Đối với các nhà đầu tư dõi theo cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings (Apax Holdings), những giao dịch của bộ ba Egroup – Apax Holdings – Apax English, với dấu ấn của vị doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy (“Shark” Thủy), đã không còn quá xa lạ.
Apax Holding – Apax English
Tháng 12/2019, HĐQT Apax Holdings đã thông qua kế hoạch mua 6,6 triệu cổ phần tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) từ ông Nguyễn Ngọc Thủy với giá 53.000 đồng/cổ phiếu. Mục tiêu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của Apax Holdings tại Apax English lên 79,69% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, một phần nguồn vốn để Apax Holdings thực hiện kế hoạch kể trên lại được công ty này vay từ chính Apax English, với hạn mức lên tới 350 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm.
Cập nhật tại ngày 30/6/2020, Apax Holdings ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn hơn 256 tỷ đồng với ông Nguyễn Ngọc Thủy. Trong đó, chủ yếu là khoản tạm ứng ngắn hạn, đặt cọc và lãi đặt cọc mua cổ phần Apax English theo thỏa thuận chuyển nhượng.
Apax Holdings gửi “shark” Thủy hàng trăm tỷ đồng mua cổ phần Apax English |
Điều đáng nói, Apax Holdings dự kiến sẽ dùng 250 tỷ đồng số tiền thu về từ phát hành trái phiếu để cơ cấu nợ, 50 tỷ đồng để tăng quy mô hoạt động. Mà cụ thể hơn là kết hợp với vốn tự có để bổ sung vốn lưu động cho Apax Holdings và tái cơ cấu khoản nợ vay tại chính Apax English.
Với những chi tiết kể trên khiến “nước cờ” trái phiếu của Apax Holdings gây nhiều băn khoăn cho giới đầu tư.
Dẫu vậy, việc liên tiếp rót vốn để sở hữu cổ phần chi phối tại Apax English cũng giúp Apax Holdings đặt nền móng phát triển chuỗi trung tâm đào tạo tiếng anh cho trẻ em Apax English/Apax Leaders trên khắp cả nước.
Đi cùng với tốc độ phát triển các trung tâm với mô hình giảng dạy hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0, dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của Apax English cũng gia tăng đáng kể.
Nếu như năm 2016, Apax English chỉ ghi nhận doanh thu đạt 163,98 tỷ đồng, báo lãi thuần 8,38 tỷ đồng thì tới năm 2019, chuỗi trung tâm này ghi nhận doanh thu đạt tới 1.482,34 tỷ đồng, báo lãi 113,22 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quy mô tổng tài sản của Apax English cũng gia tăng gấp 6 lần so với cuối năm 2016, đạt mức 2.445,6 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Tầm vóc của Egroup
Trong bộ ba Egroup – Apax Holdings – Apax English, CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup (Egroup) là công ty mẹ của Apax Holdings, nhiều lần tham gia vào các thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, rót vốn cho doanh nghiệp này thâu tóm cổ phần Apax English.
Tháng 6/2020, HĐQT Apax Holdings đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Egroup với giá phát hành tối thiểu là 19.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong Quý 3 – Quý 4/2020.
Với số tiền 380 tỷ đồng dự kiến thu về, Apax Holdings muốn dành 370 tỷ đồng sử dụng để thanh toán gốc vay của Apax English, còn 10 tỷ đồng sẽ sử dụng bổ sung cho vốn lưu động.
Thành lập từ tháng 9/2008, Egroup tiền thân là CTCP Tập đoàn Giáo dục Egame. Đây chính đơn vị tổ chức và sở hữu một game giáo dục khá nổi tiếng, mang tên “Chinh phục vũ môn” thu hút sự tham gia hàng trăm ngàn học sinh trên khắp cả nước trong mỗi lần tổ chức.
Trong 4 năm gần nhất, doanh thu của Egroup liên tục tăng trưởng mạnh qua từng năm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Egroup bất ngờ suy giảm vào năm 2019 với khoản lỗ thuần 0,5 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của Egroup đạt mức 1.354,6 tỷ đồng, phần lớn nguồn lực đến từ vốn chủ sở hữu với giá trị đạt 1.087 tỷ đồng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngoài Apax Holdings, Egroup còn tham gia góp vốn tại cả chục công ty khác, trong đó có thể kể tới một số cái tên như: CTCP Công nghệ phẳng Trường Thành, CTCP Kỹ thuật và Thương mại Gia Vũ, CTCP Đầu tư Efarm Việt Nam, CTCP Tập đoàn Ozen, CTCP CMS Holdings, CTCP Giải pháp cổng thông tin./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu