Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) đã nâng tỉ lệ nắm giữ tại Công ty Cổ phần Zion (đơn vị quản lý, vận hành ví điện tử ZaloPay) từ 72,65% lên 99,99%, với tổng giá trị đầu tư hơn 5.141 tỷ đồng. Đây là công ty con duy nhất được VNG góp thêm vốn.
Trước đó, hồi cuối quý I, giá trị đầu tư vào Zion chỉ ghi nhận 3.364 tỷ đồng. Như vậy, VNG đã rót thêm khoảng 1.777 tỷ đồng vào ZaloPay trong quý II/2024.
Dù được VNG liên tiếp rót tiền, song Zion vẫn chưa thể đem lại lợi nhuận cho công ty mẹ. Ngược lại, chủ sở hữu ZaloPay liên tiếp thua lỗ.
Tính đến ngày 30/6/2024, khoản lỗ luỹ kế lên tới 4.700 tỷ đồng. Tính riêng nửa đầu năm nay, đơn vị này lỗ sau thuế 232 tỷ đồng. Mức đỉnh điểm thua lỗ là năm 2022 với mức lỗ 1.310 tỷ đồng.
Ngoài Zion, nhiều công ty khác thuộc VNG cũng rơi vào cảnh thua lỗ triền miên như VNG Singapore (lỗ luỹ kế 497 tỷ đồng), XFM (lỗ luỹ kế 66 tỷ đồng), công ty mẹ VNG (lỗ luỹ kế 3.178 tỷ đồng), VNG DC (lỗ luỹ kế 75 tỷ đồng), KMZ (lỗ luỹ kế 81 tỷ đồng), Instpay SG (lỗ luỹ kế 23 tỷ đồng)….
Tổng cộng, tại thời điểm ngày 30/6/2024, VNG đang gánh khoản lỗ luỹ kế từ các công ty này là 8.668 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 1.821 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2023.
Kết quả thua lỗ của các công ty này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của VNG. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy, nửa đầu năm 2024, công ty lỗ sau thuế 585 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ sau thuế 1.205 tỷ đồng.
"Kỳ lân công nghệ" này đã trải qua 11 quý kinh doanh thua lỗ, khiến vốn chủ sở hữu "bốc hơi" 2.937 tỷ đồng, chỉ còn lại 1.680 tỷ đồng.
Không chỉ được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi nguồn tài chính dồi dào từ VNG, ZaloPay còn phát triển dựa trên lượng khách hàng tiềm năng từ Zalo – ứng dụng nhắn tin và gọi điện phổ biến do VNG phát triển.
Tính đến tháng 6/2024, Zalo là ứng dụng nhắn tin số 1 tại Việt Nam với 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 1,9 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày. Điều này giúp ZaloPay lọt vào nhóm ví điện tử có lượng tài khoản lớn nhất tại Việt Nam, cùng với MoMo, ShopeePay và VNPAY.
Dù là ứng dụng phổ biến, song theo Vietdata, tình trạng thua lỗ của Zalo lại đứng đầu ngành.
Trước đó, ngày 6/9, hình ảnh nhiều cảnh sát xuất hiện tại trụ sở VNG ở quận 7, TP.HCM được đăng tải. Trong phiên giao dịch chiều ngày 6/9, cổ phiếu của VNG giảm sàn gần 13%. Đầu phiên giao dịch chiều 13h14 phút, mã cổ phiếu VNZ rớt gần 13%, xuống còn 450.000/cổ phiếu.
Đến 13h58 phút, giá cổ phiếu VNZ phục hồi trở lại 470.000/cổ phiếu, song vẫn giảm 8,74%. Khối lượng mua chủ động 5.350 cổ phiếu; khối lượng bán chủ động 7.550 cổ phiếu.
Diễn biến sự việc xảy ra 3 ngày trước lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của VNG, dự kiến tổ chức vào ngày 9/9.
Doanh nghiệp này nói rằng "Công an TP.HCM đã đến thanh tra đột xuất trụ sở VNG Campus". Công tác thanh tra vẫn đang diễn ra và VNG đang phối hợp với cơ quan công an trên tinh thần tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đêm 6/9, Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) cho biết ông Kelly Wong, Phó Tổng giám đốc VNG, sẽ đảm nhiệm cương vị Quyền Tổng Giám đốc. VNG cam kết khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan.
Đại diện VNG cho biết: "Cho tới thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh và vận hành của VNG vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty vẫn đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng".
Thông báo này không đề cập tới vai trò của nhà sáng lập Lê Hồng Minh, người nhiều năm qua đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc VNG.
Trước khi có quyết định về nhân sự, Ban lãnh đạo cấp cao của kỳ lân công nghệ VNG gồm 5 người. Trong đó, ông Lê Hồng Minh là Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc; ông Vương Quang Khải là Đồng sáng lập, Phó tổng giám đốc điều hành - là người có vai trò cao thứ hai trong công ty sau ông Lê Hồng Minh.
Ông Nguyễn Lê Thành là Phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh Chuyển đổi số (Digital Business); Ông Kelly Wong là Phó Tổng Giám đốc Khối Trò chơi trực tuyến tại VNG, còn ông Raymond Tan là Giám đốc Tài chính.