Kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Việt Nam xuất phát từ thất bại trong chiến dịch ném bom miền Bắc. Tài liệu nghiên cứu có tên gọi “sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Đông Nam Á” do 4 nhà khoa học Mỹ nghiên cứu năm 1966 đã được công bố trên trang International Interest.
Ý tưởng ném bom nguyên tử Việt Nam xuất phát từ miệng của một JASON – một dạng cố vấn cao cấp của Lầu Năm Góc.
“Đến tháng 2.1966, sự thất vọng về chiến dịch ném bom miền Bắc ngày càng dâng cao trong giới chóp bu Mỹ khiến nhiều cuộc nói chuyện của giới này đã đề cập đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở Việt Nam” – tài liệu nêu.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu này, vốn là thành viên của JASON, đều có chung nhận định là “sử dụng vũ khí nguyên tử tại Việt Nam là một ý tưởng tồi nhất có thể”.
Các JASON vốn rất được Lầu Năm Góc đánh giá cao và tôn trọng. Họ có “lỗ tai” của Lầu Năm Góc và có tự do để chọn lựa đề tài nghiên cứu. Đầu năm 1966, giáo sư hóa Robert Gomer, các nhà vật lý học Steven Weinberg, Courtenay Wright và nhà toán học Freeman Dyson đã quyết định xem xét khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử tại VN.
Seymour Deitchman, người từng phục vụ trong Học viện Phân tích quốc phòng – cơ quan hỗ trợ JASON, cho biết: “Tôi có tiếp xúc với một số quan chức quân sự liên đới đến hoạch định chiến tranh, họ dự định sẽ ném bom nguyên tử xuống một số vị trí chiến lược như con đường độc đạo Mu Gia xuyên qua vùng rừng núi dọc biên giới Việt – Lào nhằm đóng hẳn con đường này”.
Freeman Dyson nhớ lại: “Chúng tôi được thúc đẩy viết bản nghiên cứu này bởi những thông tin nghe được từ những bữa tiệc, có lẽ là vào mùa xuân năm 1966. Một sĩ quan quân đội cao cấp có quyền tiếp cận tổng thống Johnson nghe có người nói rằng “hay là chúng ta tung đồng xu (sấp ngửa) xem có nên dùng vũ khí nguyên tử hay không”. Chúng tôi không thể xác định được câu nói ấy là đùa hay nghiêm túc. Cứ nghĩ là nghiêm túc đi, và thế là chúng tôi quyết định tiến hành nghiên cứu”.
Cả 4 người bước vào dự án với niềm tin rằng vũ khí nguyên tử chỉ khiến cuộc chiến đẫm máu càng trở nên thảm khốc. Tuy nhiên, cả 4 nhà khoa học đều rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: nếu áp yếu tố nguyên tắc và đạo đức vào việc sử dụng vũ khí nguyên tử thì sẽ bị loại bỏ vì “mềm yếu” và “thiếu độ tin cậy”. Do đó họ loại bỏ 2 yếu tố này ra chỉ để tập trung vào phần mục tiêu quân sự.
Steven Weinberg cho biết rằng việc phân tích …“ thật thà mà nói thì đã xong, nhưng tôi phải thừa nhận rẳng giải pháp (dùng vũ khí nguyên tử) chỉ có thể thu được rất ít thuyết phục so với những gì chúng tôi kỳ vọng ban đầu”
Phần kết luận đã khiến nhiều người phải tròn mắt. Mặc dù nghiên cứu của Công ty RAND ước tính rằng 1 vũ khí nguyên tử chiến thuật có sức công phá tương đương với 12 đợt tấn công bằng bom qui ước, nhóm JASON kết luận rằng nếu tiến hành một chiến dịch ném bom nguyên tử theo dạng sấm rền sẽ đòi hỏi tốn 3.000 quả bom nguyên tử một năm. Và không một khu phức hợp sản xuất bom hạt nhân nào ở Mỹ có thể đáp ứng được kiểu ném bom như vậy.
Nhưng ngay cả khi sử dụng bom nguyên tử theo kiểu sấm rền ấy cũng không đem lại kết quả như mong muốn. Trong điều kiện ở những trận đánh lớn qui tụ binh sĩ tập trung như ở châu Âu, 1 quả bom nguyên tử có thể giết chết 100 binh sĩ, thì việc tấn công nhắm vào những toán lính nhỏ, ẩn sâu trong rừng thì hiệu quả đánh bom nguyên tử bị giảm đi rất nhiều.
Việc thổi bay con đường mòn Hồ Chí Minh dọc các dãy núi bằng bom nguyên tử là có thể, nhưng chỉ hiệu quả cho đến khi phía Việt Nam lại mở một con được mới. Để giữ được mức độ tàn phá và độ ảnh hưởng của phóng xạ sẽ đòi hỏi phải lập đi lập lại các đợt tấn công hạt nhân, như một thành viên JASON nói, “một cái cây thì chỉ ngã 1 lần”.
Vũ khí nguyên tử chiến thuật có thể hủy diệt hệ thống hầm ngầm, nhưng đòi hỏi phải có mục tiêu chính xác. “Nhưng nếu đã có mục tiêu chính xác rồi thì tại sao không sử dụng máy bay qui ước B-52 để ném bom?” – cựu phân tích gia Daniel Ellsberg của CIA đặt câu hỏi. “Nếu anh không có mục tiêu chính xác cho B-52 thì điều đó có nghĩa anh cũng không có mục tiêu chính xác cho bom hạt nhân”.
JASON kết luận lại rằng nếu Hoa Kỳ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở VN sẽ không tạo được sự khác biệt lớn trong chiến tranh VN. Trái lại, nó có thể dẫn Hoa Kỳ đến những hậu quả rất xấu khác.
Nhà sử học Alex Wellerstein nhận định: “Từ đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ có quyền lợi thiết thực nhất trong việc không được phá vỡ cái (tạm gọi là) nguyên tắc hạt nhân. Vì một khi vũ khí nguyên tử được bình thường hóa, Hoa Kỳ sẽ tổn thất rất nhiều”.
Cú đánh hạt nhân nhắm vào Việt Nam có thể sẽ dẫn đến sự đáp trả nguyên tử từ Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô sẽ không cho phép mất mặt một lần nữa sau vụ khủng hoảng tên lửa Cuba cách đấy mới 4 năm và có thể sẽ cung cấp vũ khí nguyên tử hỗ trợ Bắc Việt Nam.
Nếu quân Bắc VN có vũ khí nguyên tử, các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Miền Nam, các hải cảng và những nơi tập trung đông quân số sẽ trở thành món mồi ngon cho quân đội miền Bắc.
“Nếu 100 vũ khí hạt nhân loại 10-KT rơi vào tay quân đội Bắc Việt và số vũ khí này sẽ được triển khai thì 70 mục tiêu (căn cứ Hoa Kỳ) sẽ bị tấn công, khả năng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam về cơ bản sẽ bị hủy diệt” (tài liệu nhấn mạnh)
Theo Motthegioi