Giải mã ý đồ của Trung Quốc khi cùng lúc đưa vào biên chế 3 chiến hạm hiện đại nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 23/4, ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc đã tới căn cứ Tam Á (Hải Nam) trao cờ đưa vào biên chế Hải quân PLA cùng lúc 3 chiến hạm hiện đại nhất, khiến giới quan sát bàn luận sôi nổi.
Ba chiến hạm hiện đại vừa được Trung Quốc đưa vào biên chế Hạm đội Nam Hải hôm 23/4 (Ảnh: CCTV).
Ba chiến hạm hiện đại vừa được Trung Quốc đưa vào biên chế Hạm đội Nam Hải hôm 23/4 (Ảnh: CCTV).

Ba chiến hạm chủ lực tiên tiến nhất hiện đang phục vụ của Hải quân Trung Quốc là tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094A Trường Chinh 18 (số 421), tàu khu trục Type 055 cỡ vạn tấn Đại Liên (số 105) và tàu tấn công đổ bộ trực thăng Type 075 Hải Nam (số 31), được báo chí Trung Quốc gọi là “Quốc chi trọng khí” (vũ khí trọng yếu của quốc gia) đã được ông Tập Cận Bình tuyên bố đưa vào biên chế cùng ngày, cùng địa điểm và cùng hạm đội Nam Hải. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Trung Quốc có một sự kiện như thế.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 25/4, xét về môi trường quốc tế hiện nay của Trung Quốc: Mỹ vẫn đang tiếp tục, thậm chí gia tăng ngăn chặn và chèn ép Trung Quốc; tình hình ở eo biển Đài Loan ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng, nguy cơ nổ súng tiếp tục leo thang; quân đội Mỹ liên tục triển khai ở Đài Loan và Biển Đông, tăng cường hiện diện ở Tây Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng, động thái này của Trung Quốc mang ý nghĩa chính trị rõ rệt. Đặc biệt việc ông Tập Cận Bình, người được coi là người lãnh đạo phái "cứng rắn" ở Trung Quốc, đích thân xuất hiện trao cờ cho các hạm trưởng, rõ ràng là có ý nghĩa cảnh báo Mỹ, Đài Loan và các lực lượng khác.

Ông Tập Cận Bình trao cờ cho hạm trưởng các tàu (Ảnh: CCTV).

Ông Tập Cận Bình trao cờ cho hạm trưởng các tàu (Ảnh: CCTV).

Trong số ba hạm tàu được biên chế cùng lúc hôm 23/4 , Trường Chinh 18 là loại tàu ngầm hạt nhân Type 094A mang tên lửa chiến lược mới nhất của Hải quân Trung Quốc; Đại Liên là tàu khu trục Type 055 cỡ vạn tấn thứ ba được biên chế; Hải Nam là chiếc tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Trung Quốc. Cả ba đều là chiến hạm chủ lực tiên tiến nhất đang phục vụ tại ngũ của Hải quân Trung Quốc và có thể gọi là “Quốc chi trọng khí”.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trường Chinh 18 Type 094A được trang bị vũ khí chính là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân, còn được gọi là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo. Theo quy tắc đặt tên tàu ngầm của Trung Quốc, “Trường Thành” là tàu ngầm thông thường và “Trường Chinh” là tàu ngầm hạt nhân.

Tàu khu trục Type 055 Đại Liên (Ảnh: CCTV).

Tàu khu trục Type 055 Đại Liên (Ảnh: CCTV).

