách hòa bình.
Trong vài năm qua, nhiều nhà chính trị bày tỏ những ý kiến quan ngại về sự phát triển của Nhật Bản từ sau chiến tranh, chỉ tập trung nghiêm ngặt trong nhiệm vụ phòng vệ địa phương.
Tình huống trên Biển Đông cung cấp một cơ hội tuyệt vời để quân đội Nhật Bản thoát ra khỏi những hạn chế, JMSDF phải đóng một vai trò chủ động và có trách nhiệm hơn trong khu vực.
Việc hiện diện trên Biển Đông thể hiện đầy đủ các tính chất đặc trưng cho thấy Nhật Bản đang là thành viên trong một Liên minh lớn với Mỹ và các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương khác, có thể là một chỗ dựa tin cậy cho các đối tác.
Nhật Bản trong tương lai sẽ có một vị thế mới, một trong những trụ cột duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, khi châu lục này đang phát triển để trở thành trung tâm nền kinh tế toàn cầu.
Xem lại bài viết trước:Tại sao Biển Đông cần sự hiện diện của hải quân Nhật Bản?
Tác giả Takuya Shimodaira thuyền trưởng của JMSDF, là sĩ quan LNO (liên lạc) Mỹ - Nhật đầu tiên và Giáo sư quân sự thỉnh tại Khoa Điều hành liên quân tại Trường Đại học chiến tranh Hải quân.
TTB