Từ những thành phố hạng nhất đến những ngôi làng xa xôi, nỗi lo về giáo dục đã tràn ngập khắp đất nước Trung Quốc. Làm thế nào để xây dựng một hệ sinh thái giáo dục thực sự có lợi cho sự phát triển của thanh thiếu niên là một bài toán khó mà nền giáo dục cơ bản của Trung Quốc phải trực tiếp đối mặt.
Hiện tại, người dân Trung Quốc đang tranh luận sôi nổi về tầm quan trọng của kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao: cao khảo) và kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông cao trung (gaozhong: trung khảo). Một số người cho rằng kỳ thi tuyển sinh đại học là kỳ thi quan trọng để phân luồng học sinh vào các trường cao đẳng, đại học, gần như quyết định cuộc đời của một con người, nhưng có người lại không nghĩ như vậy.
Bất kể thành công hay thất bại trong kỳ thi tuyển sinh đại học, sự phát triển trong tương lai của học sinh đều đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân, nhưng kỳ thi vào cao trung không như vậy, nó gián tiếp quyết định vận mệnh của học sinh.
Trên thực tế, vế sau của lời phản biện trên phản ánh một phần sự thật nhất định. Là những học sinh đã vượt qua chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm, kết quả của kỳ thi tuyển sinh THPT sẽ xác định xem liệu ai có thể tiếp tục học cao trung, sau đó thi vào các trường Đại học, Cao đẳng. Trường kỹ thuật dạy nghề là "nỗi đau" mà không phụ huynh nào muốn nhắc đến.
Chủ trương phân luồng của kỳ thi tuyển sinh vào THPT càng làm trầm trọng thêm hiện tượng "neijuan"
Được cấu thành từ chữ "nội" (bên trong) và "quyển" (cuộn, xoắn ốc), "neijuan" có nghĩa đen là một thứ gì đó tự cuộn tròn lên trên chính bản thân nó. Về nghĩa bóng, "neijuan" chỉ quá trình khiến người tham gia mắc kẹt bên trong một vòng lặp không ngừng. Cụm từ này diễn tả việc bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh mà bản thân người tham gia biết rõ là vô nghĩa.
Giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm (6 năm tiểu học + 3 năm sơ trung) của Trung Quốc nhằm mục đích cho phép tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận đến kiến thức cơ bản. Giáo dục bắt buộc kết thúc khi học sinh tốt nghiệp sơ trung và tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Sau khi có kết quả, học sinh được chia theo tỷ lệ 5:5, học sinh dưới điểm xét tuyển vào cao trung sẽ phải chọn trường trung cấp học nghề hoặc trường trung học phổ thông tư thục.
Chính sách phân luồng mới khiến phụ huynh ngày càng gặp áp lực phải cung cấp cho con những điều tốt nhất, học sinh sớm lao vào cuộc đua học tập không đi đến đâu.
Học phí của các trường phổ thông tư thục quá cao khiến nhiều bậc phụ huynh khả năng tài chính tầm trung và thấp đành phải cho con cái theo học trường trung cấp nghề.
Tuy nhiên, không khí học tập tại các trường trung cấp dạy nghề khiến nhiều người lo ngại. Nhiều em học lực kém buộc phải học tại đó, tuy nhiên, một số học sinh "hư" cũng bị trà trộn vào đây, điều này làm đảo lộn nền nếp trường học và khiến nhiều em không thể học tập bình thường, thậm chí bị nhiễm thói hư tật xấu.
Cách đây không lâu, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền một tệp ảnh về cuộc sống và học tập của học sinh tại một trường trung cấp nghề nào đó, và những bức ảnh lập tức làm dấy lên những bàn luận sôi nổi của nhiều bậc phụ huynh.
Trong giờ học, hai học sinh lại coi phòng học như phòng ngủ ở nhà, một người thì nằm lăn ra đất ngủ trong khi người kia thì lướt điện thoại với tư thế chân ngang ngược. |
Mặc dù giáo viên đang giảng bài, học sinh trong lớp vẫn rất thờ ơ, hầu như tất cả đều đang dùng điện thoại di động và ngoảnh mặt làm ngơ với giáo viên. |
Thầy giáo phát cáu vì không khí trong lớp, ngăn hai nữ sinh ngồi hàng đầu nghịch điện thoại, nhưng đáng ngạc nhiên là hai học sinh này không hề sợ hãi, không để ý đến giáo viên, và vẫn tiếp tục hí hoáy điện thoại. |
Tại khu ký túc xá nam, vỏ chai bia và tàn thuốc rơi vãi khắp sàn, vệ sinh trong nhà thì bừa bộn. |
Những thùng mì gói, hộp cơm đã qua sử dụng chất thành đống trên bàn, cả khu ký túc xá trông rất bừa bộn, có thể thấy học sinh nơi đây không có ý thức dọn dẹp. |
Tại sao phụ huynh không muốn cho con đi học trung cấp nghề? Có lẽ nhìn vào những bức ảnh trên, trong lòng mỗi người đều có câu trả lời.
Giáo sư Đại học Bắc Kinh đề xuất "hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông" và thực hiện giáo dục bắt buộc 10 năm
Chuyên gia trong ngành giáo dục Trung Quốc sớm chú ý đến điểm này, chính sách tuyển sinh 5:5 cho kỳ thi tuyển sinh THPT khiến nhiều người cảm thấy quá khắt khe, quá khắc nghiệt. Theo chính sách mới, nếu 40.000 học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào cao trung ở một thành phố, thì 20.000 học sinh sẽ không đủ điều kiện, chỉ có thể vào học tại các trường trung học tư thục hoặc trung học dạy nghề.
