Giám sát chặt 14 ngân hàng quan trọng nhất để phòng ngừa rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc theo dõi, giám sát, cảnh báo nguy cơ rủi ro trong hoạt động tín dụng của 14 ngân hàng này sẽ ngăn ngừa những sai phạm nghiêm trọng như vụ SCB.

Giám sát chặt 14 ngân hàng quan trọng nhất để phòng ngừa rủi ro

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 538 phê duyệt nhóm các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng trong hệ thống năm 2024.

Việc này nhằm giúp cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng này để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

Trong số 14 ngân hàng thuộc nhóm các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng hệ thống năm 2024 có 4 ngân hàng thuộc nhóm Big 4 gồm: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank).

10 tổ chức còn lại gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); ; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank); Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB); Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Quyết định 538 được ban hành trong bối cảnh nhiều ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn lãi vay, chính sách lãi vay chưa phù hợp, chưa tương xứng với dư địa và không gian chính sách tiền tệ.

Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm còn thấp dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn (trên 13,6 triệu tỷ đồng). Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao. Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao.

Đáng chú ý, nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro. Một số vụ việc như ngân hàng SCB cho thấy việc giám sát chưa chặt chẽ, hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội.