Đức và Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức hội đàm “2+2” thảo luận hợp tác đối phó Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản và Đức sẽ tổ chức hội đàm “2+2” trực tuyến vào giữa tháng 4 nhằm vào hành vi bá quyền của Trung Quốc và thảo luận về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương...
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật - Đức sẽ tổ chức hội đàm 2+2 để thảo luận việc hợp tác đối phó Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật - Đức sẽ tổ chức hội đàm 2+2 để thảo luận việc hợp tác đối phó Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 5/4, dẫn nguồn truyền thông Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa tin cùng ngày rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nobuo Kishi sẽ tham dự cuộc hội đàm “2+2” trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass và Bộ trưởng Quốc phòng Kramp Karenbauer. Tuy thời gian cụ thể chưa được công bố, nhưng bước đầu dự định sẽ diễn ra vào ngày 16/4. Hai bên dự kiến ​​sẽ thảo luận về các vấn đề quốc phòng và hiện thực hóa sự tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trước mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bà Kramp Karenbauer, Bộ trưởng Quốc phòng Đức (Ảnh: Đông Phương).

Bà Kramp Karenbauer, Bộ trưởng Quốc phòng Đức (Ảnh: Đông Phương).

Đông Phương nhận định, Đức đang tăng cường vai trò của họ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vào tháng 9 năm ngoái, nước này đã soạn thảo chiến lược ngoại giao mới mang tên "Chuẩn tắc chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương" và có kế hoạch điều động các tàu hộ vệ đến tuần tra vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương và Biển Đông vào mùa Hè này. Hai nước có thể sẽ đàm phán để điều phối các tàu Đức cập cảng Nhật Bản và tiến hành huấn luyện chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đồng thời sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực như Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, việc Triều Tiên bắt cóc người Nhật và các cuộc biểu tình ở Myanmar.

Cũng theo Đông Phương, trước những mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga đối với EU, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp Karenbauer hôm thứ Bảy (3/4) đã cảnh báo rằng Trung Quốc rõ ràng muốn tạo ra một trật tự thế giới theo cách riêng của họ và buộc những người yếu thế phải hành động theo một mô thức nhất định. Bà chỉ ra rằng Trung Quốc là quốc gia “rất có ý thức quyền lực” (ý nói tham vọng) qua việc theo đuổi lợi ích kinh tế và chú ý đến khu vực xung quanh.

Bà Karenbauer cho biết trong một cuộc phỏng vấn về quan điểm của bà đối với Trung Quốc và Nga rằng, Nga trở thành mối đe dọa rõ ràng đối với Đức, cho dù về mặt vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân, nhưng kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc khác ở chỗ Bắc Kinh muốn Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trở thành quân đội lớn nhất, hiện đại nhất trên thế giới. Bà nhấn mạnh rằng nếu châu Âu và phương Tây muốn duy trì nền dân chủ trong thế giới tương lai, họ không thể trở thành bên yếu hơn và cần phải hành động.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP).

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP).

Khi được hỏi về việc Đức cử tàu chiến đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bà Karenbauer trả lời rằng tình hình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là vấn đề Đức quan tâm, vì vậy Đức sẽ tuân thủ các tuyến thương mại tự do và quy tắc toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tăng cường quan hệ giữa Đức với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước đối tác khác vì lợi ích của Đức và Châu Âu. Động thái này cũng được Mỹ coi là biểu tượng của việc Đức có những hành động thực tế trước sự đe dọa của Trung Quốc đối với quyền tự do hàng hải trên biển.

Trước đó, hai chính phủ Nhật Bản và Đức đã ký "Hiệp định bảo hộ tình báo" vào ngày 22/3. Theo hiệp định này, hai nước có thể cung cấp cho nhau những thông tin cơ mật trong lĩnh vực đảm bảo an ninh. Đây là lần thứ 9 Nhật Bản ký hiệp định này. Một số cơ quan truyền thông Nhật Bản bình luận rằng động thái của Đức đang gia tăng ảnh hưởng của họ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Reuters hồi tháng 3 cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của Đức nói rằng Hải quân Đức có kế hoạch cử tàu chiến đến châu Á và sẽ tuần tra Biển Đông vào tháng 8/2021. Nếu kế hoạch này được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên chiến hạm của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.

Biên đội tàu Liêu Ninh vượt qua eo Miyako vào biển Nhật Bản (Ảnh: Đa Chiều).

Biên đội tàu Liêu Ninh vượt qua eo Miyako vào biển Nhật Bản (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Đa Chiều ngày 5/4, Yomiuri Shimbun đưa tin, trong bối cảnh "hành vi bá quyền của Trung Quốc ngày càng gia tăng", hai bên sẽ thảo luận về việc "hiện thực hóa một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Đáng chú ý là Thủ tướng Nhật Bản cũng đã mạnh mẽ đề cập đến về vấn đề eo biển Đài Loan trong một phát biểu. Trước khi tới thăm Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ lập trường của mình về vấn đề Đài Loan, nói rằng hòa bình và ổn định của Đài Loan là chìa khóa của khu vực và Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ để giảm bớt cục diện căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Trước những lời nói và việc làm gần đây của Nhật Bản, quân đội Trung Quốc đã đưa ra những lời cảnh báo và dùng hành động thực tế để cảnh báo.

Theo Đa Chiều ngày 5/4, Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Washington trong tháng này, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Yoshihide Suga nói trong một chương trình ngày 4/4: “Điều rất quan trọng đối với Nhật Bản và Mỹ là hợp tác cùng nhau và sử dụng biện pháp răn đe để tạo ra một môi trường để Đài Loan và Trung Quốc đại lục có thể tìm thấy một giải pháp hòa bình”.

