Một trong các “tội lỗi” khiến bộ phận phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng giận dữ nhất chính là việc giới nhà giàu sử dụng những tài khoản giấu tên ở nước ngoài để che giấu mức độ giàu có. Hy Lạp đã rơi vào trường hợp này khi dữ liệu bị đánh cắp từ các ngân hàng Thụy Sĩ được tiết lộ năm 2010 cho thấy các chính trị gia và những nhân vật sừng sỏ khác ở Hy Lạp trước đó đã tận dụng luật im lặng để che giấu tài sản ở nước ngoài. Thủ tướng mới đắc cử của Hy Lạp đã hứa hẹn sẽ dẫn đầu “cuộc chiến” chống lại các “ông trùm” trong chiến dịch tranh cử của ông.
Tuy nhiên, giới nhà giàu và những kẻ trốn thuế hiện không còn nhiều nơi để “trốn”. Đạo luật có tên gọi FATCA được Mỹ thông qua năm 2010 đã buộc hàng nghìn định chế tài chính nước ngoài phải báo cáo chi tiết về tài khoản của khách hàng Mỹ cho Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). EU cũng đang củng cố các biện pháp chống trốn thuế như yêu cầu các nước thành viên tăng cường trao đổi thông tin. Và, năm ngoái, hơn 80 nước đã thông qua “tiêu chuẩn báo cáo chung” (CRS) được thiết lập bởi OECD. Mặc dù không thể loại bỏ hết các trường hợp trốn thuế, CRD là một bước tiến lớn.
Giới chức Mỹ vẫn còn việc để làm với Thụy Sĩ – một cuộc điều tra nhằm vào ngân hàng UBS vừa được khởi động. Tuy nhiên, họ cũng đi theo dòng tiền ở các thiên đường thuế khác. Cuối năm ngoái, ngân hàng lớn nhất Israel là Bank Leumi đã trả 400 triệu USD để dàn xếp cuộc điều tra từ phía Mỹ. Panama cũng là cái tên được chú ý.
Trong khi đó, các nước châu Âu muốn nhằm vào những nhân vật nổi tiếng. Tây Ban Nha theo dõi các cầu thủ bóng đá và công chúa, trong khi Italy đặc biệt chú ý đến các biểu tượng của ngành thời trang. Anh điều tra những người nổi tiếng. Đức thể hiện nỗ lực chống trốn thuế bằng cách mua dữ liệu ngân hàng bị đánh cắp. Ngân hàng UBS vừa nộp phạt 1,1 tỷ euro cho giới chức Pháp.
Châu Âu cũng đang học tập Mỹ trong chính sách thu tiền phạt. Nước Mỹ đã thu được hơn 7 tỷ USD từ 50.000 người trốn thuế kể từ năm 2009 trong khuôn khổ một chương trình cho phép họ không phải ngồi tù nếu nộp phạt. Hiện số tiền nộp phạt có thể đã ngang bằng với số tiền bị che giấu.
Trong bối cảnh các thị trường mới nổi tăng trưởng chậm lại, họ cũng háo hức đi tìm nguồn thu ngân sách mới. Argentina hiện đang tìm cách khép tội hình sự cho ngân hàng HSBC. Đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận và giá dầu giảm, Nga đang nhằm vào “bánh sandwich Síp” – trạm trung chuyển tiền từ Nga sang quần đảo Virgin của vương quốc Anh.
Con đường tiến tới minh bạch thuế trên toàn cầu không bao giờ bằng phẳng. Ví dụ, mặc dù FATCA có tác dụng đối với Trung Quốc, Hồng Kông có vị trí rất thuận lợi đối với những kẻ trốn thuế. Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ CRS có phù hợp với các kế hoạch của Mỹ và châu Âu hay liệu có phải các nước nghèo hơn nhưng cũng đau đầu với trốn thuế sẽ trục lợi từ sáng kiến của OECD. Một báo cáo được công bố hôm 1/2 ước tính rằng châu Phi cũng mất hơn 60 tỷ USD mỗi năm vì trốn thuế.
Và, mặc dù FATCA tỏ ra khó tính với các ngân hàng nước ngoài, chính Mỹ cũng khá chậm chạp trong việc cung cấp dữ liệu cho bên thứ ba. Thêm vào đó, các bang không đáp lại lời kêu gọi thu thập thông tin về người thụ hưởng. Thụy Sĩ có thực sự muốn minh bạch hóa hay không cũng là điều chưa chắc chắn. Chắc chắn việc trao đổi dữ liệu giữa các quốc gia sẽ rất chậm chạp.
Nhiều cơ quan thuế đã phải chứng kiến nguồn thu sụt giảm. Một luật sư chuyên về thuế nổi tiếng cho biết IRS đã bỏ không dữ liệu thu thập được trong nhiều năm nay. Các thủ thuật trốn thuế cũng ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nỗ lực chống trốn thuế trên toàn thế giới. Và, nỗi giận dữ của công chúng vẫn chưa hề nguôi.
Theo InfoNet