Giúp Philippines tấn công IS, Trung Quốc sẽ được lợi ích gì?

VietTimes -- Trung Quốc giúp Philippines tấn công phiến quân có thể ngăn chặn IS từ xa, bảo vệ "Vành đai, con đường", tăng cường ảnh hưởng chính trị ở Philippines và ASEAN, thúc đẩy xuất khẩu vũ khí ra thế giới.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina
Trang tin Sina (Trung Quốc) ngày 27/5 cho hay,  lực lượng vũ trang chống chính phủ ở Philippines có liên hệ với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ngày 23/5 đã bất ngờ tấn công chiếm thành phố Marawi trên đảo Mindanao, miền nam Philippines.
Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa đến thăm Nga. Chuyến thăm lẽ ra kéo dài đến ngày 26/5, nhưng  Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải cắt ngắn chuyến thăm, lập tức bay về nước để giải quyết vấn đề này. Đêm ngày 23/5, ông Duterte tuyên bố áp dụng lệnh thiết quân luật ở khu vực Mindanao trong vòng 60 ngày.
Trong chuyến thăm Nga, khi hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Rodrigo Duterte đã đề nghị Nga bán vũ khí cho Philippines để chống IS. Ông nói: “Nếu ngài (Putin) có thể cung cấp vũ khí cho tôi, tôi có thể lập tức trả tiền. Bởi vì, đơn đặt hàng vũ khí với Mỹ của chúng tôi đã bị hủy bỏ, nhưng chống IS cần vũ khí”.
Lực lượng vũ trang chống chính phủ phát triển mạnh ở miền nam Philippines chủ yếu là do các khu vực như đảo Mindanao của Philippines có hơn 4 triệu người Moro. Người Moro chiếm 5% dân số Philippines và theo Hồi giáo.
Trước năm 1970, khu vực này chủ yếu do người Moro quản lý, nhưng trong thập niên 1980, Philippines  thực hiện chính sách đồng hóa đối với khu vực này, trong đó áp dụng chính sách đó là di dân tín đồ Thiên Chúa giáo tới miền nam. Quyền quản lý khu vực này dần dần rơi vào tay tín đồ Thiên chúa giáo, mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng sâu sắc, xung đột vũ trang bùng phát do tranh chấp lãnh thổ. 
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina

Trước đây, Philippines là thuộc địa của Mỹ. Sau khi Mỹ rút quân vào năm 1992, Mỹ vẫn để lại lực lượng đặc nhiệm ở miền nam Philippines để hỗ trợ Phippines ngăn chặn lực lượng vũ trang chống chính phủ.

Gần đây, do chính quyền Tổng thống Philippines Duterte thực hiện chiến lược ngoại giao mới gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Mỹ, thỏa thuận mua bán vũ khí với Mỹ cũng bị hủy bỏ. Sau những sự việc này, rõ ràng, hiện nay, Quân đội Mỹ sẽ không giúp Philippines ngăn chặn lực lượng vũ trang chống chính phủ như trước đây.

Trong bối cảnh này, một số khu vực ở miền nam Philippines đã bị tấn công. Khác với trước đây, trong cuộc tấn công lần này, phiến quân đặt mục tiêu chiếm lãnh thổ, lại ra tay bất ngờ, làm cho quân chính phủ lại trở tay không kịp. Lực lượng phiến quân đã chiếm thành phố Marawi trong vài ngày, quân chính phủ đến nay chỉ giải cứu được hơn 100 con tin và chưa chiếm lại được thành phố này.

Sự kiện lần này cho thấy, lực lượng chống chính phủ ở Philippines đã mạnh hơn. Vài năm trước, nhiều tổ chức chống chính phủ như Abu Sayyaf thậm chí còn tuyên bố trung thành với IS. IS cũng khẳng định có căn cứ huấn luyện ở miền nam Philippines.

Cuộc tấn công lần này của lực lượng phiến quân ở Philippines cho thấy Mỹ đã nới lỏng việc ngăn chặn đối với các tổ chức chống chính phủ trung thành với IS ở Philippines, đã làm giảm sức ép quân sự đối với lực lượng này. Đây chính là nguyên nhân căn bản dẫn tới các tổ chức chống chính phủ phát động một cuộc tấn công quy mô lớn lần này ở Philippines.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina

Trang tin Sina Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc cần ra tay giúp đỡ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, vì 5 nguyên nhân dưới đây:

Trước hết, IS đang đẩy nhanh mở rộng địa bàn, cách Trung Quốc đã ngày càng gần. Điều này không những có thể đe dọa an ninh trong nước của Trung Quốc, mà sẽ còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Trên thực tế, vài năm gần đây, IS đã đẩy nhanh mở rộng hoạt động tới Tây Âu, Đông Á. Hoạt động của IS ở Pakistan và Afghanistan rất mạnh. Năm 2016, vài chục phần tử khủng bố xâm nhập từ Afghanistan đã tấn công ở Tân Cương, Trung Quốc. Hơn nữa, trong 1 năm qua, hoạt động của IS ở các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines ngày càng trở nên thường xuyên.

Ngoài ra, theo hãng tin Reuters Anh, có tới 5.000 phần tử khủng bố đã rời khỏi Tân Cương, Trung Quốc để đến Trung Đông tham chiến. Tháng 8/2015, các phần tử khủng bố đã đi từ Trung Quốc, cầm hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ đến Thái Lan, tiến hành “hành hung” người Trung Quốc.