Thông tin công khai cho biết, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Hải quân Trung Quốc có thể hoạt động dưới độ sâu hơn 300m, tốc độ dưới nước tối đa đạt hơn 26 hải lý/giờ, có thể tự duy trì tới 70 ngày, có thể mang 12 quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm “Julang-2” có tầm bắn tối đa từ 7.400 đến 8.000 km. Tàu ngầm hạt nhân Type 094A là mẫu cải tiến của Type 094. Các chuyên gia quân sự phỏng đoán nó có thể mang tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm "Julang-2A" với tầm bắn không dưới 10.500 km.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho biết, tại cuộc duyệt binh ở Biển Đông hồi tháng 4/2018, ông Tập Cận Bình đã kiểm duyệt hai tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094A đã được công khai. Chuyên gia này phân tích, chiếc tàu ngầm hạt nhân mới đưa vào biên chế lần này đã được cải tiến công nghệ, tính năng kỹ thuật tổng thể và khả năng tàng hình đã được nâng cao đáng kể, tên lửa phóng từ tàu ngầm mà nó mang theo cũng được cải tiến nâng cao đáng kể. "Điều này đã khiến “bộ ba” lực lượng hạt nhân chiến lược (phương tiện mang vũ khí hạt nhân phóng từ đất liền, trên không và trên biển) của PLA có bước nhảy vọt về chất trong các lực lượng hạt nhân trên biển và gia tăng đáng kể khả năng phản công hạt nhân thứ cấp” - chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nhận xét.

Tàu tấn công đổ bộ Type 075 Hải Nam (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu tấn công đổ bộ Type 075 Hải Nam (Ảnh: Đa Chiều).

“Tàu ngầm hạt nhân chiến lược là vũ khí trọng yếu của quốc gia và là một phần quan trọng trong bộ ba sức mạnh hạt nhân chiến lược của một quốc gia. Ở một mức độ nhất định, nó còn quan trọng hơn cả hai loại phương tiện phóng trên đất liền và trên không” - Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc nói.

Trung Quốc hiện có 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094A đang được biên chế trong hải quân. Vào năm 2020, Congressional Research Service Report (Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ), công bố bản báo cáo đặc biệt dài 63 trang: "Hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc: ảnh hưởng đến năng lực của Hải quân Mỹ", trong đó viết, những "bóng ma dưới nước" này thường bí mật tuần tra ở các vùng biển không được tiết lộ và cực kỳ sâu dưới biển đã "làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ”.

Theo báo cáo này, Hải quân Mỹ hiện có 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio. “Quy mô của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc gần bằng một nửa so với Mỹ. Ước tính đến năm 2030, tổng số tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc tàu ngầm sẽ là 8 chiếc​​".

Tàu ngầm hạt nhân Type 094A Trường Chinh 18 (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu ngầm hạt nhân Type 094A Trường Chinh 18 (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu khu trục Type 055 mới được biên chế mang tên Đại Liên, là tàu khu trục Type 055 đầu tiên được biên chế trong Hạm đội Nam Hải. Được phối hợp với Sơn Đông, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, sẽ giúp tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Hạm đội Nam Hải. Trước đây, các tàu Type 055 Nam Xương và Lhasa đã được đưa vào biên chế Hạm đội Bắc Hải. Tàu khu trục Type 055 Đại Liên vừa được biên chế có lượng giãn nước 12.000 tấn và được NATO gọi là "Tuần dương hạm lớp Blade". Cách đây vài năm, khi tàu khu trục Type 055 đầu tiên được hạ thủy, nó được truyền thông Anh gọi là tàu chiến mặt nước lớn nhất châu Á (trừ tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ). Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc loại tàu này được đưa vào biên chế đồng nghĩa với việc các chiến hạm chủ lực của Trung Quốc đang tại ngũ đã thuộc vào hàng tiên tiến trên thế giới.

Ông Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu hải quân tại Viện nghiên cứu Hải quân Anh Royal United Services Institute (RUSI) viết trong một báo cáo được công bố vào tháng 10/2020 nói rằng tàu khu trục Type 055 của Hải quân Trung Quốc đã ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới và có thể được coi là thế hệ tàu chiến đấu mặt nước chất lượng cao do Trung Quốc triển khai trên tuyến một, "có tính năng vượt trên các tàu khu trục tương tự của Mỹ và Nhật Bản"; qua đó có thể hiểu được sự hiểu biết của Trung Quốc về các cuộc chiến trong tương lai và những gì Trung Quốc đã làm để nâng cao hiệu quả của hạm đội trong môi trường chiến tranh tương lai. Xét về trọng tải và hỏa lực của tàu khu trục Type 055 cỡ hơn 10.000 tấn, trong Sách Trắng năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xếp nó vào loại tàu tuần dương.

