Giao tranh Azerbaijan-Armenia tái bùng phát ở Nagorno-Karabakh, hai bên đổ lỗi cho nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/12 ra tuyên bố cho biết đã xảy ra vụ giao tranh bằng hỏa lực đầu tiên giữa quân đội Azerbaijan và Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh kể từ khi kí kết Hiệp định ngừng bắn. Hai bên đã đổ lỗi cho nhau về vụ việc.


Giao tranh bùng phát giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh khiến cả hai bên đều có thương vong (Ảnh: Sohu).
Giao tranh bùng phát giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh khiến cả hai bên đều có thương vong (Ảnh: Sohu).

Theo tin của Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 13/12, Bộ Quốc phòng Nga trong một tuyên bố ngày 12/12 cho biết kể từ khi hai bên ngừng các hành động thù địch và Nga bắt đầu triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình trong khu vực, Hiệp định ngừng bắn ở khu vực Nagorno-Karabakh đã lần đầu tiên bị phá vỡ.

Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo nêu rõ, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã phát hiện ra hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực Hadrut vào ngày 11/12. Các lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ tiếp tục sử dụng 23 trạm quan sát được triển khai ở khu vực Nagorno-Karabakh để theo dõi, giám sát tình hình suốt ngày đêm.

Thông cáo nói: “Toàn bộ tuyến tiếp xúc trong khu vực Nagorno-Karabakh hiện tuân thủ hiệp định ngừng bắn. Một vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã xảy ra ở khu vực Hadrut vào ngày 11/12. Sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hành động, đã ngăn chặn được vụ giao tranh tiếp diễn”. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không chỉ đảm bảo an toàn cho những người tị nạn trở về nhà mà còn hỗ trợ nhân đạo sửa chữa cơ sở hạ tầng dân sự địa phương.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: Sputnik).

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: Sputnik).

Trong 24 giờ qua, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã hộ tống 634 người tị nạn trở về vùng Naka. Hiện tại, tổng số người tị nạn trở về là 38.341 người. Trung tướng Muradov, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở khu vực Nagorno-Karabakh, tuyên bố rằng tình hình tại hai ngôi làng và thị trấn trong khu vực Hadrut nơi diễn ra các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn hôm 11/12 đã được bình thường.

Ông Muradov cho biết: "Vào ngày 11/12, một vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã xảy ra gần làng Hin Taghe và Khtsaberd ở khu vực Hadrut và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã hành động để ngăn chặn. Tình hình trong khu vực hiện đang bình thường. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đang giám sát tình hình và hợp tác với Armenia và Azerbaijan".

Trang tin Đa Chiều ngày 13/12 dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Armenia ngày 12/12 nói, quân đội Azerbaijan đã mở cuộc tấn công vào hai ngôi làng Hin Taghe và Khtsaberd ở khu vực phía nam Nagorno-Karabakh, khiến 3 binh sĩ Armenia bị thương. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã lên tiếng bác bỏ và cáo buộc phía Armenia đã khiêu khích và làm bị thương một binh sĩ Azerbaijan.

Tổng thống Azerbaijan Aliyev tự lái xe bọc thép đến Nagorno-Karabakh hôm 16/11 (Ảnh: AP).

Tổng thống Azerbaijan Aliyev tự lái xe bọc thép đến Nagorno-Karabakh hôm 16/11 (Ảnh: AP).

Được biết, hai ngôi làng trong khu vực Hadrut hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Armenia, nhưng các con đường ra vào các làng lại do Azerbaijan khống chế.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 12/12 cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở khu vực Nagorno-Karabakh, tình hình địa phương ổn định, nhưng ông bày tỏ lo ngại về vụ giao tranh hiện tại.

Trong khi đó có tin vụ giao tranh này diễn ra khá nghiêm trọng. Trang tin Trung Quốc Sohu ngày 14/12 dẫn nguồn báo Star của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/12, đưa tin, quân đội Armenia đã tiến hành một cuộc tấn công, giết chết các binh sĩ Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Theo Star, vào cùng ngày 13/12, Bộ Quốc phòng và Cục An ninh Quốc gia Azerbaijan đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ, một đơn vị quân đội Azerbaijan đóng quân tại một khu rừng gần thị trấn Hadrut ở vùng Nagorno-Karabakh. Trong khi một toán trong đơn vị này đang thực hiện nhiệm vụ trong rừng, họ đã bị lạc đường. Các nhà chức trách Armenia yêu cầu lực lượng Nga đang gìn giữ hòa bình trong khu vực, đón những người lính Azerbaijan bị lạc ra khỏi khu vực. Sau đó quân đội Nga đã dùng loa yêu cầu đoàn xe của quân đội Azerbaijan rút đi. Tuy nhiên, quân đội Armenia đã bất ngờ hành động, nổ súng vào các binh sĩ Azerbaijan, khiến 4 binh sĩ thiệt mạng. Bản tuyên bố lên án mạnh mẽ động thái của Armenia, nói rằng đây là một hành động khủng bố nhằm vào các binh sĩ Azerbaijan.