Tháng 4/2016, báo chí Hồng Kông cũng cho biết trong tháng 3 cùng năm có 3 phần tử khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập Thái Lan để tìm cách tiến hành khủng bố đối với du khách Trung Quốc. 3 phần tử khủng bố này chắc chắn đến từ Trung Quốc và được Thổ Nhĩ Kỳ cấp hộ chiếu.

Cùng với hoạt động lan tràn của IS ở các nước Pakistan, Afghanistan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines cũng như nhiều phần tử cực đoan gia nhập IS đến từ Trung Quốc, rõ ràng, IS đang “áp sát” Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Trung Quốc phải chủ động tấn công.

Chủ động tấn công không phải là điều quân tấn công, mà cần xây dựng liên hệ chống khủng bố chặt chẽ hơn với các nước có liên quan, giúp đỡ các nước này tăng cường năng lực chống khủng bố, chia sẻ tin tức tình báo cùng tấn công các phần tử khủng bố.

Hiện nay, Trung Quốc đã cùng Pakistan, Afghanistan và Tajikistan xây dựng cơ chế 4 nước. Trung Quốc có thể thiết lập nhiều hơn các mối liên hệ với EU trong chống khủng bố, tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong chống khủng bố. Đặc biệt, Đông Nam Á là khu vực quan trọng của sáng kiến “Vành đai, con đường”, khu vực này không thể bị IS gây bất ổn.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina

Thứ hai, Trung Quốc giúp Philippines chống khủng bố có thể thúc đẩy ông Rodrigo Duterte tiếp tục thực hiện chính sách “thân Trung Quốc” hiện nay. Bởi vì nếu ông chịu sức ép quá lớn thì không thể loại trừ ông đảo ngược thái độ với Trung Quốc.

Vì vậy, khi ông Rodrigo Duterte gặp khó khăn, Trung Quốc giúp ông tấn công các phần tử khủng bố sẽ nhận được tín nhiệm hơn từ ông Rodrigo Duterte. Giúp ông Duterte sẽ có lợi hơn nhiều so với việc ông Duterte phải ra đi hoặc đảo ngược chính sách. Hơn nữa, việc giúp đỡ này không phải là “cho không”, mà có thể bán vũ khí, nhất là máy bay vũ trang không người lái.

Thứ ba, Trung Quốc “cứu người” trong trường hợp cấp bách có thể nâng cao vai trò ảnh hưởng của mình ở Philippines và ASEAN. Nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay là Philippines, lúc này là thời điểm Philippines đang ở trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”. Trung Quốc ra tay thích hợp có lợi cho nâng cao vai trò ảnh hưởng ở Philippines và ASEAN.

Thứ tư, giúp đỡ chính quyền Rodrigo Duterte chống khủng bố vừa thể hiện Trung Quốc có “đạo đức”, vừa giành được tín nhiệm của các nước có liên quan, sẽ thúc đẩy nhiều nước “thân Trung Quốc” hơn.

Giúp đỡ chính phủ các nước liên quan tấn công chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan không những có thể “đứng vững về đạo đức”, mà còn có thể giành được sự tin cậy từ chính phủ các nước này, thúc đẩy họ hữu nghị hơn với Trung Quốc.

Bài học từ việc giúp đỡ chính quyền Sri Lanka tấn công lực lượng “Những con hổ giải phóng Tamil” (LTTE) đã đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc ở Sri Lanka. Vì vậy, làm điều tương tự với Philippines là đáng để tiến hành.

Cuối cùng, chống khủng bố có thể giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu vũ khí. Chống khủng bố là một việc tốt đối với trang bị của Trung Quốc. Vài chục năm không tham chiến, vũ khí Trung Quốc cho dù có tiên tiến nữa thì cũng không thấy được việc ứng dụng trong thực tế chiến đấu trên chiến trường, gây nghi ngờ cho dư luận về vũ khí Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham quan tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Sina

Khi vũ khí trang bị của Trung Quốc được đưa vào các cuộc xung đột, chiến tranh thì sẽ tăng lòng tin của các nước có liên quan đến vũ khí trang bị của Trung Quốc. Chẳng hạn, máy bay không người lái Trung Quốc phát huy được tác dụng ở các nước như Iraq đã làm cho Saudi Arabia bỏ ra 10 tỷ nhân dân tệ mua máy bay không người lái.

Đối với Trung Quốc, đây thực sự là một đơn hàng lớn, giúp cho máy bay không người lái Trung Quốc tiếp tục “dẫn trước” thế giới.

Do đó, có thể coi miền nam Philippines là nơi để thử nghiệm vũ khí chống khủng bố của Trung Quốc, giúp Philippines tấn công lực lượng phiến quân. Điều này không những có thể tăng mạnh vị thế của vũ khí Trung Quốc ở Đông Nam Á và các nước khác, mà còn tăng cường vai trò ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trên phạm vi thế giới – Sina nhấn mạnh.

Như vậy, Trung Quốc có thể giúp đỡ Tổng thống Philippines tiến hành tấn công lực lượng liên quan IS tại nước này. Việc giúp đỡ này không phải là cho quân đội tham chiến, mà là bán vũ khí trang bị và cung cấp cố vấn quân sự cho Philippines.

Điều này không chỉ là cơ hội để Trung Quốc giành được lòng tin và mở rộng vai trò ảnh hưởng ở ASEAN, mà còn là cơ hội để tăng cường vai trò ảnh hưởng về quân sự của Trung Quốc. Hơn nữa, đây còn là một sách lược chủ động tấn công để ngăn chặn IS ở ngoài “cửa nhà” của Trung Quốc.