Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã triệt phá một nhóm đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia qua Internet.
Nhóm đối tượng phạm tội do Dalaxy Dave (người Nigeria, hiện đang sinh sống tại Campuchia) cầm đầu, chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Daxaly trực tiếp sử dụng Facebook, Zalo, Whatsapp... kết bạn với các bị hại người Việt Nam.
Đối tượng này làm quen, trò chuyện tạo lòng tin với bị hại, sau đó dùng các thủ đoạn như giả danh quân nhân Mỹ gửi tặng quà có giá trị lớn về Việt Nam, kêu gọi đầu tư, góp vốn kinh doanh tại nước ngoài,... để yêu cầu bị hại nộp tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.
Cũng theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, sau khi số tiền được chuyển vào tài khoản chỉ định, Dalaxy chỉ đạo các nhóm đối tượng cấp dưới điều phối khâu rút tiền. Các đối tượng “cấp một” chỉ đạo nhóm các đối tượng cấp dưới là người Việt Nam đi rút tiền, sau đó giao lại cho tên cầm đầu. Sau mỗi phi vụ thực hiện trót lọt, các đối tượng được trả công từ 2 đến 10% số tiền rút.
Để có được số tài khoản ngân hàng cung cấp cho đầu trên, băng nhóm này sử dụng giấy chứng minh thư giả và sim rác mở nhiều tài khoản ngân hàng hoặc mua lại tài khoản ngân hàng từ các đối tượng khác để nhận tiền lừa đảo.
Thông qua quá trình điều tra xác minh, các cơ quan chức năng xác định đây là một tổ chức tội phạm quốc tế xuyên quốc gia và có tính chất phức tạp. Nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức, câu kết chặt chẽ giữa người nước ngoài với người Việt Nam. Các cá nhân trong đường dây được phân công thực hiện các hành vi phạm pháp như làm chứng minh thư giả, mở tài khoản ngân hàng, luân chuyển dòng tiền từ các tài khoản ngân hàng được thu mua trước đó, rút và nhận tiền, thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài.
Trong quá trình truy bắt, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm không có biên giới. Các đối tượng phạm tội dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt các lực lượng chức năng như ẩn danh địa chỉ IP, sử dụng chứng minh thư, tài khoản ngân hàng giả, sử dụng sim điện thoại rác, chỉ liên lạc với nhau qua mạng xã hội.
Các đối tượng khi đi rút tiền đều trang bị mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang, đeo kính đen, dùng biển số giả để không lộ mặt tại camera an ninh trong khu vực ATM. Các đối tượng này cũng chỉ sử dụng tên giả, thường xuyên thay đổi chỗ ở, khi lưu trú không đăng ký tên mà nhờ người Việt Nam đứng tên.
Chỉ trong thời gian ngắn, Cơ quan cánh sát điều tra - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố và bắt tạm giam 11 đối tượng (trong đó có 7 đối tượng người nước ngoài) để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Cơ quan chức năng thu giữ 18 máy điện thoại, 2 máy tính xách tay, trong đó có chứa các nội dung nói chuyện, hình ảnh các giấy chuyển tiền của các bị hại liên quan đến hoạt động lừa đảo; 56 thẻ ATM; 53 giấy CMND giả, 4 xe máy, 500 triệu đồng tiền mặt. Tổng số tiền lừa đảo và chiếm đoạt trên phạm vi cả nước ước tính lên đến hơn 120 tỷ đồng.