Giải mã việc Iran bất ngờ thành lập sư đoàn máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tuần trước, Mỹ tiết lộ "Iran sẽ cung cấp cho Nga các máy bay không người lái quân sự", gây xôn xao dư luận; Hải quân Iran đã bất ngờ tuyên bố thành lập một sư đoàn máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới.
Các máy bay không người lái của Iran đỗ trên boong tàu mặt nước (Ảnh: Sohu).
Các máy bay không người lái của Iran đỗ trên boong tàu mặt nước (Ảnh: Sohu).

Quốc gia đầu tiên có sư đoàn máy bay không người lái

Hải quân Iran hôm 15/7 đã tổ chức một buổi lễ tại vùng biển phía nam để tuyên bố thành lập sư đoàn máy bay không người lái đầu tiên. Tổng tư lệnh quân đội Iran, tướng Mousavi, cảnh báo tại buổi lễ rằng “nếu kẻ thù mắc bất cứ sai lầm nào, họ sẽ nhận được đáp trả từ Iran khiến họ phải hối hận". Trong lúc này, Tổng thống Mỹ Biden đang thăm Trung Đông đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Mỹ “không loại trừ việc sử dụng vũ lực như một biện pháp cuối cùng để chống lại Iran”.

Theo Tân Hoa xã, sư đoàn này trực thuộc Hạm đội Miền Nam của Hải quân Iran, được trang bị các máy bay không người lái có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát và chiến đấu, cùng với các hạm tàu mặt nước có thể mang máy bay không người lái.

Một UAV của Iran được phóng từ boong tàu nổi (Ảnh: Sohu).

Một UAV của Iran được phóng từ boong tàu nổi (Ảnh: Sohu).

Ở một góc độ nào đó, động thái này có thể được coi là xác lập một kỷ lục thế giới: đây là đơn vị máy bay không người lái cấp sư đoàn đầu tiên trên thế giới; nó không được thành lập tại 5 cường quốc Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - những nước có trình độ quân sự tiên tiến và sức mạnh hàng đầu, mà là Iran, một quốc gia cỡ trung bình.

Điều thú vị là, sư đoàn UAV này không thuộc binh chủng Không quân theo truyền thống, mà do Hải quân Iran lập ra. Cần biết rằng, Iran có hai lực lượng vũ trang chính quy là quân đội chính phủ và Lực lượng Vệ binh Cách mạng; hai lực lượng này có thái độ khác nhau đối với các loại vũ khí như máy bay không người lái. So với Vệ binh Cách mạng, tư tưởng và chính sách của quân đội chính phủ Iran bảo thủ hơn, nhưng lần này họ đã có một động thái lớn là thành lập sư đoàn máy bay không người lái”, rất đáng để nghiên cứu.

UAV của Iran cất cánh từ tàu ngầm (Ảnh: Sohu).

UAV của Iran cất cánh từ tàu ngầm (Ảnh: Sohu).

Ở một góc độ nào đó, động thái của Hải quân Iran có thể là một lựa chọn bất đắc dĩ. Cốt lõi của sự phát triển trang bị hải quân hiện đại là các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Cơ sở để hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị này là thực lực của ngành công nghiệp đóng tàu, công nghiệp điện tử, công nghiệp điện tàu thủy và các ngành công nghiệp cơ bản khác của một quốc gia, nhưng Iran xuất phát muộn và trình độ thấp trong các mặt này.

Là một quốc gia giàu dầu mỏ, Iran cho đến nay vẫn chưa đóng được các tàu chở dầu có lượng choán nước trên 10.000 tấn hay loại tàu chiến mặt nước có lượng choán nước trên 2.000 tấn, đây chắc chắn là một hạn chế rất lớn đối với Hải quân Iran. Hiện tại, các tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Iran chỉ là một số tàu hộ vệ tự đóng có lượng choán nước 1.500 tấn với tính năng trung bình. Trong khi đó, những năm gần đây, các nước ở Trung Đông nhìn chung đã bắt đầu tăng cường lực lượng tác chiến trên biển, Iran không có nhiều lựa chọn nhập khẩu, kinh phí hải quân eo hẹp trong thời gian dài nên họ đã chuyển sang lĩnh vực máy bay không người lái, trở thành “cái có thể trong không thể”.

Máy bay không người lái Mohajer-1 do Iran tự phát triển (Ảnh: 163).

Máy bay không người lái Mohajer-1 do Iran tự phát triển (Ảnh: 163).

Theo các thông tin về "máy bay không người lái trên hạm" do Hải quân Iran công bố, có thể thấy hình ảnh nhiều máy bay không người lái đặt trên boong phía sau của các tàu mặt nước không lớn lắm, điều này cho thấy những UAV này nhìn chung có kích thước nhỏ và hành trình tất nhiên cũng hạn chế, tính năng tổng thể sẽ không cao lắm và chức năng tương đối đơn giản. Nếu không có gì khác, nhiệm vụ chính của chúng là tấn công cảm tử, gần giống vai trò của tên lửa hành trình hạm đối hạm.

