Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, một trong số 7 tượng đài bị phá dỡ là chiếc xe tăng T-34 của Liên Xô được đặt tại một đài tưởng niệm trong một bảo tàng ở thành phố Narva lớn thứ ba Estonia. Cảnh sát địa phương sáng thứ Ba (16/8) đã cấm dân chúng đến thăm đài tưởng niệm và các di tích gần đó, và cử nhân viên đến canh gác. Sau đó, họ cho tiến hành tháo dỡ và chất chiếc xe tăng lên một chiếc xe kéo rồi chuyển nó đến Bảo tàng Chiến tranh Estonia nằm ở phía bắc thủ đô Tallinn cách đó 200 km.
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Estonia (ERR), Chính phủ Estonia cho biết động thái này “nhằm ngăn cản người dân nhìn thấy các di tích trong thời kì diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, từ đó gây thêm sự thù địch trong xã hội”.
Ngoại trưởng Estonia, Urmas Reinsalu, cho rằng “Liên Xô trước đây cho xây dựng các tượng đài như vậy để làm đẹp cho việc họ chiếm đóng Estonia, vì vậy chúng không nên xuất hiện ở những nơi công cộng ở Estonia”.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng bà lo ngại rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ làm bùng phát căng thẳng ở thành phố Narva. Bà nói: "(Chính phủ Estonia) sẽ không cho phép Nga sử dụng lịch sử để ảnh hưởng đến hòa bình ở Estonia. Do tình hình ở xung quanh Narva hiện nay, chúng tôi cần phải nhanh chóng hành động để đảm bảo trật tự và an ninh công cộng."
Tượng đài kỉ niệm Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Narva (Ảnh: Đông Phương). |
Narva là thành phố lớn thứ ba của Estonia và giáp với lãnh thổ Nga, thống kê năm 2013 cho thấy thành phố Narva có dân số hơn 50.000 người, trong đó khoảng 88% là người Nga.
Xe tăng huyền thoại T-34 được Liên Xô phát triển trước Chiến tranh thế giới thứ 2. Tính đến cuối Thế chiến thứ hai, tổng sản lượng của các loại xe tăng chủ lực T-34/76 và T-34/85 đã vượt quá 40.000 chiếc, và trở thành loại xe tăng có số lượng lớn nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Theo Hãng tin Nga Sputnik, cùng ngày 16/8, Estonia đã đóng cửa biên giới Narva-Ivangorod giữa Nga và Estonia. Người ta suy đoán rằng điều này có liên quan đến việc Estonia phá bỏ tượng đài xe tăng T-34 và các tượng đài khác của Liên Xô ở thành phố Narva.
Estonia cũng sẽ đóng cửa biên giới trong tuần này đối với hơn 50.000 công dân Nga đã được cấp thị thực vào nước này, Reuters ngày 16/8 đưa tin, nói Estonia là quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên áp dụng cách tiếp cận này, điều này sẽ gây khó khăn cho các công dân Nga bình thường khi muốn vào EU.
Bộ trưởng Ngoại giao Urmas Reinsalu nói rằng chính phủ Estonia đang xem xét việc đóng cửa hoàn toàn biên giới giữa Estonia và Nga. "Ngoại trừ các trường hợp nhân đạo đặc biệt của cá biệt gia đình, chúng tôi sẽ bãi bỏ tất cả các thị thực Schengen hiện đang có hiệu lực (đối với những người đã được cấp)."
Do nhiều nước châu Âu đóng cửa không phận đối với Nga, nhiều người Nga đã chọn cách nhập cảnh vào ba nước Baltic và Phần Lan, sau đó bay đến các khu vực khác của châu Âu bằng thị thực Schengen. Thị thực Schengen cho phép người sở hữu nó đi đến 26 quốc gia châu Âu và khu vực Schengen không biên giới trong vòng 90 ngày. Theo báo cáo, hiện có khoảng 2.500 công dân Nga nhập cảnh vào Estonia mỗi ngày và khoảng một nửa trong số họ có thị thực Schengen.
Ngoài Estonia, hai quốc gia vùng Baltic khác là Latvia, Lithuania và Cộng hòa Séc cũng đã ngừng cấp thị thực cho công dân Nga. Phần Lan thông báo kể từ ngày 1/9 tới đây cũng sẽ giảm số lượng thị thực cấp cho người Nga xuống còn 10% so với số lượng hiện nay.
Trước đó, ngày 13/8 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra lời kêu gọi các nước EU cấm cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Nga nhằm ngăn EU trở thành "siêu thị" cho giới nhà giàu Nga. Ông Zelensky cũng chỉ ra rằng đề xuất cấm thị thực sẽ không áp dụng cho những công dân Nga phản đối các chính sách của Tổng thống Putin và cần được giúp đỡ.
Thường ngày, nhiều người dân Narva đến đặt hoa tại tượng đài (Ảnh: Sputnik). |
Liên quan đến việc phía Estonia dỡ bỏ các tượng đài, ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố: "Những tượng đài này là để tưởng nhớ những người đã cứu châu Âu khỏi thảm họa chủ nghĩa phát xít. Hành động này (dỡ bỏ các tượng đài) là thái quá khiến người ta phẫn nộ."
Estonia trong lịch sử đã bị Đan Mạch, Thụy Điển, Đức và nước Nga Sa hoàng cai trị trong nhiều thế kỷ. Năm 1918, Estonia tuyên bố độc lập. Năm 1940, Liên Xô đưa quân vào và sáp nhập Estonia theo Hiệp ước Không xâm lược Xô-Đức.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Estonia bị mất 220.000 người, tương đương 1/5 dân số trước chiến tranh, 80.000 người phải đi lưu vong ở các nước phương Tây. Estonia nói đã bị chính quyền Xô viết trả đũa trong phần sau của Thế chiến thứ hai vì chính phủ nước họ đã hợp tác với Đức với ý đồ dựa vào Đức Quốc xã khôi phục độc lập. Lực lượng Liên Xô đã ném bom các thành phố như Tallinn và Narva. Liên Xô cũng được cho là đã thực hiện các vụ bắt giữ và hành quyết hàng loạt sau khi giành lại Estonia từ tay quân Đức vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Năm 1991, Liên bang Xô viết giải thể và Estonia tuyên bố độc lập.