Tổng thống Azerbaijan Aliyev hôn quốc kỳ trước khi kéo lên tại thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Tổng thống Azerbaijan Aliyev hôn quốc kỳ trước khi kéo lên tại thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Lần này, quân đội Armenia bất ngờ hành động chống lại quân đội Azerbaijan, có nguy cơ tái bùng phát một cuộc giao tranh mới ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ngày 13/12, Đài Truyền hình Iran tiết lộ, trong vụ giao tranh này, quân đội Armenia đã giết chết 4 binh sĩ Azerbaijan và khiến 2 người bị thương. Đây là lần đầu tiên xảy ra xung đột giữa quân đội hai bên trong 44 ngày kể từ khi hiệp định ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh được ký kết. Có tin nói lúc đó một đoàn xe của quân Azerbaijan chuẩn bị rút khỏi thị trấn Hadrut, một khu vực do quân đội Armenia chiếm đóng, nhưng không ngờ trên đường rút lui đã bị tấn công. Tuy nhiên, theo các nhà chức trách Armenia, 6 binh sĩ quân đội nước này cũng bị thương.

Tin tức về việc quân nhân Azerbaijan bị thương vong nghiêm trọng tại khu vực Nagorno-Karabakh tương đối yên bình gần đây, đã khiến người Azerbaijan rất tức giận. Theo Đài truyền hình Iran, Tổng thống Azerbaijan Ilam Aliyev đã lên án mạnh mẽ Quân đội quốc gia Armenia trước sự cố gây thương vong lớn này, đồng thời cho rằng đây là hành động khiêu khích của phía Armenia chủ động gây nên xung đột. Cuối cùng, ông Aliyev đã đưa ra lời cảnh cáo rất mạnh mẽ, rằng quân đội Azerbaijan sẽ dùng "nắm đấm sắt" để đánh bại hoàn toàn quân đội Armenia. Sau đó, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng ra tuyên bố, nói “quân đội Armenia đã gây khiêu khích và phá hoại lệnh ngừng bắn trong vùng lãnh thổ được giải phóng của Azerbaijan, quân đội Azerbaijan sẽ thực hiện các biện pháp trả thù thích đáng”.

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh tự đốt nhà mình trước khi di tản về Armenia (Ảnh: AP).

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh tự đốt nhà mình trước khi di tản về Armenia (Ảnh: AP).

Một khi chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia tái diễn, tình hình hỗn loạn ở biên giới Nga chắc chắn sẽ gia tăng, do đó, quân đội Nga cực kỳ nhạy cảm với sự bùng nổ xung đột giữa hai nước. Ngày 13/12, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, một ngày trước khi có thông tin này, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thực ra quân đội Azerbaijan cũng chủ động gây sự, tấn công vào hai ngôi làng của người Armenia ở khu vực phía nam Nagorno-Karabakh. Mục tiêu chính của cuộc hành quân là nhằm vào các chốt của quân đội Armenia đóng tại đó. Sau cuộc đọ súng ác liệt, nhiều quân nhân Armenia đã bị thương. Sau khi biết thông tin này, rất đông lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã kéo tới khu vực xung đột để ngăn chặn quy mô xung đột bị mở rộng.

Cuối tháng 9 năm nay, quân đội Azerbaijan đã tiến quân ồ ạt vào khu vực Nagorno-Karabakh và quân đội quốc gia Armenia đã phản kích khiến cuộc chiến chính thức bắt đầu và thảm họa chiến tranh lan rộng khắp khu vực. Cuối cùng, ngày 10/11, sau nhiều lần hòa giải, trung gian của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuối cùng Azerbaijan và Armenia đã ký được Hiệp định ngừng bắn. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu từ ngày 10/11 thực hiện ngừng bắn hoàn toàn ở khu vực Nagorno-Karabakh, Nga cũng đã đưa gần 2 ngàn binh sĩ gìn giữ hòa bình tới khu vực Nagorno-Karabakh để chịu trách nhiệm thực hiện hiệp định đình chiến.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashnyian xin lỗi quốc dân vì ký hiệp định ngừng bắn bị thua thiệt (Ảnh: AP).

Thủ tướng Armenia Nikol Pashnyian xin lỗi quốc dân vì ký hiệp định ngừng bắn bị thua thiệt (Ảnh: AP).

Tất nhiên, Armenia, quốc gia đang suy kiệt đã ở vào vị thế cực kỳ bất lợi trong hiệp định này, khiến mâu thuẫn hai bên ở khu vực Nagorno-Karabakh vẫn chưa hề thuyên giảm. Ngày nay, quân đội Armenia không chịu nổi, ra tay tấn công quân đội Azerbaijan, có thể sẽ bị "quả đấm sắt" của quân đội Azerbaijan.

Theo nội dung của hiệp định đình chiến, Azerbaijan có thể tiếp tục giữ lại khu vực hiện họ chiếm giữ ở Nagorno-Karabakh, nhưng Armenia cần phải từ bỏ phần lớn quyền kiểm soát và chỉ có thể giữ lại một phần lãnh thổ xung quanh thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh, và Hành lang Lachin, một hành lang giao thông quan trọng kết nối với lãnh thổ của Armenia.

Hãng tin Anh BBC chỉ ra rằng khi rời bỏ những ngôi nhà nơi họ đã sống mấy chục năm, người Armenia đã cố đem theo tài sản của họ càng nhiều càng tốt, những tài sản không thể lấy đi, kể cả nhà cửa, đều bị họ tự tay phỏng hỏa đốt cháy vì không muốn để lại cho kẻ thù bất cứ thứ gì có thể được sử dụng.