Ông Tập Cận Bình duyệt đội ngũ trong khoang đổ bộ của tàu Type 075 Hải Nam (Ảnh: Đa Chiều).

Ông Tập Cận Bình duyệt đội ngũ trong khoang đổ bộ của tàu Type 075 Hải Nam (Ảnh: Đa Chiều).

Được biết, Hải quân Trung Quốc đã đặt mua 8 tàu khu trục Type 055 trong lô đầu tiên, ngoài 3 tàu nói trên, hiện còn có 2 tàu Diên An và An Sơn đang chạy thử nghiệm, dự kiến ​​sẽ chính thức được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Một tàu khác là chiếc Vô Tích chuẩn bị thực hiện chuyến đi đầu tiên và dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022; hai tàu còn lại, bao gồm tàu ​​Tuân Nghĩa và chiếc còn lại chưa được đặt tên, dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.

Về phần tàu tấn công đổ bộ Hải Nam Type 075, đây là tàu chiến đổ bộ cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế. Theo quy tắc đặt tên hạm tàu của Trung Quốc, tàu sân bay và tuần dương hạm được đặt tên theo các đơn vị hành chính tỉnh (khu tự trị). Chiếc tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên được đặt tên là Hải Nam Đây là tàu thứ ba được đặt theo tên của một tỉnh. Trước đó, là các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông; qua đó cho thấy tầm quan trọng của con tàu tấn công đổ bộ này.

Con tàu này là tàu chiến đổ bộ lớn nhất của Hải quân Trung Quốc, thông tin công khai cho thấy nó có nhà chứa máy bay chở được gần 30 trực thăng các loại, boong tàu có thể cất, hạ cánh cùng lúc nhiều trực thăng. Đồng thời có khoang neo đậu làm tàu mẹ của tàu đổ bộ, tàu đổ bộ đệm khí có thể chở binh lính, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng, ... phục vụ cho các hoạt động đổ bộ. Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho rằng, tàu tấn công đổ bộ Type 075 và tàu đổ bộ đổ bộ Type 071 phối hợp sẽ tạo thành một nhóm tấn công đổ bộ mạnh mẽ, có thể đóng một vai trò quan trọng trong tác chiến chiếm đảo và các hoạt động vận tải, đổ bộ.

Căn cứ hải quân Tam Á (đảo Hải Nam) với nhiều tàu ngầm được neo tại các cầu cảng (Ảnh: Đa Chiều).

Căn cứ hải quân Tam Á (đảo Hải Nam) với nhiều tàu ngầm được neo tại các cầu cảng (Ảnh: Đa Chiều).

Trong tương lai, nếu nhóm tấn công đổ bộ gồm Type 075, Type 071 và tàu sân bay hợp thành lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp, nó sẽ có khả năng kiểm soát trên không và trên biển cũng như khả năng tấn công đổ bộ mạnh mẽ. Ông Tống Trung Bình nói, mặc dù tàu Type 075 biên chế trong Hạm đội Nam Hải nhưng nó cũng sẽ được sử dụng trên nhiều hướng và nhiều mục tiêu, trong tương lai, nếu cần thiết nó sẽ có thể triển khai ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa, thậm chí cả đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Ông nói: “PLA sẽ hình thành một khả năng tác chiến liên hợp đánh chiếm đảo mạnh mẽ hơn nhiều”.

Trung Quốc còn có 2 tàu tấn công đổ bộ Type 075 khác hiện đang được thử nghiệm và lắp ráp trang bị, dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động lần lượt vào tháng 9 năm nay và năm 2022. Có chuyên gia Đài Loan nhận xét, con tàu này còn đe dọa Đài Loan hơn cả tàu sân bay (!).