Đừng khoác cho Táo quân chiếc áo quá rộng

"Không nên khoác cho Táo quân một chiếc áo quá rộng và thêu dệt lên đó những chi tiết gây tò mò, vì đơn giản đó chỉ là chương trình hài để phát sóng trên truyền hình".
Đừng khoác cho Táo quân chiếc áo quá rộng

Dù còn không ít ý kiến khác nhau, Táo quân 2016 nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả truyền hình. Hài hước với các vấn đề thời sự, nhưng để không sa vào chọc cười dễ dãi lại cần sự nỗ lực lâu dài của cả một êkip chuyên nghiệp và tâm huyết.

Không kiệm lời với báo chí, nhưng lại khá cẩn trọng khi nói về công việc, có lẽ đây là lần chia sẻ kỹ lưỡng hiếm hoi của tổng đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - với PV về Táo quân 2016 và những dự tính cho Táo quân của tương lai.

* Táo quân hằng năm thường được anh bắt đầu nghĩ đến từ tháng mấy? Và quanh năm, anh có ghi lại các thông tin sự kiện, đưa vào bộ nhớ để đến lúc làm kịch bản thì tung ra?

- Chúng tôi vẫn hay đùa nhau khi kết thúc ghi hình Táo quân: ngày mai sẽ họp lúc mấy giờ để bàn kịch bản năm sau nhỉ?

Táo quân luôn có một nhóm biên tập theo sát các vấn đề xã hội để cập nhật liên tục các sự kiện, thông tin diễn ra quanh năm.

Khoảng tháng 10 chúng tôi sẽ có một cuộc họp xây dựng nội dung kịch bản và lập kế hoạch chi tiết cho việc sản xuất.

* Có bao giờ anh bị diễn viên làm khó? Vì thương hiệu Táo quân chắc chắn sẽ là “món hời” mà nhiều nghệ sĩ muốn sở hữu? Mời thêm hay bớt ai, anh có phải cân nhắc không?

- Nhìn lịch tập luyện Táo quân thì chắc không phải ai cũng nhiệt tình đâu. Để làm Táo quân, êkip chúng tôi đã phải mất công thuyết phục và liên tục bám sát lịch làm việc của nghệ sĩ để xếp lịch tập cho phù hợp.

Các nhà sản xuất nào đã làm chương trình với các nghệ sĩ hài nổi tiếng, được công chúng mến mộ sẽ đồng cảm với tôi ngay. Đó là những người cực kỳ bận và nhiều sô diễn, họ tài năng và cũng có những yêu cầu rất cao về chất lượng chương trình.

Nếu mình làm không tốt thì họ sẽ từ chối hợp tác. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi mời nghệ sĩ nào tham gia thì chúng tôi chỉ có một nguyên tắc duy nhất: họ phù hợp với nhân vật nào, hay không phù hợp với câu chuyện Táo quân năm nay mà thôi!

* Hỏi thật anh, các quan chức bị Táo quân cho “lên thớt” (ám chỉ hay trực diện) có khi nào có những phản ứng ngoài dự liệu của anh chưa?

- Tôi đã trả lời những câu hỏi tương tự và khẳng định: áp lực với người làm chương trình lớn nhất là sự yêu mến, mong đợi của khán giả.

Cũng không nên khoác cho Táo quân một chiếc áo quá rộng và thêu dệt lên đó những chi tiết gây tò mò, vì đơn giản đó chỉ là chương trình hài để phát sóng trên truyền hình.

Chương trình ấy nếu có đề cập đến nội dung gì thì cũng đều đã được cân nhắc bởi cả một êkip làm nội dung, các nhà báo chuyên trách.

Hãy xem Táo quân ở góc độ giải trí có lồng ghép nội dung báo chí, đó cũng là yếu tố đặc sắc mà Táo quân cố gắng duy trì khi thực hiện mỗi năm.