Iran không phải không thể tự mình chế tạo các tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến, nhưng ngân sách quân sự hàng năm thực sự rất hạn chế, và sức mạnh trên biển không phải là mục tiêu đầu tư trọng điểm của lực lượng hải quân; cộng thêm hải quân của Vệ binh Cách mạng cũng chia sẻ một phần ngân sách quân sự. Do đó, việc sử dụng UAV tự sát đơn giản đóng vai trò trinh sát và chống hạm ở một mức độ nhất định đã trở thành cách khả thi nhất trong điều kiện không thể khác.

UAV Mohajer-6 của Iran tương tự TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ và Caihong-3 của Trung Quốc có thể mang 4 tên lửa không đối đất (Ảnh: 163).

UAV Mohajer-6 của Iran tương tự TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ và Caihong-3 của Trung Quốc có thể mang 4 tên lửa không đối đất (Ảnh: 163).

Nhìn chung, việc hải quân Iran thành lập lực lượng máy bay không người lái cấp sư đoàn là tình thế “cái khó ló cái khôn”, các nước lớn và cường quốc quân sự khác sẽ không bắt chước cách tiếp cận này. Xét cho cùng, không quân của hải quân chính quy với các loại máy bay tác chiến có người lái vẫn sẽ chiếm địa vị thống trị trong một thời gian dài sắp tới.

Cơ sở để Mỹ tuyên bố Nga sẽ nhập khẩu UAV của Iran

Tin tức quân sự nổi bật trong tuần trước chắc chắn là Mỹ tuyên bố Iran sẽ cung cấp UAV cho Nga. Hôm 11/7, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ nói Iran sẽ cung cấp hàng trăm máy bay không người lái các loại cho quân đội Nga. Iran đầu tháng này đã huấn luyện các nhân viên kỹ thuật liên quan của quân đội Nga và quân đội Nga sẽ sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất "sớm nhất là trong tháng này".

Các loại máy bay không người lái của Quân đội Iran (Ảnh: 163).

Các loại máy bay không người lái của Quân đội Iran (Ảnh: 163).

Đối với nhiều người, nước Nga kế thừa nền công nghiệp vũ khí từ thời Liên Xô nên thuộc nhóm 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, ngay cả khi Nga muốn tìm kiếm "viện trợ nước ngoài" thì đối tượng của họ phải là Trung Quốc chứ không phải Iran đã bị phong tỏa trong một thời gian dài. Nhưng đối với các nhà quan sát đã theo dõi ngành công nghiệp quân sự của Nga và Iran từ lâu, không có gì ngạc nhiên khi Nga quay sang Iran, vì trình độ máy bay không người lái của Nga thực sự đã tụt lại sau Iran trong một số lĩnh vực. Sau hơn 30 năm phát triển, khả năng máy bay không người lái của Iran đủ sức thay đổi cục diện cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay.

Lực lượng vũ trang Hồi giáo của Iran bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp máy bay không người lái của riêng họ trong cuộc Chiến tranh Iran-Iraq. Năm 1985, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã sáp nhập tài sản công nghiệp của Tổ chức Công nghiệp Hàng không Iran (AIO) trong thời kỳ vương triều Pahlavi, bao gồm một nhà máy sửa chữa máy bay trực thăng do Công ty Bell của Mỹ hỗ trợ, để thành lập ra Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Quds.

Máy bay không người lái RQ-170 của Mỹ bị Iran bắt sống (Ảnh: 163).

Máy bay không người lái RQ-170 của Mỹ bị Iran bắt sống (Ảnh: 163).

Với sự hỗ trợ của các tài năng khoa học và công nghệ của Đại học Jihad Isfahan, cùng năm 1985, Tập đoàn Quds đã phát triển phương tiện bay không người lái đầu tiên của Iran là "Tallash-1" - máy bay không người lái mục tiêu tốc độ chậm được phóng bằng khí nén và thu hồi bằng dù ở cự ly 120 km.

Sau đó, cũng vào năm 1985, công ty này đã phát triển máy bay không người lái thực dụng đầu tiên cho Lực lượng vũ trang Iran, UAV Mohajer-1. Đây là một UAV cỡ nhỏ có cấu hình đuôi kép, trọng lượng 50 kg, được trang bị camera dưới mũi. Máy bay sử dụng động cơ tên lửa để cất cánh và thu hồi bằng dù, có khả năng hoạt động trên không khá lâu so với các UAV cùng loại của các nước.

Sau chiến tranh với Iraq, máy bay không người lái tự sản xuất đã trở thành biểu tượng cho sự tự cường của Iran và chính phủ tiếp tục tập trung phát triển UAV. Mặc dù Iran là một chính quyền kết hợp giữa nhà nước và tôn giáo, nhưng rất coi trọng giáo dục khoa học và kỹ thuật. Sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc, Iran đã từng bước cải thiện quan hệ với một số nước công nghệ phát triển; đông đảo sinh viên Iran cũng đã học hỏi được nhiều kiến ​​thức liên quan từ nước ngoài. Iran cũng thành lập Đại học Hàng không và Vũ trụ, đồng thời mở chuyên ngành hàng không và các chuyên ngành liên quan khác trong các trường đại học.

