Đồng minh quay lưng với Mỹ vì ngân hàng của Trung Quốc?

Trong một động thái bất ngờ, Anh tuyên bố sẽ gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc khởi xướng, thổi bùng phản ứng giận dữ từ phía Mỹ.
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ngân hàng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là ý tưởng của Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái.

Lễ ký kết chính thức diễn ra vào tháng 10/2014. Theo đó, 21 quốc gia đã ký vào thỏa thuận thành lập ngân hàng trị giá 100 tỷ USD. Mục tiêu của AIIB là hỗ trợ vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Tuy nhiên, ngoại trừ Ấn Độ, hầu hết những nước láng giềng có ảnh hưởng hơn Trung Quốc không gia nhập, bao gồm Úc, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Có nhiều thông tin cho rằng chính phủ Mỹ đã tạo sức ép buộc các nước này không ký vào thỏa thuận.

Nhưng AIIB dần củng cố sức mạnh theo thời gian. Indonesia, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Joko Jokowi Widodo mới nhận nhiệm sở, đã gia nhập ngân hàng cuối tháng 11/2014. New Zealand đặt bút ký kết vào tháng 1/2015, cùng Arab Saudi và Tajikistan.

Nhưng quyết định của Anh lần này thực sự gây rúng động, biến Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên, cũng là đồng minh lớn nhất của Mỹ, gia nhập AIIB.

Lễ ký kết diễn ra trong thời gian Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến London vào tháng Sáu năm 2014.
Lễ ký kết diễn ra trong thời gian Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến London vào tháng Sáu năm 2014.

Đương nhiên Washington không hài lòng. Một quan chức cấp cao thuộc chính quyền ông Obama đã trả lời tờ Financial times, khẳng định quyết định trên cho thấy London đang “ngả theo hướng thỏa hiệp với Trung Quốc. Đây không phải là cách tốt nhất để ứng xử với một cường quốc đang trỗi dậy”.

Ông này cũng phàn nàn việc Anh đã đưa ra quyết định mà không hề tham vấn Mỹ.

Về phần mình, quan chức Anh phủ nhận điều này, cho biết Bộ trưởng tài chính Anh – ông George Osborne – đã có các cuộc trao đổi với người đồng cấp Mỹ - ông Jack Lew.

Trả lời tờ The Guardian, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ khẳng định: “Lập trường của Mỹ đối với AIIB vẫn rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi cho rằng mọi tổ chức đa phương mới cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Ngân hàng Thế giới và ngân hàng phát triển trong khu vực. Qua nhiều cuộc thảo luận, chúng tôi quan ngại về khả năng đáp ứng các chuẩn mực này của AIIB”.

Ngoài ra, cơ quan này lưu ý rằng việc gia nhập AIIB là quyết định thuộc thẩm quyền của Anh Quốc, và hy vọng Anh sẽ sử dụng tiếng nói để thúc đẩy tuân thủ quy định chuẩn mực.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố cổ phần trong AIIB sẽ được chia theo GDP, đồng nghĩa Trung Quốc sẽ là cổ đông lớn nhất. Bắc Kinh cũng tự nguyện hỗ trợ trước một nửa vốn cho ngân hàng.

Hai yếu tố này khiến nhiều chuyên gia lo ngại AIIB có thể sẽ bị Trung Quốc chi phối toàn phần. Cấu trúc này khác với mô hình ban điều hành độc lập của Ngân hàng Thế giới.

Trung Quốc phủ nhận lo ngại trên, cho rằng cổ phần của chính phủ Trung Quốc sẽ dần giảm đi khi ngày càng nhiều thành viên gia nhập.

Ngược lại, một số nhà phân tích lập luận rằng để cân bằng quyền kiểm soát, thay vì đứng ngoài, Washington nêu kêu gọi các nước đồng minh gia nhập ngân hàng. Từ đó, quyền kiểm soát sẽ được cân bằng từ bên trong AIIB.

Singapore – một đối tác lớn của cả Mỹ và Trung Quốc – thừa nhận gặp khó khăn khi đàm phán với Mỹ về quyết định ủng hộ ý kiến của Trung Quốc. Singapore cho rằng dù thế nào đi nữa, Trung Quốc vẫn sẽ triển khai AIIB, nên sẽ tốt hơn nếu gia nhập và tác động từ bên trong cấu trúc, thay vì khoanh tay bất lực đứng nhìn.

London đã ngả theo hướng này, câu hỏi hiện giờ là liệu các nước thân Mỹ khác như Úc và Hàn Quốc có “noi gương” Anh hay không.

Chính phủ Thủ tướng Úc - Tony Abbott  - đã cam kết không gia nhập AIIB cho đến khi các lo ngại về quản trị được giải tỏa. Tuy nhiên, tờ Sydney Morning Herald đưa tin cho biết một số thành viên nội các có quan điểm ngược lại.

Năm 2014, 21 quốc gia đã ký vào thỏa thuận thành lập ngân hàng trị giá 100 tỷ USD
Năm 2014, 21 quốc gia đã ký vào thỏa thuận thành lập ngân hàng trị giá 100 tỷ USD

Vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp nội các vào cuối tháng Ba này, dự kiến khả năng gia nhập là khá cao. Thậm chí Bộ trưởng thương mại Úc từng tự tin khẳng định rằng Úc sẽ tham gia ngân hàng, dù sớm hay muộn.

Sydney Morning Herald cũng lưu ý rằng Úc và Hàn Quốc đang làm việc song phương để “xây dựng một lập trường chung đối với các tiêu chuẩn quản trị có thể chấp nhận được”. Đồng nghĩa nếu Úc tham gia ngân hàng với các điều kiện, Hàn Quốc cũng nối gót.

Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc từng thừa nhận một khi AIIB đạt các tiêu chuẩn quản trị do Seoul đề ra, không có lý do gì để không tham gia.

Trung Quốc đã ra hạn chót để các nước gia nhập AIIB với tư cách nước sáng lập cho đến ngày 31/3, Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cho biết.

Ông Lâu bỏ ngỏ khả năng một số nước gây ngạc nhiên sẽ gia nhập ngân hàng, trong đó có Nhật Bản và nhiều nước châu Âu lớn, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. 

Theo Bizlive