Thứ “bảo bối” để huấn luyện chiến thuật tiêu diệt F-35
Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc ngày 3/9 đưa tin, trường Đại học Công nghiệp Tây Bắc mới đây đã trưng bày mẫu máy bay không người lái mục tiêu tàng hình đầu tiên mang tên LJ-1 (Lijian = Lệ Kiếm, tức Mài Kiếm) tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế (MAKS) ở Zhukovsky, phía đông nam Moscow.
Được biết, máy bay mục tiêu là loại máy bay không người lái đóng vai trò của loại máy bay địch giả tưởng dùng trong huấn luyện di động không đối không. Loại máy bay mục tiêu này giá thành rẻ và có thể bay thành biên đội gióng như trong thực tế chiến đấu. Theo giới thiệu của Đại học Công nghiệp Tây Bắc, LJ-1 dài 4,7 mét, có thể đóng vai trò của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thế hệ thứ năm, với chức năng tàng hình và khả năng bay tầm xa, tính năng cơ động cao và khả năng gây nhiễu chống radar. Theo một chuyên gia quân sự giấu tên, LJ-1 có thể đóng vai trò của máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
F-35, loại máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại mà Trung Quốc khao khát tìm cách chế ngự. Ảnh: Internet
|
Nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 3 tháng 9 đã đưa tin Trung Quốc có một loại máy bay bia không người lái có chức năng tàng hình, có thể sử dụng cho huấn luyện chiến thuật chống lại máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và lấy đó làm cơ sở để phát triển vũ khí mới. Quân đội Mỹ gần đây tuyên bố, đến năm 2025, sẽ triển khai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương 225 máy bay chiến đấu tàng hình F-35. 225 máy bay chiến đấu này không chỉ bao gồm 40 máy bay chiến đấu F-35A mà Không quân Hàn Quốc sẽ sở hữu, mà cả số máy bay F-35 của Nhật Bản và Australia, cũng như máy bay F-35 của quân đội Mỹ.
Ngoài 40 chiếc F-35A mà Không quân Hàn Quốc dự định nhập khẩu từ năm nay đến năm 2021, quân đội Mỹ tại Hàn Quốc sẽ triển khai hàng chục chiếc F-35A tại Hàn Quốc để thay thế máy bay chiến đấu F-16 hiện tại. Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng căn cứ chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Không quân Mỹ đang triển khai vũ khí theo thông lệ”. Nhân sĩ có liên quan của quân đội Hàn Quốc cho biết: “Ý định triển khai F-35A của quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc không chỉ kiềm chế Triều Tiên, mà còn dựa trên những cân nhắc về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đối phó với các quốc gia như Trung Quốc”. Trung Quốc có kế hoạch tăng số lượng máy bay chiến đấu tàng hình do họ tự nghiên cứu phát triển J-20 lên đến hơn 200 chiếc.
Quảng cáo về LJ-1 tại Triển lãm hàng không Moscow 2019. Ảnh: Kknews
|
Nga cũng cho biết sẽ triển khai 76 máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 vào trước năm 2028.
Nếu tình hình phát triển theo xu thế này, dự tính đến năm 2025 sẽ có khoảng hơn 500 máy bay chiến đấu tàng hình các loại và các loại vũ khí chống lại chúng được bố trí xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Vũ khí hữu hiệu đa năng trong chiến tranh tương lai
Theo báo chí Trung Quốc, LJ-I này là một UAV tàng hình đầu tiên tốc độ cận âm có khả năng tàng hình, tính cơ động cao và gây nhiễu điện tử để có thể mô phỏng một phần đặc điểm loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm.
Máy bay không người lái LJ -1 dài 4,7 mét, rộng 2,5 mét, tốc độ hành trình Mach 0,6-0,8, trần bay 10.000 m, tình trạng quá tải tức thời tối đa 9G, thời gian bay một giờ, được thả từ máy bay mẹ trên không. Tại Triển lãm hàng không Moscow, gian hàng của Đại học Công nghiệp Tây Bắc đã trình diễn video hoạt hình mô tả máy bay ném bom H-6K phóng UAV mục tiêu tàng hình LJ-1.
Trong video, chiếc H-6K cùng lúc thả nhiều UAV không người lái LJ-1 tàng hình, tạo thành biên đội chiến đấu mô phỏng phát động tấn công tàu khu trục 052D từ các hướng khác nhau. Hệ thống radar của khu trục hạm 052D đã phát hiện và “bắt được” hiệu quả đội hình máy bay tàng hình, sử dụng tên lửa phòng không và pháo phòng không tầm gần bắn hạ thành công tất cả các máy bay mục tiêu, bao gồm cả mục tiêu bay ở độ cao thấp
Chiếc LJ-1 mẫu được trưng bày tại Triển lãm hàng không Moscow 2019. Ảnh: Kknews
|
Tuy kích thước của LJ-1 tương đối nhỏ, nhưng có công nghệ tàng hình không quá cao, tín hiệu phản xạ radar được coi là có thể tương tự máy bay F-35. Bằng cách trang bị máy bay không người lái tàng hình như vậy, có thể triển khai huấn luyện hiệu quả để mô phỏng việc đối đầu với máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Tính năng lớn nhất của LJ-1 không chỉ ở tính năng tàng hình, mà còn có đủ các thủ đoạn chống lại hệ thống phòng không như di động trên không, đối kháng điện tử, giúp nâng cao rất nhiều tính chân thực của việc huấn luyện, diễn tập. Hơn nữa, khả năng tạo thành biên đội của UAV này cũng rất khác so với các máy bay không người lái kiểu cũ chỉ có thể là mục tiêu đơn chiếc.
LJ-1 cũng có thể được sử dụng như một “cỗ máy trung thành” để tác chiến biên đội cùng với máy bay tàng hình J-20. Loại máy bay không người lái giá thành thấp này đang phát triển nhanh chóng và có thể được sử dụng với máy bay chiến đấu có người lái để thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm xa có độ nguy hiểm cao hoặc tấn công tự sát như một tên lửa hành trình tàng hình làm giảm đáng kể rủi ro cho hoạt động của loại máy bay có người lái.
Cũng có chuyên gia cho rằng LJ-1 hoàn toàn có thể phát triển thành loại máy bay chiến đấu “con” dùng cho chiến tranh trong tương lai, có thể cùng với các loại máy bay chiến đấu tàng hình như J-20 tạo thành biên đội tác chiến, trở thành “cánh tay nối dài” của J-20.
(Theo Đa Chiều, Kknews)