Các UAV của Iran được cất giấu trong căn cứ ngầm dưới lòng đất (Ảnh: 163).

Các UAV của Iran được cất giấu trong căn cứ ngầm dưới lòng đất (Ảnh: 163).

Tập đoàn Quds và Tập đoàn Chế tạo Máy bay Iran đã được hợp nhất thành Tập đoàn Công nghiệp Hàng không (AIO). Khoản đầu tư vào lĩnh vực hàng không vũ trụ trong những năm 1990 đã trở thành cơ sở học thuật và công nghiệp để Iran “bùng nổ” các máy bay không người lái sau đó.

Mặt khác, ngành công nghiệp máy bay không người lái của Iran cũng không thiếu đầu vào. Cuộc chiến Trung Đông kéo dài 30 năm của Mỹ đã giúp Iran tiếp xúc trực tiếp với các UAV tiên tiến nhất thế giới theo đúng nghĩa đen. Trong cuộc chiến ở Iraq năm 2004, các đặc vụ Iran đã trực tiếp tiếp xúc với xác máy bay không người lái MQ-1 Predator mà quân đội Mỹ mới đưa vào phục vụ năm 2001; trong cuộc đối đầu giữa Lebanon và Israel, Hezbollah đã bắt được một số máy bay không người lái cảm tử "Harpy" của Israel; vào năm 2008, 1 máy bay không người lái Hermes 450 của Anh bị rơi ở miền nam Iran trong một nhiệm vụ do thám bí mật; sau đó vào năm 2011, Iran đã bắt sống loại UAV cấu hình cánh bay tiên tiến RQ-170 của quân đội Mỹ thông qua chiến tranh điện tử, trở thành một điểm nóng của dư luận quốc tế lúc bấy giờ. Ngoài ra, vào năm 2018, Iran cũng bắt được một máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ.

UAV Ababil-5 mang vũ khí trong hầm ngầm (Ảnh: 163).

UAV Ababil-5 mang vũ khí trong hầm ngầm (Ảnh: 163).

Kinh nghiệm đấu tranh lâu dài đã giúp Iran xác lập phương hướng phát triển UAV, một mặt Iran tiếp tục phát triển hệ thống cải tiến các dòng UAV nội địa, mặt khác cho ra đời các UAV phỏng chế.

Ngoài các máy bay không người lái của phương Tây, trong những năm gần đây, tại Yemen, sự ủng hộ của Iran đối với Phong trào Houthis cũng đã giúp Iran tiếp cận với công nghệ máy bay không người lái của các cường quốc phương Đông. Một liên minh do Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dẫn đầu đã tham gia vào cuộc xung đột chống lại phong trào Houthis Yemen kể từ năm 2015. Với sự hỗ trợ của Iran, Phong trào Houthis đã bắn hạ các loại Caihong-4, Caihong-5, Wing Loong-1 và Wing Loong-2 do Trung Quốc chế tạo. Iran đã nhân cơ hội này để nghiên cứu các máy bay không người lái này.

Trên lộ trình cải tiến, sau khi bước vào những năm 1990, Tập đoàn "Quds" của Iran tiếp tục phát triển loạt UAV " Mohajer" và có nhiều mẫu khác nhau như Mohajer-2, 3, 4 và 6. Ngoài ra, công ty sản xuất máy bay Iran cũng đã phát triển nhiều mẫu máy bay như Ababil-3, 4, 5 để cạnh tranh với nó. Sau quá trình phát triển máy bay không người lái "Mohajer -6" trinh sát kết hợp chiến đấu, nhóm nghiên cứu máy bay không người lái Iran đã cố gắng chế tạo một UAV có cùng cấp độ với "Predator" của Mỹ. Sản phẩm là dòng máy bay không người lái "Fotros". Sau đó, trên nền tảng của “Fotros”, tiến bộ công nghệ đã tạo cho Iran sự tự tin để chế tạo ra Kaman, một loại UAV tương tự cấp độ Wing Loong-1 của Trung Quốc.

UAV Kaman-22 được cho là phỏng chế Wing Loong-1 của Trung Quốc .

UAV Kaman-22 được cho là phỏng chế Wing Loong-1 của Trung Quốc .

Sau hơn 30 năm nghiên cứu phát triển và bắt chước, Iran đã có một dây chuyền sản xuất quy trình đầy đủ cho ngành công nghiệp máy bay không người lái. Hiện tại, Iran là quốc gia có số lượng máy bay không người lái lớn nhất ở Trung Đông. Cả hệ thống quân đội chính phủ và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đều được trang bị các máy bay không người lái trinh sát tấn công. Vào ngày 28 tháng 5 năm nay, quân đội Iran đã lần đầu tiên công bố căn cứ máy bay không người lái số 313 được xây dựng ngầm dưới mặt đất. Căn cứ này là cơ sở tác chiến chuyên dụng của các máy bay không người lái lớn, vừa và nhỏ của Iran.

Xét trên góc độ năng lực, hiện nay Iran hoàn toàn có thể sử dụng việc "cung cấp UAV cho Nga" như một "quân bài" để chủ động kiếm ngoại tệ cho mình.