Hơn nữa, các cơ quan hữu trách trước đó đã ra thông báo nghiêm cấm học lại sau khi thi tuyển trung khảo. Do đó, so với kỳ thi tuyển sinh đại học, kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông giống "một bài kiểm tra cho cuộc đời". Sau khi bước vào trường trung học phổ thông bình thường hoặc trung học dạy nghề, học sinh đi theo những quỹ đạo cuộc sống khác hẳn nhau.
Vào một trường trung học phổ thông bình thường tương đương với tấm vé vào đại học, học sinh có cơ hội học tập tốt, có bằng tốt nghiệp loại giỏi và còn có cơ hội vào một công ty nổi tiếng để tham gia vào những công việc có giá trị cao. Trong khi đó, học sinh học trường nghề thường bị đánh đồng với không có "trình độ học vấn", hưởng mức lương thấp là chuyện bình thường.
Mặt khác, trình độ của các trường trung cấp nghề hiện nay không đồng đều, tinh thần học đường lẫn trình độ dạy học chưa đạt yêu cầu, phụ huynh không ít lần ớn lạnh khi cho con học trường trung cấp nghề. Đây là vấn đề nan giải mà hàng nghìn gia đình đang phải đối mặt nên lời kêu gọi "hủy kỳ thi tuyển sinh vào THPT" ngày càng lớn hơn.
Mới đây, Giáo sư Diêu Dương, hiện là Giám đốc của Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, trong một cuộc phỏng vấn với China Business News, đã đề xuất "hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh vào THPT" và thực hiện giáo dục bắt buộc 10 năm. Theo ông Diêu, chương trình tiểu học sẽ kéo dài 5 năm, gộp sơ trung + cao trung thành 5 năm. Sau khi học sinh tốt nghiệp cao trung, tâm lý và tư tưởng của học sinh cơ bản đã trưởng thành, họ sẽ tự chọn con đường học tập cho mình sau này.
Giáo sư Diêu Dương tin rằng mặc dù nền tảng hiện tại của Trung Quốc không đủ để hỗ trợ việc đưa chương trình trung học vào phạm vi giáo dục bắt buộc, nhưng nước này ít nhất có thể kéo dài giáo dục bắt buộc lên 10 năm. Việc phân luồng học sinh quá sớm ở giai đoạn sơ trung ảnh hưởng đến khả năng phát triển sau này của nhiều học sinh.
Trước hết, trẻ đang trong giai đoạn thiếu nhận thức ở giai đoạn trung học cơ sở, thiếu sự trưởng thành về tâm lý và kinh nghiệm, ở giai đoạn này trẻ không thể thiết lập một cách hiệu quả kế hoạch phát triển cho bản thân.
Thứ hai, tình trạng "neijuan" (nội quyển) của giáo dục hiện nay quá nghiêm trọng do áp lực của kỳ thi tuyển sinh đại học và áp lực về trình độ học vấn cao, để giải quyết tình trạng "neijuan" bị biến tướng, cần phải thay đổi từ cấp độ hệ thống căn bản.
Cuối cùng, ngay cả khi học sinh theo học tại các trường dạy nghề thì kiến thức chung cơ bản của các em vẫn tương đối yếu và kỹ năng học tập của các em chưa đủ vững chắc. Từ những điểm trên có thể thấy việc phân luồng học sinh ở giai đoạn sơ trung là rất bất lợi cho sự phát triển của học sinh.
Đề xuất của Giáo sư Diêu Dương đã được nhiều phụ huynh và giáo viên ủng hộ, không những giảm áp lực cho phụ huynh mà còn có thể tiết kiệm chi phí giáo dục.
Vậy việc hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh THPT và thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc 10 năm có thực sự khả thi?
Một đoạn văn bác bỏ đề xuất giáo dục bắt buộc 10 năm và hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Ảnh: Bộ Giáo dục Trung Quốc. |
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố văn bản đáp lại đề xuất của Giáo sư Diêu Dương, theo đó, chính sách phân luồng cho kỳ tuyển sinh THPT sẽ không bị hủy bỏ trong thời điểm hiện tại vì xét trên tình hình học tập của học sinh, khả năng học tập của mỗi người là khác nhau. Với cùng một môn học, có người có thể học rất nhanh, nhưng một số học sinh thấy khó và cần giáo viên giải thích cẩn thận.
Cho đến nay, chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc 9 năm của Trung Quốc đã được thực hiện nhiều năm, những cải cách mới chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn trong giáo dục và gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự phát triển của giáo dục ở giai đoạn này.
Bên cạnh đó, nguồn lực phục vụ cao trung hiện nay tương đối khan hiếm, việc hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh THPT sẽ dẫn đến một lượng lớn học sinh sơ trung không cần thi vẫn vào được cao trung, điều kiện hiện tại của Trung Quốc không thể đáp ứng được sự bùng nổ số lượng lớn như vậy. Nói cách khác, giáo dục bắt buộc 10 năm không thể thành hiện thực trong thời gian ngắn và cần phải điều chỉnh dần dần.
Tất nhiên, dù giáo dục có đổi mới như thế nào thì bản thân học sinh cũng có thể thực sự phát huy vai trò bằng chính sự nỗ lực của mình, xét cho cùng học sinh là chủ thể chính của việc học, và chính sách giáo dục chỉ đóng vai trò bổ sung, văn bản của Bộ Giáo dục kết luận.
Thanh Hà (Tổng hợp NetEase)