Giữa lúc đại dịch, Trung Quốc điều tàu Liêu Ninh tới Biển Đông; Mỹ, Nhật phản ứng

VietTimes -- Giữa lúc đại dịch bệnh COVID-19 đang lây lan khắp thế giới, các quốc gia phải căng mình chống dịch, những hoạt động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc gần đây đã khiến Nhật, Mỹ, Đài Loan phản ứng mạnh mẽ.
Giữa lúc đại dịch COVID-19, Trung Quốc đưa biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông khiến Mỹ, Nhật, Đài Loan cảnh giác theo dõi (Ảnh: Tân Hoa xã).
Giữa lúc đại dịch COVID-19, Trung Quốc đưa biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông khiến Mỹ, Nhật, Đài Loan cảnh giác theo dõi (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo trang tin Đa Chiều ngày 14/4, việc biên đội tàu Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako, đã gây ra sự bất bình mạnh mẽ từ Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã nhân cơ hội tham dự một cuộc họp tại Tokyo ngày 13/4 để kịch liệt lên án hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Đa Chiều dẫn tin của Đài NHK nói, ông Taro Kono đã có bài phát biểu tại một cuộc hội nghị các cơ quan thông tấn tổ chức tại Tokyo tối 13/4.

Tối 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono kịch liệt lên án hoạt động quân sự của Trung Quốc (Ảnh: Singtao).
Tối 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng  Nhật Bản Taro Kono kịch liệt lên án hoạt động quân sự của Trung Quốc (Ảnh: Singtao).

Trong bài phát biểu của mình, ông Taro Kono đã đề cập đến việc đội hình tàu sân bay của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako vào ngày 11/4 và bày tỏ sự bất bình trong lời nói của mình: “Đối mặt với hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc, số lần xuất kích khẩn cấp của Lực lượng phòng vệ trên không đã tăng lên kể từ năm ngoái. Vào thời điểm dịch bệnh viêm phổi do coronavirus mới (COVID-19), tôi nghĩ điều này diễn ra (tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Miyako) là rất vô lý”.

Ông Taro Kono cũng cho biết: “Số lượng (tàu Trung Quốc) xâm nhập quần đảo Senkaku (đang tranh chấp, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang gia tăng. Trung Quốc đang tiếp tục gây áp lực quân sự lên các đảo phía tây nam của Nhật Bản. Mong dân chúng Nhật Bản nhận thức rõ điều này; đồng thời cũng phải cho thế giới thấy được chuyện này”.

Một số tàu trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh (trên cùng) bị máy bay Nhật chụp khi xuyên qua eo Miyako (Ảnh: DF).
Một số tàu trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh (trên cùng) bị máy bay Nhật chụp khi xuyên qua eo Miyako (Ảnh: DF).

Theo Kyodo News, ngày 11/4 Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tuyên bố, họ đã xác nhận rằng 6 tàu, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc, đã vượt qua eo biển Miyako vào lúc 16h00 cùng ngày và đi về phía nam tới Thái Bình Dương. Các tàu nói trên đã không xâm nhập lãnh hải Nhật Bản và không có hành vi nguy hiểm. Đây là lần thứ tư tàu Liêu Ninh đi qua biển Miyako kể từ tháng 6/2019.

Theo những bức ảnh được chụp bởi người Nhật, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh (số 16), đội hình biên đội còn có 2 tàu khu trục tên lửa 054A Tảo Trang (542) và Nhật Chiếu (598), 2 tàu khu trục tên lửa 052D Tây Ninh (117) và Quý Dương (119), tàu cung cấp tổng hợp Type 901 mang tên Hô Luân Hồ (965). Đáng chú ý, các máy bay J-15 trên boong tàu Liêu Ninh đều đeo vũ khí trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Kyodo News cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 26/3 đã triển khai các đơn vị tên lửa đất đối không và đất đối hạm của Lực lượng phòng vệ mặt đất tại đảo Miyakojima. Chuyến đi này của tàu chiến Trung Quốc cũng có thể là một hành động thị uy đáp lại việc Nhật triển khai lực lượng tên lửa. Không phát hiện thấy các máy bay trên tàu Liêu Ninh cất hạ cánh. Lực lượng phòng vệ Nhật tiếp tục tiến hành cảnh giới và giám sát hoạt động của các tàu Trung Quốc.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) của Mỹ vào trong eo biển Đài Loan hôm 12/4 (Ảnh: US Navy)
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) của Mỹ vào trong eo biển Đài Loan hôm 12/4 (Ảnh: US Navy)

Mặt khác, trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 13/4 đã dẫn lời Cao Tú Thành, người phát ngôn của Hải quân Trung Quốc, nói rằng chuyến đi của tàu Liêu Ninh là để tiến hành hoạt động huấn luyện ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Thông tấn xã Nhật Bản Jiji Press cho rằng do sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, các tàu sân bay của Hải quân Mỹ đóng tại Thái Bình Dương hiện đang ở trong tình trạng suy giảm khả năng đối phó; với động thái này, Hải quân Trung Quốc đang cố gắng tỏ cho thấy tàu sân bay của họ vẫn đang hoạt động bình thường.

