Trong đó, đa phần là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (66%), còn lại là doanh nghiệp trong nước.
Dư nợ đến cuối năm 2014 là 3,65 tỷ USD, trong đó vay bằng tiền là gần 3,5 tỷ USD, còn lại là vay bằng hàng hóa. So với cuối 2013, dư nợ vay ngoại tệ từ nước ngoài đến cuối năm ngoái đã tăng 9,7%.
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, các khoản vay trên đối với doanh nghiệp FDI chủ yếu là của công ty con vay công ty mẹ, còn đối với doanh nghiệp trong nước thì đa phần là vay của đối tác theo dạng mua máy móc trả chậm, đầu tư góp vốn nhưng chưa xin được giấy phép nên trở thành các khoản vay, hoặc vay của cá nhân quen biết ở nước ngoài, hoặc được chính phủ bảo lãnh các khoản vay.
Theo phân tích của giới tài chính, gần đây, các khoản vay trực tiếp nước ngoài khá nhộn nhịp là do giá vốn đi vay ngoại tệ từ nước ngoài rẻ hơn nhiều so với vay tại Việt Nam.
Lãi suất vay USD tại Việt Nam theo tìm hiểu hiện phổ biến ở mức 4-7%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4-6%/năm, trung và dài hạn từ 5,5-7%/năm, trong khi nếu doanh nghiệp vay USD ở nước ngoài, lãi suất chỉ khoảng từ 1-2,5%/năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vay ngoại tệ trong nước rất gian nan, bởi theo quy định, họ phải chứng minh được nguồn ngoại tệ thu về thì mới được vay và thủ tục xét duyệt cũng rất lằng nhằng.
Trong khi đó, thủ tục vay ngoại tệ từ ngân hàng ở nước ngoài cũng dễ dàng hơn. Theo một giám đốc phụ trách khối tín dụng doanh nghiệp của một ngân hàng nước ngoài ở TP. HCM cho biết các tổ chức nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam vay không đòi hỏi cầu kỳ.
Riêng doanh nghiệp FDI, vay ngân hàng nước ngoài luôn dễ hơn bởi công ty mẹ ở nước ngoài đã có quan hệ tín dụng lâu năm với ngân hàng. Điều đó như một hình thức bảo lãnh tốt bởi bên cho vay cảm thấy tin cậy và họ có thể đánh giá được rủi ro của công ty mẹ.
Theo Lao Động