Trong nhiều năm, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác như Ấn Độ đã đòi có tiếng nói lớn hơn trong các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB (Ảnh:Bloomberg/CNBC)
Việc châu Âu ủng hộ một dự án ngân hàng quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu là một tín hiệu cho thấy niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ đang dần suy giảm, đồng thời công nhận sự cần thiết phải thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh đang ngày càng mạnh - giới phân tích đánh giá.
Báo chí quốc tế tuần này đưa tin, Đức, Pháp, Italy và Anh đã tham gia vào dự án Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) trị giá 50 tỷ USD.
Đây là dự án do Trung Quốc khởi xướng vào năm ngoái và được coi là một đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở ở Washington.
“Điều này nói lên nhiều về sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế, cũng như ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc”, ông Nicholas Spiro, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Spiro Sovereign Strategy ở London, phát biểu với hãng tin CNBC.
“Châu Âu đang có lúc mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ và việc họ sẵn sàng trở thành thành viên sáng lập của AIIB một phần phản ánh điều này”, ông Spiro nói thêm.
Các nhà phân tích cho rằng, bối cảnh hiện nay đóng vai trò quan trọng giúp hiểu được sự căng thẳng xung quanh dự án AIIB.
Trong nhiều năm, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác như Ấn Độ đã đòi có tiếng nói lớn hơn trong các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB để phản ánh sức mạnh kinh tế gia tăng của mình.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế thậm chí dự báo Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sau vài năm nữa.
Trong lúc cải cách diễn ra chậm chạp ở WB và IMF, Trung Quốc tự lập ra định chế tài chính quốc tế của riêng mình. Các nhà phân tích cho rằng, đối với châu Âu, việc tham gia luôn và giữ vai trò định hình các định chế do Trung Quốc dẫn đầu là việc cần làm.
“Thực tế là quyền bỏ phiếu trong IMF và WB không phải ánh tương quan sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ”, nhà phân tích cấp cao Alistair Newton thuộc ngân hàng Nomura phát biểu.
Trong khi đó, Mỹ lập luận rằng các nước phương Tây lẽ ra có thể có được ảnh hưởng lớn hơn đối với AIIB nếu hợp tác cùng nhau ở bên ngoài và thúc đẩy các tiêu chuẩn cho vay cao hơn.
Ngoài ra, giới phân tích cũng nói, châu Âu có thể đã ít nhiều bất bình vì Washington tỏ ra “lề mề” trong vấn đề cải cách WB và IMF.
“Nếu không trở thành một thành viên của định chế mới này, các nước châu Âu có nguy cơ bỏ qua một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng địa chính trị mạnh nhất thế giới”, chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas thuộc hãng tư vấn IHS nhận định sau khi có tin Anh sẽ tham gia AIIB hôm thứ Sáu tuần trước.
“Trở thành một thành viên sáng lập, Anh có thể tham gia thiết lập các quy định của ngân hàng mới này”, ông Biswas nói.
Một số chuyên gia cũng nói rằng, thay vì “đối đầu” với WB, AIIB có thể bổ sung cho định chế lâu năm này, bởi AIIB sẽ có nhiều thành viên cũng là thành viên của WB.
“Tôi cho rằng IMF và WB sẽ vẫn là những định chế giữ vai trò lớn nhất”, chuyên gia Neil Shearing thuộc Capital Economics đánh giá. “Câu chuyện về vai trò của Trung Quốc trong các định chế tài chính toàn cầu đã được nói đến suốt 5 năm nay, cho thấy phải mất rất nhiều thời gian mới có được chuyển biến”.
Theo VNEconomy