Góp ý của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về học môn Lịch sử trong chương trình GDPT mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã thiết kế theo hướng học phân hóa ở trung học phổ thông. Việc đó là đúng hướng, như Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ ra.

LTS: Việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 vẫn đang là tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết cùng độc giả.

Về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông, tôi xin góp mấy ý kiến sau đây:

Thứ nhất, việc học lịch sử, nhất là đối với lịch sử dân tộc, là quan trọng và cần thiết, để có kiến thức, xây dựng nhận thức, nhân cách và phương pháp tư duy; cần học ở các cấp phổ thông và đại học, trong trường, ngoài trường, và cả đời, với các phương thức khác nhau.

Thứ hai, đến hết lớp 9, tức là kết thúc trung học cơ sở, cần hoàn thành việc dạy và học những kiến thức và phương pháp tư duy phổ thông cơ bản đồng loạt cho tất cả học sinh đối với tất cả các thời kỳ lịch sử của dân tộc từ xa xưa đến ngày nay. Tinh thần này đã thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sang trung học phổ thông (từ lớp 10 trở lên) có việc củng cố phần đã học trước đó nhưng chủ yếu là học nâng cao, mở rộng, có phân hóa theo định hướng nghề nghiệp (phân ngành, phân ban). Tùy theo môn học, mà phân ban này học nhiều hơn, phân ban kia học ít hơn, có bắt buộc và có tự chọn, chứ không phải tất cả đều học chung một chương trình như nhau.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh:GDVN)
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh:GDVN)

Thứ ba, trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã thiết kế theo hướng học phân hóa ở trung học phổ thông. Việc đó là đúng hướng, như Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra. Đó là sự tiến bộ, cần được khẳng định, và không nên quay lại học bắt buộc đối với tất cả học sinh một chương trình đồng loạt giống nhau như trước đây.

Việc còn lại là cần lắng nghe các góp ý, cầu thị để tiếp thu, hoàn thiện chương trình, nhằm có phương án học phân hóa sao cho tốt nhất có thể. Đó cũng là định hướng xử lý tình hình tư tưởng và công việc hiện nay về môn học Lịch sử.

Thứ tư, theo ý kiến của tôi, 3 môn học rất cơ bản cần thiết cho học sinh trung học phổ thông ở tất cả các phân ban là Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Các môn này không chỉ là yêu cầu về kiến thức mà hơn nữa còn là xây dựng con người, ý thức, nhân cách và phương pháp tư duy (đó là chưa kể 2 môn công cụ là Ngoại ngữ và Tin học).

Nhưng 3 môn cơ bản này không phải học đồng loạt giống nhau một chương trình đối với tất cả học sinh, mà học nhiều hơn và ít hơn theo các phân ban gắn với định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, định hướng cho lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn thì học Ngữ văn và Lịch sử nhiều hơn, học Toán ít hơn, còn lĩnh vực Khoa học tự nhiên, kỹ thuật thì học Toán nhiều hơn và Ngữ văn, Lịch sử ít hơn.

Thứ năm, khi điều chỉnh một môn trong chương trình thì sẽ dẫn đến nhiều môn khác, kể cả lớp trên lớp dưới nữa, cũng phải điều chỉnh theo trong một tổng thể vì chúng có quan hệ với nhau về thời lượng và nội dung. Vì vậy phải có thời gian nhất định. Cần giao cho một hội đồng để nghiên cứu điều chỉnh phù hợp.

Trong khi chưa điều chỉnh kịp thì có thể sử dụng phương pháp bổ cứu tạm thời theo kiểu chương trình ngoại khóa. Vì thời gian chỉ còn vài ba tháng nữa là đến năm học mới, chưa biết có khả năng điều chỉnh kịp không mà năm học thì không thể lùi lại, làm vội không khoa học thì dễ bị rối thêm.

Theo Giáo dục Việt Nam