Theo Tân Hoa xã, Cao Tú Thành nói, biên đội tàu Liểu Ninh sau khi đi qua eo biển Miyako, đã vượt qua eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines để vào Biển Đông. Ông ta cũng nhấn mạnh: “Hải quân Trung Quốc từ nay về sau sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động huấn luyện diễn tập theo sự sắp xếp kế hoạch hàng năm, phù hợp luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế, đẩy nhanh việc nâng cao khả năng chiến đấu của hệ thống biên đội tàu sân bay”.

Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan (dưới) bay giám sát máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc (Ảnh: DF).
Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan (dưới) bay giám sát máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc (Ảnh: DF).

Trong khi đó, tình căng thẳng ở eo biển Đài Loan gần đây đã gia tăng. Nhiều  máy bay với nhiều kiểu loại của quân đội Trung Quốc ngày 10/4 đã tiếp tục bay vòng quanh Đài Loan. Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 13/4, tàu Liêu Ninh đã đi qua vùng biển ngoài khơi Đài Loan vào ngày 12/4 để vào Biển Đông và sáng hôm đó, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của quân đội Mỹ cũng xuất hiện ở eo biển Bashi để giám sát hoạt động của cụm tàu Liêu Ninh.

Việc nhiều máy bay đa năng với nhiều kiểu loại của PLA được phát hiện bay vòng quanh Đài Loan một lần nữa vào ngày 10/4, là lần thứ ba không quân PLA bay vòng quanh Đài Loan và cũng là lần thứ 6 các máy bay chiến đấu của Không quân PLA bay gần không phận Đài Loan trong năm nay. Trang tin Đông Phương của Hồng Kông cho biết, các máy bay F-16 của Không quân Đài Loan đã cất cánh bay lên giám sát các máy bay Trung Quốc, trong khi lực lượng phòng thủ bờ biển đã diễn tập phóng tên lửa từ căn cứ Cửu Bằng ở Bình Đông ra biển vào các tối 13 và 14/4.  Trước đó, vào ngày 9 và 10/2, các máy bay chiến đấu PLA như J-11, KJ-500 và H-6 đã bay qua eo biển Bashi trong hai ngày liên tiếp, từ phía tây Thái Bình Dương vào tuyến đường thủy Miyako trở lại căn cứ để huấn luyện đường dài.

Máy bay trinh sát điện tử RC-135W bay qua eo biển Bashi vào Biển Đông (Ảnh: DF).
Máy bay trinh sát điện tử RC-135W bay qua eo biển Bashi vào Biển Đông (Ảnh: DF).

Mặt khác, sau khi biên đội tàu Liêu Ninh bị bộc lộ ở ngoài khơi Đài Loan ngày 12/4 và chuẩn bị đi vào Biển Đông, quân đội Mỹ đã liên tục cho các máy bay trinh sát điện tử bay qua eo biển Bashi để bay vào Biển Đông tiến hành giám sát; đồng thời cho tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) lớp Arleigh Burke đi vào eo biển Đài Loan. Trang mạng Aircraft Spots chuyên theo dõi ghi lại hoạt động của máy bay quân sự, cho biết, ngày 13/4, một chiếc máy bay trinh sát điện tử RC-135WW số 62-4139 của Không quân Hoa Kỳ đã bay qua Biển Đông. Đây là ngày thứ tư liên tiếp máy bay quân sự Mỹ xuất hiện trên Biển Đông. Trong 3 ngày qua, 2 máy bay trinh sát điện tử EP-3E và một máy bay trinh sát điện tử RC-135U của Không quân Mỹ cũng đã xuất hiện ở Biển Đông.

Tau sân bay Liêu Ninh đi vòng quanh Đài Loan và vào Biển Đông giữa lúc đại dịch đang hoành hành khắp thế giới (Ảnh: Tân Hoa xã).
Tau sân bay Liêu Ninh đi vòng quanh Đài Loan và vào Biển Đông giữa lúc đại dịch đang hoành hành khắp thế giới (Ảnh: Tân Hoa xã).

Về các hoạt động của hải quân và không quân PLA, Trương Xuân Huy, người phát ngôn của Chiến khu miền Đông PLA, mới đây đã tuyên bố, vào ngày 9/2, Chiến khu miền Đông của PLA đã tổ chức cho các lực lượng trên biển và trên không diễn tập chiến đấu thực binh. Một loạt các vũ khí và trang thiết bị bao gồm tàu khu trục, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay báo động sớm trên không đã được huy động tham gia để kiểm tra khả năng hiệp đồng tác chiến nhất thể hóa. Không quân bay qua eo biển Bashi và eo biển Miyako, thực hiện các bài tập chiến đấu thực tế.

Máy bay tuần tra chống ngầm P-3C của Hải quân Mỹ vượt eo Bashi vào Biển Đông (Ảnh: DF).
Máy bay tuần tra chống ngầm P-3C của Hải quân Mỹ vượt eo Bashi vào Biển Đông (Ảnh: DF).

Trương Xuân Huy nhấn mạnh: “Đài Loan và các đảo phụ cận là một phần lãnh thổ thiêng liêng và không thể tách rời của Trung Quốc. Hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Đây là hành động cần thiết đối với tình hình an ninh hiện tại ở eo biển Đài Loan và để duy trì chủ quyền quốc gia. Bộ đội Chiến khu miền Đông quyết tâm đánh bại tất mọi hoạt động ly khai “Đài Loan độc lập”, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực eo biển Đài Loan”.