Nó được xem là đáp ứng gần như toàn bộ yêu cầu của các chủ nợ, nhằm về việc thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ và tránh vỡ nợ.
Báo Guardian cho biết kế hoạch dài 13 trang đề cập mục tiêu tăng thu thuế, đưa thu nhập từ thuế vượt chi tiêu 1% trong năm nay, 2% trong năm sau và 3,5% trong năm 2017. Một loạt khoản tăng thuế bao gồm thuế giá trị gia tăng 23% đối với các nhà hàng, 13% cho lĩnh vực khách sạn, nước sạch và 6% cho các mục dược phẩm, sách...
Chính phủ cũng cắt giảm mạnh tay các lĩnh vực vốn được bảo vệ như lương hưu, khuyến khích người lao động không về hưu sớm và bỏ chính sách giảm thuế 30% cho các hòn đảo giàu có và nhiều khách du lịch.
Ngoài ra, chi tiêu quân sự cũng bị cắt 100 triệu euro trong năm nay và tăng gấp đôi vào năm sau. Đổi lại, Hi Lạp muốn các chủ nợ châu Âu hỗ trợ một gói tài chính 53,5 tỉ euro trong ba năm để giúp nước này cơ cấu lại nợ và khởi động lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, kế hoạch trước hết cần nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội Hi Lạp trong cuộc bỏ phiếu tối 10-7 (giờ địa phương). Các nhà quan sát nhận định đây sẽ là một cửa ải khó khăn, do nhiều phần trong kế hoạch từng bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 5-7.
Tuy vậy, theo AFP, Tổng thống Pháp François Hollande cho rằng các giải pháp của chính quyền Thủ tướng là “nghiêm túc” và “đáng tin cậy”.
Theo ông, “người Hi Lạp đã chứng tỏ quyết tâm muốn ở lại với khu vực đồng euro” nên cần phải có quyết tâm trong đàm phán để đi đến thỏa thuận. Cũng hôm qua, Thủ tướng Ý Matteo Renzi cho rằng thấy “lạc quan hơn”.
Thông tin dấy lên hi vọng sẽ có một thỏa thuận giải cứu Hi Lạp tại cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cuối tuần này.
Theo: Tuổi Trẻ