Finhay đã cứu Vina Securities khỏi diện đình chỉ hoạt động như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Finhay - công ty fintech có sự hậu thuẫn của Chứng khoán Thiên Việt (Mã CK: TVS) - đã hoàn tất việc thâu tóm công ty chứng khoán Vina Securities.

CEO Finhay Nghiêm Xuân Huy (Ảnh: Finhay)
CEO Finhay Nghiêm Xuân Huy (Ảnh: Finhay)

Trên trang Facebook cá nhân, ông Nghiêm Xuân Huy - nhà sáng lập Finhay - vừa cho biết 'startup' này đã chính thức mua CTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities), qua đó trở thành công ty fintech đầu tiên trong mảng đầu tư số sở hữu một công ty chứng khoán.

Thông tin này được ông Huy chia sẻ chỉ ít ngày sau khi Vina Securities được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đồng ý chấm dứt tình trạng đình chỉ hoạt động. UBCKNN cho hay, Vina Securities đã khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và duy trì điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.

Như VietTimes từng đề cập, nhóm Finhay đã thâu tóm lượng lớn cổ phần Vina Securities từ cuối năm ngoái.

Cụ thể, ngày 9/12/2021, toàn bộ các cổ đông Hàn Quốc (bao gồm 12 thể nhân và 3 pháp nhân) đồng loạt triệt thoái vốn khỏi Vina Securities. Bên mua là Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam (viết tắt: Finhay Việt Nam SD) với tỉ lệ sở hữu 95,6% vốn điều lệ, tiếp đến là bà Vũ Thanh Vân và ông Nghiêm Xuân Huy với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 3,9% và 0,5% vốn điều lệ.

Hậu đổi chủ, vào tháng 1/2022, Vina Securities đã hoàn tất đợt phát hành thêm 8,5 triệu cổ phiếu cho Finhay Việt Nam SD để nâng quy mô vốn điều lệ lên 358,59 tỉ đồng. Đồng thời, nhà sáng lập Finhay – ông Nghiêm Xuân Huy – được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Vina Securities.

Việc Vina Securities khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt có thể coi là dấu ấn đáng chú ý đầu tiên của nhóm Finhay ở công ty chứng khoán này.

Bởi lẽ, sau nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả, tính đến ngày 31/12/2021, Vina Securities ghi nhận khoản lỗ luỹ kế lên tới 263,1 tỉ đồng, ‘bào mòn’ gần hết vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Ở một giác độ khác, việc có thêm một ‘mảnh ghép’ như Vina Securities sẽ giúp cho fintech ra đời từ năm 2017 hoàn thiện thêm chuỗi giá trị trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán.

Lưu ý rằng, đằng sau sự phát triển của Finhay là bóng dáng của một công ty chứng khoán, cụ thể là CTCP Chứng khoán Thiên Việt (Mã CK: TVS).

Tính đến cuối năm ngoái, TVS ghi nhận giá gốc của khoản đầu tư vào Finhay Việt Nam ở mức 62,4 tỉ đồng, tăng gần 7 lần so với thời điểm cuối năm 2020.

Ngoài TVS, Finhay còn ghi nhận sự góp mặt của các cổ đông ngoại. Cập nhật tới ngày 6/5/2022, Finhay có vốn điều lệ 133,5 tỉ đồng, trong đó 2 nhà đầu nước ngoài nắm giữ 47,4% vốn, bao gồm: Valence Private Investments Limited (3,344% VĐL) và Finhay Pty Ltd (44,095% VĐL)./.