Giới tài chính, ngân hàng toàn cầu bi quan về triển vọng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dự báo u ám của Chủ tịch David Malpass của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng giám đốc Kristalina Georgieva của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase...
Lạm phát cao và tác dụng phụ của cuộc chiến chống lạm phát đang đặt ra thách thức lớn đối với kinh tế thế giới - Ảnh: Reuters.
Lạm phát cao và tác dụng phụ của cuộc chiến chống lạm phát đang đặt ra thách thức lớn đối với kinh tế thế giới - Ảnh: Reuters.

Chủ tịch David Malpass của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng giám đốc Kristalina Georgieva của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase ngày 10/10 đồng loạt lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng và nói rằng lạm phát tiếp tục là thách thức mà thế giới phải đối mặt.

“Đang có nguy cơ thực sự kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm tới”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Malpass nói trong một cuộc đối thoại với bà Georgieva ở phần ở đầu cuộc họp trực tiếp đầu tiên của WB và IMF kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Ông Malpass lấy dẫn chứng là tăng trưởng giảm tốc ở các nền kinh tế phát triển và sự mất giá mạnh mẽ của đồng tiền ở nhiều nền kinh tế đang phát triển, cũng như sự tiếp diễn của lạm phát.

Tuần trước, bà Georgieva cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 về mức 2,9% khi công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vào ngày 11/10, trên cơ sở các cú sốc gây ra bởi Covid, chiến tranh Nga-Ukraine, và các sự kiện thời tiết cực đoan ở khắp các châu lục.

Phát biểu ngày 10/10, người đứng đầu IMF nói rằng các hoạt động kinh tế đang chậm lại ở cả ba nền kinh tế lớn của thế giới: châu Âu - nơi đang lao đao vì khủng hoảng năng lượng; Trung Quốc - nơi khủng hoảng bất động sản và chính sách Zero-Covid đang bóp nghẹt tăng trưởng; và Mỹ - nơi lãi suất tăng cao “đang bắt đầu gây tổn thất cho nền kinh tế”.

Tăng trưởng giảm tốc ở các nền kinh tế phát triển, lãi suất tăng lên, rủi ro khí hậu, và giá năng lượng-thực phẩm giữ ở mức cao đang là những nhân tố gây trở ngại đặc biệt nghiêm trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển - cả ông Malpass và bà Georgieva cùng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi hành động để hỗ trợ các quốc gia này.

Bà Georgieva nói các nền kinh tế phát triển cần “kiểm soát nguy cơ lớn và nguy hiểm xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ”, vì một cuộc khủng hoảng như thế sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi quốc gia chứ không riêng gì những nước có gánh nặng ngân sách.

“Bức tranh không hề tươi sáng. Nhưng hợp lực và hành động cùng nhau, chúng ta có thể giảm nỗi đau mà chúng ta sẽ phải đón nhận trong năm 2023”, người đứng đầu IMF phát biểu, và cho biết trong báo cáo sắp công bố, IMF sẽ ủng hộ việc các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực chống lạm phát, cho dù việc này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

“Nếu họ không hành động đủ, chúng ta sẽ gặp rắc rối… Chúng ta không thể để cho lạm phát trở thành một con tàu chạy với tốc độ cao được”, bà Georgia phát biểu. Bà cũng nói rằng các biện pháp tài khóa nên “có trọng điểm rõ ràng” để không “đổ thêm dầu vào lửa lạm phát”.

Ông Malpass cho biết WB sẽ nỗ lực để giải phóng thêm ngân quỹ cho việc chống biến đổi khí hậu - vấn đề mà nhiều nước đang phát triển đang phải đương đầu. Theo bà Georgieva, thế giới cần từ 3-6 nghìn tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cần có sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân để đạt mục tiêu đó.

Với cùng quan điểm bi quan, CEO Dimon của JPMorgan Chase ngày 10/10 nói đang có một loạt trở ngại “rất, rất nghiêm trọng” có khả năng sẽ đẩy cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vào suy thoái trước giữa năm 2023. Theo ông Dimon, nền kinh tế Mỹ “hiện tại thực ra vẫn ổn” và người tiêu dùng Mỹ có thể đang “khoẻ” hơn so với trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008. “Nhưng bạn không thể nói về nền kinh tế mà không nói đến câu chuyện tương lai, và đó là một câu chuyện rất nghiêm trọng”, ông Dimon nói với hãng tin CNBC.

Trong số những chỉ báo cho thấy rủi ro suy thoái gia tăng, ông Dimon nhắc đến ảnh hưởng của lạm phát leo thang, lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến, và hiệu ứng khó lường của việc thắt chặt định lượng (QT) và cuộc chiến tranh ở Ukraine.

“Đây là những điều rất, rất nghiêm trọng mà tôi nghĩ là có thể đẩy Mỹ và thế giới vào suy thoái trong 6-9 tháng tới. Châu Âu thì tôi cho là đã suy thoái rồi”, ông Dimon nói.

Nhận định về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vị CEO cho rằng Fed “đã đợi quá lâu và hành động quá ít ỏi” khi lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ông nói Fed hiện tại “rõ ràng đang phải đuổi theo lạm phát”. “Tất cả chúng tay hãy chúc Fed thành công, đưa nền kinh tế giảm tốc ở mức mà nếu có suy thoái, đó chỉ là suy thoái nhẹ thôi”, ông phát biểu.

Ông Dimon không chắc nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì cuộc suy thoái sẽ kéo dài bao lâu, thay vào đó ông cho rằng các nhà đầu tư nên lường trước những hậu quả mà suy thoái có thể gây ra. “Suy thoái có thể rất nông hoặc khá sâu, và sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình chiến tranh. Tôi cho rằng việc đoán trước là khó, nên hãy chuẩn bị sẵn sàng”.

Có một điều mà ông Dimon chắc chắn là thị trường sẽ có nhiều biến động, và đi kèm với đó có thể là các điều kiện tài chính xáo trộn.

Khi được đề nghị dự báo về chỉ số S&P 500, ông Dimon nói thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có thể “dễ dàng giảm thêm 20%” từ mức hiện tại và “cú giảm 20% tiếp theo sẽ đau thương hơn nhiều so với lần đầu”.

Theo VnEconomy