* 20 ngày tập Táo quân, kịch bản xương sống ban đầu anh viết ra dần thay đổi ra sao? Anh đánh giá cụ thể như thế nào về sự góp sức sáng tạo của các nghệ sĩ trong những vai diễn của mình khi “lên sóng”?

- Kịch bản Táo quân chắc là kịch bản nhiều thay đổi nhất, có khi thay đổi đến 50% và đến tận phút chót có khi vẫn còn thay đổi. Khi chúng tôi cùng các nghệ sĩ luyện tập, kịch bản cũng được chỉnh sửa cho phù hợp với từng nhân vật.

Tôi cũng đánh giá rất cao khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ trong Táo quân, họ không chỉ sáng tạo cho mình mà còn sáng tạo cho bạn diễn, cho tổng thể chương trình.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và các nghệ sĩ đóng Táo quân 2016 - Ảnh:VFC
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và các nghệ sĩ đóng Táo quân 2016 - Ảnh:VFC

* Anh có bao giờ lâm vào cảnh “lực bất tòng tâm” là cái mình thấy cần phải đưa ra châm biếm, chế giễu nhưng lại phải tránh vì nếu làm tới rất dễ bị thổi còi?

- Bản thân tôi tâm niệm Táo quân là chương trình giải trí, mang lại tiếng cười cho người xem. Cái khó của Táo quân chỉ là lựa chọn sao cho được vấn đề hay và thể hiện nó một cách tốt nhất qua lăng kính hài hước.

Hơn nữa chương trình còn chọn được vấn đề phù hợp với bối cảnh xã hội, mang tính xây dựng và cũng phải phù hợp ý đồ sáng tạo, chứ không phải cái gì cũng đưa hết vào được.

Muốn tránh sự cố nào đó thì cách đơn giản nhất là mình cần phải làm đúng nghiệp vụ chuyên môn, ngoài ra người sáng tác cũng cần có bản lĩnh để không bị rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”.

* Cũng có ý kiến cho rằng Táo quân với format quen thuộc quá rồi, vậy các anh có dự tính thay đổi gì không cho Táo quân năm sau?

- Mỗi năm, khi ngồi bàn kịch bản, chúng tôi đều tranh luận rất nhiều về hình thức thể hiện. Có thể cách này cách khác nhưng vấn đề khán giả quan tâm nhất vẫn là màn các Táo vào chầu báo cáo công việc năm qua.

Chưa kể các sự kiện, vấn đề xảy ra mỗi năm trong xã hội luôn là yếu tố mới và bất ngờ tạo nên chất liệu kịch bản. Hiện nay chúng tôi đã có ba ý tưởng mới về format nhưng để triển khai sẽ cần phải phát triển chi tiết hơn và làm thêm một khảo sát quy mô nhỏ lấy ý kiến phản hồi từ khán giả, sau đó hoàn thiện.

Với cá nhân tôi thì cho rằng nội dung mỗi năm sẽ được đề cập và thể hiện như thế nào mới là yếu tố quan trọng nhất để thu hút sự quan tâm của khán giả của Táo quân!

Từng tốt nghiệp thủ khoa đạo diễn điện ảnh của Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội 20 năm trước, có lẽ ít người quên những phim truyền hình nổi tiếng như Xin hãy tin em, Của để dành, Phía trước là bầu trời...mà Đỗ Thanh Hải là đạo diễn.

Sau đó, Đỗ Thanh Hải không còn làm phim mà tập trung cho công việc quản lý (giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - VFC) và mỗi năm khán giả lại chờ đợi một món ăn tinh thần mà anh đã là tổng đạo diễn 13 năm nay: Gặp nhau cuối năm tức Táo quân.

Đây là một chương trình hài hước châm biếm nhưng khá sâu sắc không sa vào hài nhảm, chọc cười dễ dãi... Táo quân hằng năm luôn được công chúng dù khen hay chê thì cứ mỗi đêm giao thừa lại chờ đợi để xem.

Theo Tuổi trẻ