Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sontag, Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel chỉ trích chính quyền Saudi Arabia cấp vốn cho hàng trăm nhà thờ Hồi giáo cực đoan khắp thế giới.
Trên thực tế, đã từ lâu Saudi Arabia phải đối mặt với cáo buộc tài trợ khủng bố. Tuy nhiên việc một nhà lãnh đạo châu Âu công khai lên án đồng minh Ả Rập trọng yếu của phương Tây là chuyện rất bất thường. Mới vài ngày trước, Cơ quan tình báo Đức BND cảnh báo Saudi Arabia “có thể trở thành thế lực gây bất ổn lớn trong thế giới Ả Rập”.
Xuất khẩu cực đoan
Chủ nghĩa Wahhabi là học thuyết Hồi giáo chính thống ở Saudi Arabia, bị đánh giá là cực đoan. Hệ tư tưởng của các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) đều dựa trên chủ nghĩa Wahhabi. Giáo sư Asad AbuKhalil thuộc ĐH California nhận định hệ tư tưởng của chính quyền Saudi hoàn toàn tương đồng với IS, có khác chỉ là chính sách ngoại giao.
Trong 30 năm qua chính quyền Saudi Arabia đầu tư khoảng 100 tỷ USD xây dựng hàng trăm nhà thờ Hồi giáo Wahhabi khắp thế giới.
Tình báo Ấn Độ cho biết chỉ riêng tại quốc gia này, từ năm 2011 đến 2013 hơn 25.000 giáo sĩ Saudi tới, mang theo hơn 250 triệu USD để xây nhà thờ, đại học Hồi giáo và tổ chức các hội thảo. Các tổ chức này đều truyền bá học thuyết Wahhabi cực đoan.
Trên lý thuyết, Saudi Arabia là thành viên liên minh chống IS. Tuy nhiên tình báo phương Tây khẳng định cả chính phủ và các cá nhân giàu có ở Saudi Arabia là nguồn tiền dồi dào dành cho các tổ chức khủng bố quốc tế. Phần lớn những kẻ thực hiện vụ tấn công 11-9 là người Saudi. Điều tra của ủy ban 11-9 cáo buộc chính quyền Saudi Arabia hỗ trợ nhóm tổ chức vụ 11-9.
Năm 2012, trang WikiLeaks công bố các tài liệu mật cho thấy đại sứ Saudi Arabia ở Pakistan có liên hệ mật thiết với tổ chức Haqqani đứng sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Kabul (Afghanistan) năm 2011. Năm 2009, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo các cá nhân giàu có ở Saudi Arabia “là nguồn tài trợ lớn cho các nhóm khủng bố Sunni trên toàn thế giới”.
Các tài liệu mật cho thấy tổ chức khủng bố Lashkare Taiba ở Pakistan (thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Mumbai, Ấn Độ năm 2008) sử dụng một công ty bình phong tại Saudi Arabia để gây quỹ. Các thành viên nhóm này công khai đến Saudi Arabia xin tài trợ, quyên góp.
Phương Tây dung túng
Ước tính 1.500 - 2.500 công dân Saudi đã đến Syria và Iraq gia nhập IS. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định nữ hung thủ xả súng ở San Bernardino, California, Tashfeen Malik, đã bị cực đoan hóa trong thời kỳ sinh sống ở Saudi Arabia. Chính Saudi Arabia đã cung cấp tên lửa chống tăng TOW cho tổ chức Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria.
Sau vụ thảm sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) hồi tháng 1, tình báo châu Âu cáo buộc Saudi Arabia cấp vốn cho tổ chức Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP). Đây chính là nhóm đào tạo tay súng Chérif Kouachi, một trong hai hung thủ giết người ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo.
Saudi Arabia cũng bị cáo buộc tiếp tay cho AQAP trong cuộc chiến chống người Houthi Shiite ở Yemen. Một trong các thủ lĩnh của AQAP tên Ibrahim Saleh Mujahid al-Khalifa, chuyên nhiệm vụ gây quỹ cho nhóm khủng bố này, là công dân Saudi và hoạt động ở Saudi Arabia. Saudi Arabia cũng bị cáo buộc đã cấp vốn cho IS. Theo thống kê, phần lớn số tin nhắn ủng hộ IS gửi tới mạng xã hội Twitter đến từ Saudi Arabia.
Tạp chí Politico dẫn lời một số chuyên gia chống khủng bố nhận định vấn đề là đối với Mỹ và phương Tây, dầu thô của Saudi Arabia quá quan trọng với nền kinh tế quốc tế. Do đó, Saudi Arabia vẫn thoải mái tài trợ khủng bố mà không bị phương Tây cản trở hay cấm vận. Thậm chí Mỹ còn liên tục bán vũ khí cho Saudi Arabia.
Theo thống kê của VIện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, từ năm 2005 đến 2009 Mỹ xuất khẩu 934 triệu USD vũ khí cho Saudi Arabia. Trong giai đoạn 2010-2014, con số này lên đến 2,4 tỷ USD. Tháng này, Mỹ xuất thêm 1 tỷ USD vũ khí sang Saudi Arabia. Mỹ hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin tình báo và hậu cầu cho quân đội Saudi Arabia.
Theo Tuổi trẻ