Tàu sân bay Liêu Ninh (trên) và một tàu hộ vệ bị lực lượng phòng vệ Nhật Bản chụp khi vượt qua eo biển Miyako (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu sân bay Liêu Ninh (trên) và một tàu hộ vệ bị lực lượng phòng vệ Nhật Bản chụp khi vượt qua eo biển Miyako (Ảnh: Đa Chiều).

Liên quan đến cuộc gặp giữa hai ông Yoshihide Suga và Joe Biden, truyền thông Nhật Bản trước đó tiết lộ rằng Nhật Bản và Mỹ đang thảo luận về việc đưa "các đoạn liên quan đến Đài Loan" vào tuyên bố chung sau hội đàm. Tin tức nhấn mạnh rằng một tuyên bố như vậy liên quan đến Đài Loan sẽ là một “sự bày tỏ công khai hiếm thấy” về mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đối với Đài Loan. Lần cuối cùng tuyên bố chung Nhật-Mỹ đề cập đến Đài Loan là vào năm 1969.

Ngoài vấn đề Đài Loan, Nhật Bản gần đây cũng tỏ thái độ cứng rắn đối với vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vấn đề Biển Đông và việc Trung Quốc đưa ra Luật Hải cảnh. Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/3 tiết lộ rằng tại cuộc họp tham vấn cơ chế giữa các cơ quan quốc phòng Trung Quốc và Nhật Bản, Bắc Kinh đã cảnh báo Nhật Bản rằng "nên ngừng mọi hành động khiêu khích đối với Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư, không nên đổi trắng thay đen chống lại Trung Quốc”.

Không lâu sau đó, vào ngày 3/4, Hải quân Trung Quốc đã cử một biên đội khổng lồ 6 tàu bao gồm tàu ​​sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục Type 055 vạn tấn Nam Xương vào Thái Bình Dương qua eo Miyako vào vùng biển giữa Okinawa và Miyakojima của Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đội hình của biên đội hải quân Trung Quốc này còn có các tàu khu trục 052D Thành Đô và Thái Nguyên, tàu khu trục 054A Hoàng Cương và tàu tiếp vận tổng hợp 901 Hô Luân Hồ.

Ảnh vệ tinh chụp biên đội tàu Liêu Ninh hôm 4/4 (Ảnh: Đa Chiều).

Ảnh vệ tinh chụp biên đội tàu Liêu Ninh hôm 4/4 (Ảnh: Đa Chiều).

Các hoạt động quân sự của hạm đội hải quân Trung Quốc khiến Nhật Bản cảnh giác cao độ, ngay lập tức cử tàu khu trục JS Suzutsuki của Lực lượng Phòng vệ biển, máy bay tuần tra hàng hải P-1 và máy bay tuần tra chống ngầm P-3C để bám sát theo dõi, tiến hành thu thập thông tin tình báo và cảnh giới giám sát.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 5/4 nói Nhật sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và thực hiện tốt các hoạt động cảnh giới giám sát. Cùng ngày, Đại tá Hải quân PLA Cao Tú Thành xác nhận biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã tổ chức huấn luyện định kỳ ở vùng biển xung quanh Đài Loan theo kế hoạch để từng bước kiểm nghiệm thành quả huấn luyện.

Ông Katsunobu Kato cho biết tại cuộc họp báo rằng chính phủ Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ và tiến hành các hoạt động cảnh giới giám sát liên quan đến sự di chuyển của các tàu hải quân Trung Quốc trong vùng biển xung quanh. Có dư luận cho rằng động thái của Trung Quốc có ý đồ kiềm chế cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ vào ngày 16/4.

Khi Thủ tướng Yoshihide Suga chuẩn bị thăm Mỹ để gặp Tổng thống Mỹ Biden, truyền thông Nhật Bản cho biết, nội bộ Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về việc Mỹ bố trí mạng lưới tên lửa ở châu Á. Giới quân sự Mỹ cho rằng Trung Quốc đại lục có thể tấn công Đài Loan trong thời gian tới, Mỹ hy vọng triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản để tăng khả năng răn đe quân sự và buộc Bắc Kinh phải từ bỏ ý định tấn công Đài Loan.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ thăm Mỹ từ 8 đến 11/4 và hội đàm với Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Sina).

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ thăm Mỹ từ 8 đến 11/4 và hội đàm với Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Sina).

Một số quan chức an ninh Nhật Bản cho rằng việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản là không thể tránh khỏi. Một số quan chức lo ngại nếu nổ ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, Nhật Bản có thể bị đẩy lên tuyến đầu và địa điểm triển khai sẽ trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc; Bắc Kinh cũng sẽ gây áp lực mạnh mẽ; duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa Nhật Bản và Trung Quốc là điều không dễ dàng.

Theo các nguồn tin công khai, ngay từ ngày 18/3, Hải quân Trung Quốc đã cho tàu Type 055 Nam Xương dẫn đầu các tàu 052D Thành Đô và tàu khu trục Type 054A Đại Khánh vào biển Nhật Bản qua eo biển Tsushima. Các tàu chiến và máy bay liên quan của Mỹ và Nhật Bản đã bám theo để giám sát và do thám. Cho dù các hành động của hải quân Trung Quốc không nhằm vào Nhật Bản, nhưng dù đi qua eo biển Tsushima hay đường thủy Miyako, chúng đều là những nút thắt trọng yếu đối với Nhật Bản; về mặt khách quan, Bắc Kinh đã thực hiện hành động “phô diễn cơ bắp” thực tế và mạnh mẽ nhằm vào Tokyo.